Trung Cần: Ngôi làng tự hào có 3 người làm Tế tửu Quốc Tử Giám

Chia sẻ Facebook
01/08/2023 23:10:43

Người đứng đầu trường Quốc Tử Giám được gọi là Tế tửu Quốc Tử Giám, chức vụ này thường được trao cho những danh sĩ có tiếng...


Trường Quốc Tử Giám là ngôi trường có tiếng nhất, nơi tạo ra nhiều hiền tài phụng sự Xã Tắc. Người đứng đầu trường này được gọi là Tế tửu Quốc Tử Giám, chức vụ này thường được trao cho những danh sĩ có tiếng. Trong lịch sử có một ngôi làng tự hào khi có đến 3 người từng giữ chức vụ Tế tửu Quốc Tử Giám, đó là làng Trung Cần (nay thuộc xã Trung Phúc Cường,Nam Đàn, Nghệ An), đây cũng là làng có nhiều người nhất giữ chức vụ này.

Trung Cần cũng là vùng đất học nổi tiếng xưa, rất nhiều người đỗ đạt, vì thế mà người làng Trung Cần tự hào rằng:


Làng ta khoa bảng thật nhiều
Như cây trên núi, như diều trên không.


Người dân thời đấy có câu rằng “quan Trung Cần, dân Dương Liễu”.

Quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám. (Ảnh: Flickr, Manhhai)

Vào đầu thế kỷ 16, khi làng còn có tên là trang Cần Cung, có ông Tống Tất Thắng đỗ tiến sĩ năm 1505 khi mới 18 tuổi, đây chính là người đỗ khai khoa của làng. Là người văn võ song toàn, Tống Tất Thắng giữ chức Lại bộ Thương thư, rồi Binh bộ Thượng thư. Ông nhiều lần cầm quân đánh giặc bảo vệ vùng đất biên giới phía nam, lại giúp dân lập làng, khai phá các vùng đất ở Nghệ An – Hà Tĩnh. Sau một lần đánh giặc, trên đường trở về ông lâm bệnh nặng rồi mất khi mới 35 tuổi, người dân thương tiếc tôn ông làm Thành Hoàng của làng.

Đình làng Trung Cần. (Ảnh: Nguyễn Trần Đăng, Wikipedia, Public Domain)

Ba người làm Tế tửu Quốc Tử Giám

Người đầu tiên của làng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám là Hồ Yên Ninh, ông còn được phong hàm là Quang tiến Vinh lộc Đại phu.


Người được phong Tế tửu Quốc Tử Giám thứ hai là Lê Tráng Lượng, đỗ Hương cống khoa thi năm 1813 thời vua Gia Long. Trong kỳ thi này, đề bài thi văn sách là “Công đức như thiên sinh vạn vật”. Bài làm của Lê Tráng Lượng có câu: “Nguy nhiên thần võ thánh văn chi thịnh mĩ, cửu công thất đức bất tận hình dung; Uyển nhược thái hòa nguyên khí chi lưu hành thứ loại vạn ban hàm tư phát dục”. Nghĩa là: “Lớn lao vậy võ thần văn thánh chín công bảy đức không đủ hình dung, Lưu hành nhưng uyên khí thái hòa, muôn vật mọi loài đều nhờ sinh dục.” Bài văn sách của Lê Tráng Lượng được khen hơn hẳn các bài khác. Là danh sĩ thời vua Gia Long, nên ông được Vua đổi tên cho là Lê Nguyên Trung (với ý là trung thành).

Lê Tráng Lượng làm quan có tiếng thanh liêm, khi làm Thự tuần phủ Hưng Hóa, ông phát hiện nơi đây có mỏ vàng, liền dâng sớ xin phong kín mỏ chứ không rút bớt làm của riêng. Lại có kẻ đem số vàng lớn đến cầu cạnh ông cũng không động tâm, được Vua khen là liêm khiết. Ông sống giản dị, lại hành xử công bằng nên rất được lòng dân chúng. Chính vì thành tích như vậy, ông được Vua cử làm Tế tửu trường Quốc Tử Giám.

Con Lê Tráng Lượng là Lê Nguyên Thứ đỗ Cử nhân, cháu là Lê Bá Đôn đỗ Giải nguyên, tằng tôn là Lê Bá Hoan đỗ Tiến sĩ, gia đình ông đều là những danh sĩ đương thời.

Người thứ ba làm Tế tửu Quốc Tử Giám là Lê Bá Đôn, ông cũng chính là cháu nội của Lê Nguyên Trung, đỗ thủ khoa kỳ thi Hương (tức Giải nguyên) năm 1867 thời vua Tự Đức.

Năm 1876, Lê Bá Đôn được cử làm Tri huyện An Định, gặp phải năm đói kém, ông nỗ lực phát chẩn giúp dân vượt qua năm khó khăn. Sau lần đấy ông được triệu về kinh bổ nhiệm chức Chủ sự bộ Lễ, rồi thăng chức Lang trung. Từ đấy Lê Bá Đôn làm quan quá các chức vụ khác nhau, rồi được tin tưởng cử làm Tế tửu trường Quốc Tử Giám.

Những dòng họ danh tiếng


Làng Trung Cần vẫn lưu truyền về dòng họ Nguyễn Văn có “tam thế kế đại khoa” nghĩa là có 3 đời liền đỗ đại khoa, nổi tiếng có Thám hoa Nguyễn Văn Giao.


Nguyễn Văn Giao học rất giỏi, thi đỗ tú tài khoa thi năm 1831, đến khoa thi năm 1834 thì đỗ cử nhân, nhưng do quyển thi có chữ viết phạm quy nên bị đánh hỏng và chịu án “chung thân bất đắc ứng thí” tức suốt đời không được đi thi.


Nguyễn Văn Giao về quê nhà dạy học suốt 18 năm liền, Dù không được đi thi nhưng ông vẫn đọc sách Thánh hiền để làm người tốt, có thiện lương. Theo ông thì Mạnh Tử từng nói: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ” , nghĩa là “Con đường học vấn chẳng phải là cái gì khác, chỉ là con đường dẫn dắt chúng ta đi tìm cái bản tâm vốn thiện đã bị đánh mất mà thôi”.


Trong thời gian này, ông sáng tác nhiều thơ văn. Đến thời vua Tự Đức thì ông được hủy án cấm thi. Năm 1852, Nguyễn Văn Giao đi thi lại, ông đỗ đầu cả kỳ thi Hương và thi Hội, vào đến thi Đình ông lại đỗ đầu, nhưng do kỳ thi này không lấy Trạng nguyên và Bảng nhãn, nên ông được lấy đỗ Thám hoa. (Xem bài: Sĩ tử bị cấm thi, nhờ bền chí trau dồi mà cuối cùng đỗ Thám hoa)


Trung Cần cũng là vùng đất sinh ra dòng họ Nguyễn Trọng nổi tiếng với nhiều đời khoa bảng. Đặc biệt dòng họ này có ba đời đi sứ nhà Thanh 5 lần “sứ ư tứ phương, bất nhục quân mệnh” nghĩa là “đi sứ bốn phương không làm nhục mệnh vua”.

Dòng họ Nguyễn Trọng nổi tiếng gắn liền với câu ca:


Quốc thể ngũ niên trùng cống phỉ
Thư hương tam thế ngũ hoàng hoa

Dịch nghĩa:


Năm lần đi sứ làm phong độ rạng danh quốc thể
Ba đời nghiên bút và có năm lần làm sứ giả

Làng Trung Cần và làng Quỳnh Lưu là hai làng có số người đỗ đạt cao nhất ở Nghệ An. Ngày nay làng có nhiều thay đổi so với trước kia, nhưng bên cạnh những ngôi nhà hiện đại vẫn còn đó những công trình với nét xưa cổ kính như mái đình, giếng nước, sân đền, cùng những câu chuyện về truyền thống cha ông xưa.


Trần Hưng

Sự khắt khe trong khoa cử thời xưa


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook