Trúng bẫy ‘việc nhẹ, lương cao' ở Campuchia, muốn về nhà phải 'nộp phạt' 10.000 USD

Chia sẻ Facebook
10/06/2022 23:52:46

Nghe lời người quen sang Campuchia "làm việc nhẹ, lương cao", nhiều người lao động sập bẫy đi làm việc nước ngoài, phải nộp phạt 10.000 USD/người để được trở về nước.

Người dân trình báo sự việc với Công an huyện Lục Ngạn - Ảnh: Công an cung cấp


Theo Công an huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), thời gian qua, nhiều người lao động trên địa bàn nghe lời người quen "sang Campuchia làm việc văn phòng nhẹ nhàng, lương cao tới cả nghìn USD/tháng". Những người này đã đi máy bay vào TP.HCM rồi sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Khi sang tới nơi, những công việc "nhẹ nhàng, lương cao" qua lời kể của người quen thật ra là soạn thảo, gửi, phát tán tin nhắn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội; tư vấn, dụ dỗ vay tiền trực tuyến, đánh bạc, chơi game qua mạng…

Theo lời kể của một số nạn nhân, sau một tháng học việc, họ được trả 200 USD (khoảng 4,6 triệu đồng). Trong quá trình học việc ở đó, các đối tượng không cho người lao động dùng điện thoại và kiểm soát rất chặt chẽ. Khi có ý định thôi việc, nhóm người lao động Việt Nam bị bắt vào một khu nhà riêng, ngày chỉ ăn một bữa. Người lao động lúc này muốn về quê phải chuyển 10.000 USD tiền phạt phá vỡ hợp đồng.


Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , thượng tá Nguyễn Văn Duân, trưởng Công an huyện Lục Ngạn, cho biết nhóm người lao động sang Campuchia làm việc có hơn 10 người. Tất cả đi theo đường chính ngạch theo môi giới làm việc trong lĩnh vực du lịch ở một số sòng bài sát biên giới Việt Nam - Campuchia.

Khi biết sự việc, Công an huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang để gửi công văn tới Cục Cảnh sát hình sự giải quyết. Sau đó, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Campuchia đã có những trao đổi, xử lý theo ký kết tương trợ tư pháp bởi sự việc xảy ra tại Campuchia.


Theo thượng tá Duân, bà con khi có ý định đi làm việc tại nước ngoài phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ trước khi đi và chỉ đi xuất khẩu lao động qua các công ty, đơn vị được Nhà nước cấp phép hoạt động nhằm tránh trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện, có 8 người lao động trở về Lục Ngạn, một số người khác ở lại TP.HCM làm việc sau khi về nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), lưu ý người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài được cấp phép và tuyệt đối không thông qua trung gian.

Thực tế, không phải ai cũng nắm được hết các khoản như vé máy bay, visa, khám sức khỏe, bảo hiểm lao động... nên thường tìm người quen giới thiệu hoặc qua môi giới. Thứ hai, người lao động nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động trên các trang web doanh nghiệp với đuôi ".vn".

Các trường hợp làm không đúng quy định, người lao động có thể khiếu nại tố cáo đến số điện thoại của Cục Quản lý lao động ngoài nước: 024.3824.9517, website: dolab.gov.vn. hoặc cơ quan chức năng gần nhất.

Nhu cầu đi nước ngoài làm việc tăng cao sau khi các nước nới lỏng chính sách kiểm soát COVID-19, ông Nguyễn Gia Liêm - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - có những chia sẻ về vấn đề này.

Chia sẻ Facebook