'Trump được Chúa phái xuống trần gian' - BBC News Tiếng Việt
Chúng tôi đến Vành đai Kinh thánh để tìm hiểu về mối liên hệ giữa tôn giáo và chính trị nước Mỹ, trong bối cảnh cuộc bầu cử cận kề.
'Trump được Chúa Trời phái xuống trần gian'
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Ông Trump cầu nguyện cùng các lãnh đạo tôn giáo trong Phòng Bầu Dục tại Nhà Trắng khi còn làm tổng thống
Tác giả, Cecilia Barría Vai trò, BBC News Mundo Oklahoma 23 tháng 10 2024
Vài phút trước buổi lễ Chủ nhật tại Nhà thờ Grace Reformed Baptist ở Elgin, một thị trấn có khoảng 2.000 người ở bang miền nam Oklahoma, Mục sư Dusty Deevers, 36 tuổi, xuất hiện, ăn mặc chỉn chu và nở nụ cười tươi.
Ông chào đón một nhóm khoảng 100 giáo dân, chủ yếu là những gia đình da trắng mang theo nhiều con cái.
Tại sảnh nhà thờ có bày một số tờ rơi với hình vẽ một em bé dường như đã chết.
"Khi bạn đọc những dòng này, ba đứa trẻ đã bị giết khi còn trong bụng mẹ ở Mỹ," tờ rơi có đoạn, ám chỉ phá thai như một cuộc "diệt chủng" trong thời đại chúng ta.
Phá thai, cùng với kinh tế và nhập cư, là một trong những chủ đề chính trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống sắp tới vào ngày 5/11.
Những tờ rơi này là dấu hiệu rõ ràng của việc kinh tế và tôn giáo gắn bó chặt chẽ như thế nào trong cộng đồng những cử tri Tin Lành cánh hữu bảo thủ nhất ở Mỹ, khi họ chuẩn bị bỏ phiếu bầu một tổng thống mới.
Chụp lại hình ảnh, Các tờ rơi chống phá thai được tìm thấy ở lối vào Nhà thờ Grace Reformed Baptist
Vào ngày mùa hè nóng nực này, khi các cơn mưa nặng hạt đã dứt, buổi lễ bắt đầu lúc 10 giờ 45 phút.
Mục sư chơi ghi ta và hát với các giáo dân trong nhà thờ bài trí đơn giản, nghiêm trang với những bức tường trắng trơn trụi này.
Deevers - một thượng nghị sĩ sinh ra tại Elgin, có sáu con, có bằng thạc sĩ về nghiên cứu tôn giáo và kinh doanh bất động sản - thuyết giảng vào Chủ nhật trên bục giảng; nhưng vào thứ Hai, có thể ông đang đề xuất các điều luật ở tòa nhà nghị viện bang Oklahoma.
Việc các chính trị gia giữ các chức vụ ở nhà thờ địa phương hoặc có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà thờ là rất phổ biến ở Oklahoma.
Kiểu lãnh đạo kép về chính trị và tôn giáo này thường thấy ở nơi gọi là Vành đai Kinh Thánh của Mỹ, nơi có thị trấn Elgin. Đây là một vùng rộng lớn gồm ít nhất chín bang chủ yếu theo đạo Tin Lành và Đảng Cộng hòa. Đây cũng là nơi cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong buộc bầu cử mới đây nhất (ngoại lệ duy nhất là Georgia).
Nằm ở miền nam nước Mỹ, Vành đai Kinh thánh là trung tâm của sự trỗi dậy ảnh hưởng chính trị của các lãnh đạo Tin Lành bảo thủ.
Và tại trung tâm của vành đai, Oklahoma, một bang sùng đạo, nơi hơn 80% thành viên của nghị viện địa phương là đảng viên Cộng hòa, Chúa và nhà nước là dòng chảy có ảnh hưởng lớn trong chính trị Okalahoma, vì các tín đồ Cơ đốc giáo bảo thủ cảm thấy lối sống truyền thống của họ bị đe dọa bởi phe cánh tả tự do.
Mối liên hệ tôn giáo-chính trị
Chụp lại hình ảnh, Mục sư Dusty Deevers cho rằng cơ cấu quyền lực ở Mỹ cần phải thay đổi
“Bạn nghĩ gì về buổi lễ này?” Deevers hỏi tôi, trong nỗ lực đầu tiên để khám phá niềm tin tôn giáo của tôi.
Sau một cuộc trò chuyện dài, ông nói với tôi rằng trong ngắn hạn, chương trình nghị sự chính trị của ông là chấm dứt phá thai, xóa bỏ các nội dung khiêu dâm và ngừng thu thuế thu nhập và thuế tài sản.
Nhưng về lâu dài, mục tiêu của Deevers tham vọng hơn nhiều: biến Mỹ thành một quốc gia Cơ đốc giáo.
Và để thực hiện sứ mệnh đó, một phần thiết yếu của chiến lược là nắm giữ các vị trí chính trị lên đến cấp cao nhất.
“Ngài có muốn biến Nhà Trắng thành vương quốc của Chúa Trời không?” Tôi hỏi ông. “Mọi thứ trên Trái Đất đều là vương quốc của Chúa Trời,” ông trả lời.
“Chúng ta phải thay đổi các cấu trúc quyền lực,” vị thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa giải thích.
Deevers thậm chí không hoàn toàn đồng ý rằng ông Trump đại diện cho các quan điểm và giá trị mà ông phụng sự, giống như các mục sư khác ở Vành đai Kinh Thánh luôn tin vậy.
"Trump đang khiến đảng Cộng hoà nghiêng về cánh tả," ông nói.
Làm việc cùng với Deevers, Aaron Hoffman, một người cha 37 tuổi của năm cô con gái - hiện đang chuẩn bị trở thành mục sư của một nhà thờ Baptist mới ở Oklahoma - tin rằng việc làm mờ ranh giới giữa nhà thờ và nhà nước là vô nghĩa.
“Không có cách nào khác ngoài việc gắn chặt Cơ đốc giáo vào chính trị,” ông nói với tôi trong nước mắt vì “người Mỹ đã quên Chúa Giêsu rồi”.
Phán quyết tôn giáo
Chụp lại hình ảnh, Susie Stephenson đã bỏ việc giáo viên ở Oklahoma
Liệu cuộc chiến văn hóa này có ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân thường không? Câu trả lời là có.
Chỉ trong năm nay, các quyết định chính trị có chiều hướng tôn giáo đã được đưa ra ở ít nhất ba bang thuộc Vành đai Kinh thánh.
Ở Louisiana, tất cả các lớp học đều được lệnh phải dán Mười Điều Răn lên tường, trong khi ở Alabama, Tòa án Tối cao phán quyết rằng phôi đông lạnh là "trẻ sơ sinh", khiến một số phòng khám thụ tinh trong ống nghiệm phải tạm thời đóng cửa.
Và ở Oklahoma, quan chức lãnh đạo ngành giáo dục, Ryan Walters, đã gây chú ý khắp cả nước khi ông ban hành một chỉ thị vào tháng Sáu, yêu cầu việc dạy Kinh Thánh trở thành bắt buộc trong các trường công lập của bang, gây ra nhiều tranh cãi.
Oklahoma là một trong những bang thiếu giáo viên nhất cả nước, nên nhiều giáo viên không đón nhận chỉ thị này. Họ cho rằng chỉ thị này đi ngược lại quyền tự do tôn giáo.
Susie Stephenson, một người theo đạo Tin Lành 44 tuổi và từng là giáo viên tiểu học, cho biết: “Chúng ta phải tách biệt nhà thờ khỏi nhà nước.”
Bà chỉ trích Walters, một đảng viên Cộng hòa theo đạo Cơ đốc, người đã gọi liên đoàn giáo viên Oklahoma là "tổ chức khủng bố" vào tháng 5/2023.
Walters, người hiện đang giữ một chức vụ sau khi được bầu, đã từ chối trả lời phỏng vấn của BBC.
Nhiều phụ huynh cũng khó chịu với quyết định này. Một trong số họ là Erika Wright, người sáng lập Liên minh Trường học Nông thôn Oklahoma.
"Thay vì áp đặt việc học Kinh thánh, họ nên quan tâm đến tình trạng nghèo đói trong trường học."
Wright, một người theo đạo Cơ đốc và đảng viên Cộng hòa ở Oklahoma, cho tôi biết các trường học trong bang này đang thiếu kinh phí và một số trẻ em ở vùng nông thôn không được ăn thức ăn đủ dinh dưỡng ở nhà.
Khi chúng tôi đi qua Noble, phía nam Oklahoma City, chúng tôi thấy một số người sống trong nhà di động.
"Thậm chí không có tiền để mua kinh thánh," bà nói. Nghèo đói ở Oklahoma ảnh hưởng đến 15% dân số, nhưng ở một số vùng của bang, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều.
Giữa cuộc chiến văn hóa này, Samuel Perry, một giáo sư tại Đại học Oklahoma, người đã xuất bản một số cuốn sách về chính trị và tôn giáo, tin rằng chỉ thị này là một phần của chương trình nghị sự rộng lớn hơn.
Ông tin rằng chương trình nghị sự này được thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo cực đoan và tuân theo các nguyên tắc của chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc giáo, một hệ tư tưởng thúc đẩy sự hợp nhất giữa đời sống dân sự của người Mỹ và nền văn hóa dân tộc Anh-Tin Lành bảo thủ.
"Sự bành trướng của chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc giáo gây ra mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ," ông nói.
‘Trump được Chúa Trời phái đến’
Nguồn hình ảnh, Jackson Lahmeyer
Chụp lại hình ảnh, Mục sư Jackson Lahmeyer nói rằng “Trump được Chúa Trời phái đến để cai quản đất nước này”
Bằng cách thành lập các nhà thờ nhỏ ở những cộng đồng nghèo nhất, các mục sư ở Vành đai Kinh thánh có rất nhiều ảnh hưởng trong số những người tin Chúa, và nhiều người trong số họ hướng ảnh hưởng đó đến nhóm bảo thủ hơn của Đảng Cộng hòa.
Và Trump đã trở thành phương tiện tốt nhất để nhóm này đạt được bước tiến trong những năm gần đây.
Mục sư Jackson Lahmeyer người Oklahoma là người trung thành với Trump.
"Trump được Chúa Trời phái đến để cai quản đất nước này," Lahmeyer, người sáng lập nhóm Pastors4Trump (Mục sư vì Trump), nói.
Mục đích của ông là "huy động phiếu bầu của những người theo đạo Tin Lành" để ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử tiếp theo.
một vụ ám sát tại một cuộc mít tinh vào giữa tháng Bảy
"Chúng ta chỉ còn cách một bước nữa là xảy ra nội chiến ở đất nước mình," cựu ứng cử viên Thượng viện nói trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại từ Tulsa, Oklahoma.
Mục sư Tin lành và nhà hoạt động chính trị này từ chối gọi mình là một người Cơ đốc theo chủ nghĩa dân tộc.
"Đó chỉ là một cái nhãn mà báo chí dán cho chúng tôi để miêu tả chúng tôi là mối đe dọa đối với nền dân chủ," ông nói. “Điều đó không đúng.”
Chụp lại hình ảnh, Mục sư Paul Blair cho rằng người Cơ đốc giáo luôn gây ảnh hưởng lên chính phủ
Mục sư Paul Blair, người đứng đầu Nhà thờ Baptist Fairview ở Edmond, một vùng ngoại ô của Oklahoma City, cũng không tự định nghĩa mình theo cách đó.
“Tôi có phải là người theo đạo Cơ đốc không? Phải. Tôi có phải là người theo chủ nghĩa dân tộc không? Phải,” ông nói với tôi bên trong nhà thờ của mình. “Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi là người Cơ đốc theo chủ nghĩa dân tộc như cách mà họ muốn dán nhãn cho tôi.
“Bị coi là một người Cơ đốc theo chủ nghĩa dân tộc là một sự xúc phạm,” ông nói.
Ngồi tại bàn làm việc, vị mục sư và cựu ứng cử viên Thượng viện Oklahoma cho tôi xem những bức ảnh thời ông còn là cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp ở vị trí tiền đạo của đội Chicago Bears vào cuối những năm 1980.
Ngày nay, Blair phụ trách Trại huấn luyện mục sư Liberty, nơi các nhà lãnh đạo Tin Lành học cách thúc đẩy chương trình nghị sự tôn giáo của họ trong chính trị.
Blair cho biết, trong các trại huấn luyện, các mục sư sẽ nghiên cứu các chủ đề như ảnh hưởng của Cơ đốc giáo đối với chính phủ hoặc quyền bảo vệ tự do của công dân.
“Khóa đào tạo được thiết kế để các mục sư suy nghĩ theo Kinh Thánh trong mọi lĩnh vực của cuộc sống,” ông nói. Ông là một phần của nhóm các nhà lãnh đạo Tin Lành địa phương trải rộng khắp nước Mỹ, những người tự gọi mình là “mục sư yêu nước”.
Giống như nhiều người khác, Blair cho rằng nước Mỹ nên quay trở lại các giá trị của thời điểm lập quốc, khi Tuyên ngôn Độc lập được ký vào năm 1776.
“Về mặt lịch sử, những người theo đạo Cơ đốc luôn có ảnh hưởng đến chính phủ,” ông nói.
Bây giờ ông hy vọng rằng vào ngày 5/11, Trump - người đã giành chiến thắng tại Oklahoma với 65% số phiếu bầu (một trong những tỷ lệ đa số cao nhất cả nước) trong cuộc bầu cử gần đây nhất - sẽ lần thứ hai trở thành tổng thống Mỹ.
Đây là hy vọng chung của các nhà lãnh đạo chính trị Tin Lành bảo thủ ở Vành đai Kinh thánh, những người có "sứ mệnh thiêng liêng" là truyền bá đức tin của họ bằng quyền lực chính trị.
Bằng cách nào đó, Trump và ứng cử viên phó tổng thống của ông, JD Vance, đã trở thành những người hiện thân cho cuộc chiến chính trị đó.
Trump và phá thai
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Trump bổ nhiệm thẩm phán và thiết lập đa số bảo thủ tại Tòa án Tối cao, điều mà nhiều người biểu tình phản đối phá thai rất biết ơn
Những người ủng hộ Trump biết ơn ông, về một số việc ông đã làm, trong đó có việc ông đã bổ nhiệm ba thẩm phán Tòa án Tối cao trong nhiệm kỳ của ông, đảm bảo duy trì đa số bảo thủ trong cơ quan tư pháp cao nhất của đất nước trong nhiều thập kỷ.
Nhờ đa số bảo thủ đó, Tòa án Tối cao đã lật ngược phán quyết vốn bảo đảm quyền phá thai ở nước này trong gần nửa thế kỷ vào năm 2022, trao quyền quyết định cho mỗi bang.
Các bang Vành đai Kinh thánh như Oklahoma và Arkansas có luật rất khắc nghiệt về phá thai: chỉ có thể thực hiện phá thai nếu tính mạng của người mẹ bị đe dọa.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng rất khó để các bác sĩ chứng minh một cách hợp pháp rằng bệnh nhân đủ điều kiện cho trường hợp ngoại lệ như vậy.
Phá thai là một trong những vấn đề lớn trong cuộc bầu cử này, vì phe bảo thủ nhất của Đảng Cộng hòa, phe có quyền lực nhất ở Vành đai Kinh thánh, muốn thấy lệnh cấm phá thai hoàn toàn - điều mà họ nghĩ có thể thực hiện được nếu Trump trở lại nắm quyền.
Bất chấp những khác biệt giữa họ với cựu tổng thống, người mà nhiều người coi là một kẻ phóng đãng ở New York và không có giá trị tôn giáo sâu sắc, ông trùm này đã mở cửa Nhà Trắng cho các nhà lãnh đạo Tin Lành bảo thủ nổi tiếng trong suốt nhiệm kỳ của mình và ông vẫn tiếp tục tham gia các sự kiện lớn với các mục sư truyền giáo.
Người Tin Lành ở Nhà Trắng?
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Nhiều người ủng hộ Trump - một số người cầm Kinh thánh trên tay - đã xuống đường vào năm 2020, kêu gọi tuyên bố chiến thắng của ông Trump
Trong nhiệm kỳ của mình, Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để thành lập một văn phòng chính phủ mới có tên là Sáng kiến Đức tin và Cơ hội.
"Đức tin mạnh hơn chính phủ và không có gì mạnh hơn Chúa," ông nói khi ký văn bản này.
Sau đó, khi Trump thua cuộc bầu cử năm 2020, những người được gọi là "mục sư yêu nước" hoặc "mục sư Maga [Make America Great Again - Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại]" đã lên tiếng tuyên bố rằng chức tổng thống đã bị đánh cắp khỏi ông. Nhiều người đã tham gia phong trào ReAwaken America Tour (Đánh thức nước Mỹ trở lại) cực hữu mới thành lập, do doanh nhân Clay Clark ở Oklahoma đồng sáng lập.
Ngày nay, phong trào này tiếp tục tổ chức các sự kiện có sự tham gia của những người theo đạo Tin Lành, những người ủng hộ súng, những người chống nhập cư, những người chống LGBTQ+ và những người chống cộng sản và bất kỳ ai cảm thấy được đại diện bởi luận điệu của Trump.
Nhiều người nói rằng họ là những chiến binh của Chúa Trời đang chiến đấu trong cuộc chiến tâm linh chống lại phe cánh tả. Một số ý tưởng này đã được đưa vào Dự án 25, đề xuất gây tranh cãi do các cố vấn cũ của Trump đưa ra nhằm cải cách chính phủ liên bang và các khía cạnh quan trọng của đời sống người Mỹ.
Mặc dù Trump không tham gia vào dự án này, nhiều người tin rằng các nhóm bảo thủ và tôn giáo có ảnh hưởng đứng sau sáng kiến này sẽ cố gắng áp đặt chương trình nghị sự đó lên ông nếu Đảng Cộng hòa trở lại Nhà Trắng.