Trump có thể áp thuế lên Việt Nam vì thặng dư thương mại tăng vọt - BBC News Tiếng Việt
Việt Nam hiện có mức thặng dư thương mại cao thứ tư với Mỹ, chỉ xếp sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico
Việt Nam có nguy cơ bị Trump áp thuế vì thặng dư thương mại tăng vọt
Nguồn hình ảnh, BBC/Getty Images
6 tháng 12 2024
Việt Nam dễ trở thành mục tiêu tăng thuế tiếp theo của chính quyền Trump khi thặng dư thương mại với Hoa Kỳ đang tăng vọt, theo một số nhận định.
Hàng loạt "ông lớn" của Mỹ như Apple, Google, Nike và Intel đang đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam hiện có mức thặng dư thương mại với Mỹ xếp thứ tư, chỉ sau Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và Mexico.
Dữ liệu thương mại của Mỹ công bố hôm thứ Năm 5/12 cho thấy mức thâm hụt thương mại với Việt Nam là 102 tỷ đô la, tính trong 10 tháng đầu năm nay, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2023.
"Đối với Donald Trump, thước đo chính là thâm hụt thương mại và số liệu này từ Việt Nam là không tốt", Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich có trụ sở tại Châu Á, nói với Reuters .
"Việt Nam là ứng cử viên lý tưởng cần phải hành động sớm vì quốc gia này khó có gì có có thể trả đũa lại", bà nói với Reuters.
Mối quan ngại về khả năng chính quyền Trump 2.0 sẽ cứng rắn với Việt Nam liên quan đến thuế quan đã xuất hiện khi chỉ còn chưa đến một tháng nữa ông Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, xét về vấn đề thương mại, vào năm 2019, ông Trump đã tỏ thái độ không hài lòng vì thặng dư thương mại ngày càng tăng của Việt Nam đối với Mỹ.
Trả lời phỏng vấn với kênh Fox News về việc liệu ông có muốn áp thuế đối với Việt Nam không, ông Trump nói:
"Việt Nam gần như là quốc gia tệ nhất - nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc - nhưng gần như là quốc gia lạm dụng [thương mại] tồi tệ nhất."
Vào ngày 12/11/2017, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, ông Trump đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Vào thời điểm đó, thâm hụt thương mại Mỹ-Việt vẫn là một điều khiến chính quyền Trump không mấy vui vẻ. Ở mức 32 tỷ đô la vào năm 2016, Việt Nam là quốc gia mà Mỹ có mức thâm hụt thương mại lớn thứ 6.
"Chúng tôi muốn chuyện này phải được nhanh chóng giải quyết," ông Trump nói với ông Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc hội kiến ngày 12/11/2017.
Nhiệm kỳ tổng thống lần hai của Trump sẽ như thế nào? 6 tháng 11 năm 2024 Trump tái xuất, các công ty rút khỏi Trung Quốc, lợi và hại cho Việt Nam 11 tháng 11 năm 2024 Trump trở lại và cơ hội cho ngành chip Việt Nam 14 tháng 11 năm 2024
'Gian lận nước Mỹ'
Nguồn hình ảnh, ROBYN BECK/AFP/Getty Images
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025, đã đe dọa áp thuế lên tới 20% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ trong chiến dịch tranh cử của mình.
Ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế mới lên Trung Quốc, Mexico và Canada ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, nhằm trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu ma túy vào Mỹ.
Ngay khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025, ông dự định sẽ ký sắc lệnh hành pháp áp thuế 25% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, theo bài viết trên Truth Social hôm 26/11 của ông.
Eric Trump, con trai ông Trump và là cố vấn hàng đầu, đã nêu tên Việt Nam trong số các quốc gia "gian lận" nước Mỹ, trong một video được trình chiếu vào tuần trước tại một hội nghị kinh doanh ở Hà Nội do phòng thương mại Mỹ tổ chức, theo Reuters .
Tại sự kiện này, một số doanh nhân và đại diện hiệp hội thương mại đã bày tỏ lo ngại về khả năng áp thuế đối với Việt Nam.
"Mức thuế mới là một trong những mối lo ngại lớn nhất đối với giới sản xuất Hàn Quốc tại Việt Nam", Hong Sun, người đứng đầu Phòng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, phát biểu tại hội nghị.
Samsung Electronics là tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị điện tử lớn, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về mức thuế mà Mỹ có thể áp lên quốc gia này, nhưng giới chức Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi Washington duy trì một nền thương mại song phương liền mạch.
Ông Trump dọa đánh thuế 100% nếu BRICS tìm cách thay thế đồng đô la 2 tháng 12 năm 2024 Donald Trump ‘sẽ áp thuế lên Trung Quốc vào ngày đầu tiên’, điều này có nghĩa như thế nào? 26 tháng 11 năm 2024 Trump và Tập: Có thể hàn gắn mối quan hệ ‘nồng ấm’ đã tan vỡ? 20 tháng 11 năm 2024
'Hiệu quả cao'
Nguồn hình ảnh, Jacek Boczarski/Anadolu via Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Ông Peter Navarro đảm nhiệm cương vị đứng đầu Hội đồng thương mại quốc gia Nhà Trắng trong khoảng từ năm 2017 đến 2021
Một tín hiệu khác cho thấy Việt Nam có thể phải đối mặt với việc bị áp thêm thuế quan khi ông Donald Trump đã chọn Peter Navarro làm cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất vào hôm thứ Tư 4/12.
Ông Trump, trong một tuyên bố, cho biết nhiệm vụ của ông Navarro trong vai trò mới "sẽ là giúp thúc đẩy và truyền đạt thành công Chương trình nghị sự về sản xuất, thuế quan và thương mại của Trump".
Chức vụ này cũng giống như vai trò mà ông Navarro đã đảm nhiệm trong khoảng từ năm 2017 đến 2021 với tư cách là giám đốc Hội đồng thương mại quốc gia Nhà Trắng, và ở đó, ông đã quyết liệt bảo vệ chính sách tăng thuế của ông Trump đối với hàng nhập khẩu trị giá 370 tỷ đô la của Trung Quốc và áp thuế an ninh quốc gia đối với thép và nhôm.
Ông Peter Navarro đã nói rằng thuế quan đối với Việt Nam sẽ có hiệu quả lớn nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ, trong các đề xuất Dự án 2025 được nhiều nhà hoạch định chính sách ở Washington coi là bản thiết kế cho chính quyền Trump mới.
"Peter Navarro là một chuyên gia nổi tiếng dưới thời chính quyền Trump về chuyện tăng quy mô lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ, áp đặt mức thuế quan cao và mang chuỗi cung ứng toàn cầu về nước Mỹ", Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam, trả lời Reuters .
Việt Nam đã hưởng lợi từ các rào cản thương mại mà ông Trump áp đặt đối với Bắc Kinh trong nhiệm kỳ đầu khi các tập đoàn dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Với gần một phần ba lượng hàng xuất khẩu đang được vận chuyển đến Mỹ, Việt Nam cần cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa và linh kiện để đánh tan mối lo là quốc gia này được sử dụng làm địa điểm gia công cho các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Các quan chức cho biết Việt Nam có thể bù trừ một phần cho mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ thông qua việc tăng cường nhập khẩu từ Hoa Kỳ, bao gồm cả khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), dược phẩm và máy bay.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các lãnh đạo Việt Nam có ủng hộ các biện pháp bù trừ này hay không và đóng vai trò như thế nào.
"Tôi không nghĩ Việt Nam có thể nhập khẩu nhanh chóng và đủ [từ Mỹ]" để giảm đáng kể mức thặng dư thương mại của mình, chuyên gia Deborah Elms từ Hinrich Foundation nói.
Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem Play video, "Quan hệ Việt-Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Donald Trump", Thời lượng 10,43 10:43
Chụp lại video, Quan hệ Việt-Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Donald Trump