Trùm Wagner bất ngờ xuất hiện tại nơi ông Putin cũng đang có mặt
Nơi ở của ông Prigozhin đã trở thành một bí ẩn kể từ sau cuộc binh biến thất bại, nhưng có vẻ ông trùm Wagner vẫn đang di chuyển qua lại giữa Nga và Belarus.
Thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin, dường như đã bất ngờ xuất hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga -Châu Phi ở St. Petersburg, nơi một loạt các nhà lãnh đạo của “lục địa đen” đang gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Prigozhin, 62 tuổi, chính là người đã khởi xướng một cuộc binh biến vũ trang ngắn ngủi ở Nga một tháng trước nhắm vào giới lãnh đạo quân sự của đất nước, và sau đó đã lưu vong sang Belarus theo một thỏa thuận do Tổng thống nước láng giềng Alexander Lukashenko làm trung gian.
Cộng sự của ông Prigozhin, Dmitry Syty – người đứng đầu trung tâm văn hóa Russia House ở Cộng hòa Trung Phi (CAR), đã đăng trên Telegram một bức ảnh của ông trùm Wagner với đại diện CAR vào ngày 27/7. Ông Syty nói rằng bức ảnh được chụp bên lề hội nghị đang diễn ra ở thành phố thủ đô một thời của Nga.
Trang Fontanka cho biết chi tiết hơn rằng bức ảnh được chụp tại Khách sạn Trezine, thuộc sở hữu của gia đình Prigozhin. Nơi ở của ông trùm Prigozhin đã trở thành một bí ẩn kể từ sau cuộc binh biến thất bại, nhưng có vẻ người từng là “đầu bếp của ông Putin” vẫn đang di chuyển qua lại giữa Nga và Belarus.
Ông Prigozhin gần đây được cho là đang ở Belarus, nơi nhiều binh sĩ Wagner hiện đang cư trú trong các trại dã chiến và giúp huấn luyện các đơn vị của Quân đội Belarus – làm dấy lên lo ngại ở phương Tây rằng họ có thể tấn công Ukraine từ phía Bắc, hoặc thậm chí là Ba Lan ở phía Tây.
Nếu đúng ông Prigozhin đang ở St. Petersburg, thì sự hiện diện của thủ lĩnh Wagner tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Phi ở Nga và cuộc gặp của ông với một đại biểu CAR chắc chắn phải có ý nghĩa nào đó, do phạm vi hoạt động rộng lớn của nhóm Wagner ở nhiều quốc gia châu Phi bao gồm CAR, Libya, Mali, Sudan, Mozambique và Burkina Faso.
Wagner cũng được cho là có hoạt động ở Niger, nơi một cuộc đảo chính đã được thực hiện hôm 26/7 lật đổ Tổng thống của đất nước.
Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner có mục tiêu khác nhau ở mỗi khu vực, nhưng các hoạt động của họ hầu như đều có điểm chung: L uôn liên quan đến việc củng cố lực lượng quân sự của các chế độ thân thiện với Điện Kremlin bằng cách cung cấp vũ khí và huấn luyện, đồng thời cung cấp các dịch vụ an ninh bổ sung.
Đổi lại, Nga được tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ hội đầu tư và ảnh hưởng địa chính trị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Châu Phi hôm 27/7, Tổng thống Putin đề nghị cung cấp ngũ cốc miễn phí cho 6 quốc gia nghèo ở châu Phi. Lời đề nghị được đưa ra vài ngày sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen với Ukraine, do Liên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
“Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ có thể đảm bảo cung cấp miễn phí 25.000-50.000 tấn ngũ cốc cho Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea”, ông Putin nói.
Trong hơn một năm hiệu lực, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã cho phép khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc rời các cảng của Ukraine, giúp ổn định giá lương thực toàn cầu và ngăn chặn tình trạng thiếu hụt.
Nga đã rút khỏi thỏa thuận với lập luận rằng trong suốt thời gian qua, không một điều khoản nào liên quan đến Nga trong thỏa thuận được thực hiện, trong khi việc xuất khẩu lương thực của Ukraine vẫn được đảm bảo. Hơn nữa, ngũ cốc từ Ukraine không được xuất khẩu sang các nước nghèo nhất mà chủ yếu xuất khẩu sang phương Tây.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thúc ép các nhà lãnh đạo châu Phi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh yêu cầu câu trả lời về sự gián đoạn ngũ cốc đã đẩy các quốc gia nghèo hơn tới khủng hoảng.
“Họ biết chính xác ai là người phải chịu trách nhiệm cho tình hình hiện tại”, nhà ngoại giao Mỹ cho biết hôm 27/7 trong chuyến công du New Zealand, đề cập đến các nhà lãnh đạo ở “lục địa đen”. “Kỳ vọng của tôi là Nga sẽ nghe rõ điều này từ các đối tác châu Phi”.
Hội nghị Thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Saint Petersburg – quê hương của ông Putin, đang được phương Tây dõi theo như một phép thử đối với sự ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo Nga ở châu Phi bất chấp sự cô lập quốc tế mà Moscow đang phải gánh chịu kể từ khi can thiệp quân sự vào Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái .
Minh Đức (Theo Daily Mail, RFE/RL)