'Trùm' buôn lậu: Cựu đại tá biên phòng gọi điện hỏi 'muốn gì' khi bị giảm tiền hối lộ
'Trùm' buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu khai từng bị cựu đại tá biên phòng Nguyễn Thế Anh gọi điện dọa 'anh muốn gì?' sau khi bị cắt giảm tiền chi hối lộ, trong khi cựu đại tá phủ nhận.
Sáng 13-7, phiên tòa xét xử 2 cựu thiếu tướng cảnh sát biển nhận hối lộ bảo kê cho buôn lậu xăng dầu cùng đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.
"Thế Anh gọi điện dọa nên phải đưa"
Trả lời phần xét hỏi đối với lời khai chi tiết tại cơ quan điều tra về việc thăng cấp, chuyển đơn vị của cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, ông Phan Thanh Hữu (65 tuổi, giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh - 2 trong 3 "ông trùm" buôn lậu xăng dầu) nói thời điểm này không còn nhớ chính xác.
"Thời điểm mới bị bắt tôi rất nhớ nhưng sau đó 2 lần bị COVID-19 và sau khi khỏi từ tháng 7-2021 đến nay thì trí nhớ kém", ông Hữu khai.
Ông Hữu tiếp đó khẳng định có chi tiền cho cựu đại tá Nguyễn Thế Anh thông qua "đệ" là bị cáo Nguyễn Văn An và có bảng kê hằng tháng. Với bảng kê của cựu đại tá Thế Anh ghi là 389. Việc kê này theo ông Hữu là do A Hùng kê, in ra đưa cho ông để sau đó còn quyết toán với Đào Ngọc Viễn.
Việc đưa tiền, Hữu khai c ó thỏa thuận bằng miệng 1 lần với Nguyễn Thế Anh ở khách sạn Rex. Theo cáo trạng, Thế Anh yêu cầu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác nữa với tổng số tiền mỗi tháng là 60.000 USD và 950 triệu đồng.
Trước đó, theo cáo trạng, từ tháng 10-2019 đến tháng 2-2020, theo thỏa thuận, Hữu sẽ chi cho Nguyễn Thế Anh số tiền 30.000 USD và 100 triệu đồng.
Trả lời việc chi số tiền lớn như vậy có bàn bạc hằng tháng, báo số lượng tàu cho bị cáo Nguyễn Thế Anh không? Ông Hữu trả lời theo thỏa thuận, chi phí bao nhiêu thì chấp nhận, còn buôn bao nhiêu tàu không báo cho Thế Anh biết.
"Ông trùm" buôn lậu cũng khai sau khi biết Nguyễn Thế Anh chuyển về làm chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang thì đã cắt bớt tiền chi. Cụ thể, theo cáo trạng, từ tháng 9-2020 đến tháng 1-2021, số tiền mỗi tháng Hữu chi cho Thế Anh giảm xuống 10.000 USD.
Việc cắt giảm này, ông Hữu lý giải là do Thế Anh về Biên phòng Kiên Giang không còn liên quan đến hoạt động buôn lậu của mình.
Trước câu hỏi tại sao Thế Anh không còn liên quan đến hoạt động buôn lậu mà vẫn đưa tiền, Hữu giải thích do "Thế Anh gọi điện dọa nên phải đưa".
"Có 1 tháng tôi về quê, An gọi 3 lần tôi không nghe máy vì sóng yếu. Sau đó, Thế Anh gọi dọa anh muốn gì. Tôi nói tôi về quê và 'mai anh bảo thằng đệ của anh đến tôi giải quyết chứ không phải muốn gì'. T hế Anh dọa tôi nên tôi phải đưa. Tiền đó là hối lộ, nếu không anh ấy xúi người khác bắt tôi thì sao", Hữu khai.
Cựu đại tá nói không có số điện thoại để gọi
Trong phần xét hỏi sau đó, trước câu hỏi của luật sư về việc có 1 lần gọi điện đe dọa Phan Thanh Hữu không, bị cáo Nguyễn Thế Anh nói "hoàn toàn phản đối" và bác bỏ lời khai của Hữu. Bị cáo nói "hoàn toàn không biết, không có số điện thoại của ông Hữu để gọi".
Cựu đại tá tiếp tục khẳng định không thỏa thuận, không nhận tiền hối lộ từ Phan Thanh Hữu mà bị cơ quan điều tra "ép cung".
Bị cáo Nguyễn Thế Anh cho rằng với vị trí phó chánh văn phòng, thuộc Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và được biệt phái từ Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng sang, bị cáo được giao phụ trách địa bàn khác mà không liên quan đến địa bàn buôn lậu của Phan Thanh Hữu.
"Tôi cũng không biết địa bàn buôn lậu của Phan Thanh Hữu", bị cáo Thế Anh khẳng định, đồng thời cho biết chức năng nhiệm vụ của phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng không phải bắt giữ buôn lậu mà chỉ có tổng hợp tình hình buôn lậu trên địa bàn được phân công.
Cựu đại tá nói thêm không nhờ em con chú ruột của mình là Nguyễn Văn An (33 tuổi, trú tại TP.HCM) nhận tiền từ Hữu và chuyển cho mình. Đối với việc bị cáo Nguyễn Văn An trốn sang Lào, bị cáo Thế Anh cho rằng hoàn toàn không biết, không làm gì cả.
"Cáo buộc cho tôi tổ chức cho An đi nước ngoài trái phép nhưng An đi đâu, làm gì là quyền của nó chứ sao tôi biết được", bị cáo Thế Anh khai.
Cũng trong phần xét hỏi sáng 13-7, do không đồng tình với cách hỏi, các câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Anh, "ông trùm" Phan Thanh Hữu không đồng ý trả lời thêm và bỏ về chỗ ngồi.
Bị cáo Thế Anh cho rằng không tự nguyện viết tâm thư khai báo tại giai đoạn điều tra và bị "ép cung, buộc phải nhận những gì không có, những gì không làm". Đại diện VKS sau đó đã yêu cầu "trùm" buôn lậu Phan Thanh Hữu đối chất.