Trực tiếp: Nhiều nơi bắt đầu mưa to, nhà cửa tốc mái, cây xanh gãy đổ

Chia sẻ Facebook
27/09/2022 23:39:28

Đà Nẵng, Huế bắt đầu mưa to và gió. Riêng tại Quảng Trị đã có mưa to đến rất to. Đặc biệt, vào khoảng 15 giờ cùng ngày, một trận lốc xoáy đã quét qua khu vực thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh khiến nhiều công trình nhà cửa, chợ bị tốc mái, hư hỏng, nhiều cây xanh bị ngã, đổ...

PV Long Phi tại tỉnh Quảng Nam: Theo dự báo từ đêm nay đến ngày 29/9, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ ở mức báo động 2 đến trên báo động 3. Tỉnh Quảng Nam vừa xây dựng kịch bản ứng phó bão số 4 vừa ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lỡ đất.

Theo thông tin vừa cập nhật thì đến cuối giờ sáng nay khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện mưa kéo dài, chính quyền các địa phương này đã tiến hành di dời dân khu vực nguy cơ xả ra sạt lở, lũ quét; phương án dự trữ lương thực đã được chuẩn bị từ trước đảm bảo lương thực khi xảy ra chia cắt, cô lập trên 15 ngày.

PV Thanh Hà tại Đà Nẵng: Lúc này, tại Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 tại điểm cầu Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cùng các bộ ngành liên quan.

Thông tin tại cuộc họp cho biết, các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định rà soát, sơ tán hơn 81.000 hộ với hơn 253.000 người dân vùng xung yếu đi tránh bão, 8 tỉnh, thành phố Quảng Trị - Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định cho cán bộ, công nhân nghỉ làm ngày 27-28/9.

Hiện còn gần 5000 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn đã di chuyển vào đất liền tránh trú. Hiện không còn tàu hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Ngành giao thông vận tải tạm dừng khai thác các cảng hàng không Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku từ 12h ngày 27/9 đến 12h ngày 28/9.

Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định tổ chức lực lượng quản lý giao thông trên đường quốc lộ 1 từ 18h đến 21h ngày 27/9. Điều tiết, phân luồng giao thông và khuyến cáo người dân không ra đường từ đêm 27/9 đến khi bão tan. Xem xét dừng một số hoạt động sản xuất để hạn chế tối đa người dân tham gia giao thông trong thời gian bão đổ bộ.


Từ 20h tối nay, trên các quốc lộ qua địa bàn thành phố Đà Nẵng, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp các đơn vị chức năng ngăn không cho phương tiện vãng lai, xe chạy đường dài qua lại. Các phương tiện buộc dừng ở phía bắc hoặc phía nam thành phố.

PV Thái Bình, thường trú tại miền Trung cho biết, từ 19 giờ tối nay (27/9), Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, tỉnh Phú Yên xả qua tràn và vận hành máy với liều lượng 2.000m3/s. Trước đó, chiều ngày 27/9, để ứng phó với mưa lớn do bão số 4 đổ bộ vào đất liền, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành lệnh vận hành xả nước qua tràn hồ thủy điện Sông Ba Hạ.


Theo đó, đơn vị thực hiện lệnh là Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ. Từ 15h30, xả qua tràn và vận hành máy 1.500m3/s; từ 19h xả qua tràn và vận hành máy 2.000m3/s. Việc xả nước được duy trì cho đến khi lũ đến hồ đạt đỉnh, sau đó xả để mực nước hồ duy trì ở mức nước trước lũ +103m. Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ không được làm thay đổi lưu lượng đột ngột. Ngoài việc vận hành xả nước qua tràn của thủy điện Sông Ba Hạ, các hồ chứa thủy điện Sông Hinh và Krông H’Năng cũng đang thực hiện xả nước đón lũ. Lưu lượng mỗi hồ xả về hạ du phổ biến từ 56-1.600m3/s. Đơn vị quản lý các hồ thủy điện, hồ thủy lợi đều có hệ thống cảnh báo tự động và đã tăng cường các bản tin thông báo đến người dân. UBND tỉnh Phú Yên cũng đã làm việc với tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk để tính toán khả năng vận hành, xả lũ liên hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão  lúc 18 giờ ngày 27/9 khoảng 15.70N; 110.30E, cách Đà Nẵng khoảng 220km, cách Quảng Nam khoảng 201km, cách Quảng Ngãi khoảng 174km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-166 km/giờ), giật cấp 17.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.

PV Đình Thiệu tại Quảng Nam: Đô thị Cô Hội An, tỉnh Quảng Nam hiện có 1200 di tích, hiện có 45 di tích đã xuống cấp, trong đó có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp bão số 4 khi đổ bộ vào đất liền.

Chủ động đối phó với bão số 4, Chính quyền thành phố Hội An tập trung chống đỡ cho 5 di tích đồng thời đề nghị hạ giải 13 di tích vì không còn khả năng chống đỡ. Trong số 10 di tích qua kiểm tra đã xuống cấp nhưng không hạ giải thì cơ quan chức năng đã liên hệ với chủ di tích, đề nghị các chủ hộ cam kết di dời đi nơi khác không ở bên trong lúc bão đổ bộ. Cuối buổi chiều nay, một số di tích của tư nhân trong khu phố cổ, nhiều người dân vẫn còn tranh thủ chèn chống trước khi bão vào.

Theo PV Long Phi, tại tỉnh Quảng Nam, từ 18 giờ hôm nay 27/9, cấm tất cả các phương tiện tham gia giao thông và các phương tiện xe máy chuyên dùng khác (trừ các phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai) hoạt động, lưu thông trên các tuyến đường cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đối với các phương tiện tham gia giao thông ngoài tỉnh Quảng Nam di chuyển qua địa bàn tỉnh trong thời gian trên, Công an tỉnh và UBND các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ, hướng dẫn cho các phương tiện tìm nơi tránh, trú bão an toàn.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. Đến 4 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, sau đó tiếp tục di chuyển sang Lào và suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 36 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam gió giật mạnh, mưa lớn

Theo PV Vinh Thông tại Quảng Ngãi, chiều nay (17/9), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thành lập Sở Chỉ huy Tiền phương bổ trợ phòng chống cơn bão số 4 tại huyện Bình Sơn. Đây là địa bàn được xác định trọng điểm đường đi của bão. Lực lượng gồm hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân, 4 tổ canô, xe thiết giáp, phương tiện trang thiết bị cứu hộ tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng ứng trực nhận nhiệm vụ.

Phóng viên Long Phi tại tỉnh Quảng Nam thông tin: Chiều 27/9, tại âu tàu thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. UBND xã Tam Quang phối hợp với Bộ Tư kệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã tiến hành tuyên truyền, vận động và kiên quyết đưa hơn 20 ngư dân trên các tàu cá của tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An đang tránh trú bão tại đây vào bờ tránh bão số 4.

Đưa hơn 20 ngư dân trên các tàu cá của tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An vào tránh trú bão

PV Thanh Hiếu thường trú tại miền Trung thông tin: Trận lốc xoáy quét qua khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị  vào lúc 15 giờ chiều 27/9 đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, trụ sở, cây cối…

Ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết: Khoảng 300 nhà dân và lều quán, các gian hàng ở chợ Cửa Việt bị sập và tốc mái, 4 người bị thương. Trận lốc xoáy cũng làm bật gốc, gãy đổ nhiều cây xanh, xô đổ nhiều xe máy đang dựng hoặc lưu thông trên đường.

Hiện nay, huyện Gio Linh đang huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục hậu quả, trước thời gian bão Noru ập vào đất liền, đồng thời sắp xếp nơi ăn nghỉ tạm thời cho những người dân bị tốc mái nhà.

Trong chiều nay, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã đến kiểm tra hiện trường tại Khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, nơi vừa bị lốc xoáy quét qua gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, chỉ đạo lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại, tập trung ứng phó với bão số 4 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền.

PV Đình Thiệu tại Hội An thông tin, lúc này, tại đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam trời mưa to và ngày một nặng hạt. Từ chiều tối nay, đường phố phố cổ Hội An đã thưa vắng người. Mọi người không có việc đã về nhà chống bão. Nhà cửa, hàng quán cửa đóng then cài, chỉ còn một vài hàng quán bán thực phẩn còn mở của phục vụ người dân và khách du lịch.

Theo PV Long Phi tại Quảng Nam, trong khi các địa phương ven biển khẩn trương sơ tán dân đến khu vực an toàn tránh trú bão thì tại các địa phương miền núi, lực lượng Công an cơ sở dầm mưa đến tận nhà dân để vận động người dân di dời đến nơi an toàn, tránh nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam mưa lớn kéo dài từ hôm qua đến nay, để đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thiệt hại do bão lũ, nhất là tình trạng sạt lở đất tại vùng núi, lực lượng Công an xã đã phối hợp với chính quyền, các lực lượng chức năng đến từng nhà dân vận động, hỗ trợ người dân di dời đến khu vực an toàn.

Thành phố Đà Nẵng có hệ thống camera kết nối trực tiếp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố. Từ hệ thống camera này, lãnh đạo thành phố và người dân có thể theo dõi từ xa diễn biến bão tại những điểm xung yếu. Lãnh đạo thành phố cấm tất cả người dân ra đường từ 20h tối nay đến khi có thông báo mới, chỉ lực lượng làm nhiệm vụ mới được ra đường.

PV Lê Hiếu/ VOV-Miền Trung đưa tin, nhiều trường đại học ở Thừa Thiên Huế đã thông báo và mở cửa hỗ trợ sinh viên và người dân đến tránh trú bão số 4. Theo đó, các trường đại học thành viên, đơn vị đào tạo thuộc Đại học Huế như Sư phạm, Khoa học, Ngoại ngữ, Trường Du lịch… sử dụng phòng học, giảng đường để sinh viên đến tạm trú, tránh bão từ chiều 27/9, đồng thời bố trí lực lượng cán bộ, đoàn viên, tình nguyện viên để hỗ trợ. Đại học Huế cũng chỉ đạo các trường phải đảm bảo được việc ăn ở, sinh hoạt cho sinh viên. Đặc biệt, phải bố trí người trực, thường xuyên tương tác, liên hệ với sinh viên để hỗ trợ kịp thời cũng như đảm bảo an toàn cho sinh viên trong những ngày tránh bão..

Nhiều trường đại học ở Thừa Thiên Huế đã thông báo và mở cửa hỗ trợ sinh viên và người dân đến tránh trú bão số 4

Phóng viên Long Phi/VOV-miền Trung đang có mặt tại tỉnh Quảng Nam cho biết, để ứng phó với bão số 4, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành sơ tán hơn 45.000 hộ dân với hơn 155.000 nhân khẩu, trong đó, sơ tán tập trung hơn 18.000 hộ. Trong sáng nay, 25.000 dân quân và thanh niên xung kích đã được huy động tăng cường cho các xã vùng xung yếu như: Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình; Phước Sơn, Nam Trà My. Điều đặc biệt, các hộ dân nhà tạm bợ vùng dự án ven biển đã được sự chia sẻ, hỗ trợ từ các doanh nghiệp đầu tư tạo điều kiện tốt nhất đón dân về tránh trú bão. Một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển tỉnh Quảng Nam đã mở cửa từ chiều nay để sẵn sàng tiếp nhận hàng ngàn người dân ở các vùng nguy hiểm đến tránh trú bão.

PV Thanh Hà tại Đà Nẵng cho biết, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, dự kiến 18 giờ chiều nay, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 sẽ họp rà soát công tác ứng phó bão. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì tại đầu cầu Quảng Trị. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan.

Tại điểm cầu Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sẽ chủ trì. Lúc này, công tác đảm bảo thông tin liên lạc, các điều kiện cho ban chỉ đạo tiền phương đối phó bão số 4 đã sẵn sàng.

Gia Lai cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ chiều nay (27/9)

PV Nguyễn Thảo tại Tây Nguyên đưa tin, tỉnh Gia Lai được dự đoán có cấp đội rủi ro cấp 3 trong bão số 4. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai đã có công điện và văn bản chỉ đạo gửi các địa phương trực thuộc, yêu cầu có phương án ứng phó với bão Noru. Mục tiêu ưu tiên số một là bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu của nhân dân. Phương án đảm bảo 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Đồng thời, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai cũng đã làm việc với Ban chỉ huy PCTT tỉnh Phú Yên để ban hành Quy chế phối hợp trong công tác vận hành điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba ngay trong cơn bão số 4 này.

UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh lên phương án di dời người dân ở các vị trí nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; canh gác nghiêm cấm người dân qua lại các vị trí, địa bàn nguy hiểm; bố trí lực lượng vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính. Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, tỉnh Gia Lai cũng đã yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho học sinh, sinh viên toàn tỉnh được nghỉ học từ chiều nay 27/9.

Theo PV Thành Long tại miền Trung, một máy bay của hãng Hàng không Pacific Airlines bị sự cố kỹ thuật, mắc kẹt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng sau giờ đóng cửa sân bay.

Theo đại diện Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, sau khi gặp sự cố kỹ thuật, các hành khách trên chuyến bay của Hãng hàng không Pacific Airlines được chuyển qua chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airline để tiếp tục hành trình.

Hiện, máy bay của hãng Pacific Airlines bị sự cố kỹ thuật đã được nhân viên mặt đất neo trụ cố định ở sân bay Đà Nẵng để phòng chống bão.

Thành phố Đà Nẵng đóng cầu Thuận Phước nối quận Sơn Trà với Trung tâm thành phố bắt đầu từ 16h30

PV Thanh Hà/VOV-miền Trung chuyển tới độc giả hình ảnh tại Đà Nẵng lúc này

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão lúc 16 giờ ngày 27/9, khoảng 15.6 độ Vĩ Bắc; 110.6 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 252km, cách Quảng Nam khoảng 234km, cách Quảng Ngãi khoảng 205km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất: cấp 14 (150-166 km/giờ), giật cấp 16. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20-25km/giờ.

Ngay sau khi cơn lốc xoáy đi qua, lực lượng chức năng tại Quảng Trị đã đến hiện trường để hỗ trợ người dân thu dọn đồ đạc, khắc phục tạm thời để tiếp tục ứng phó với bão.

Cây cối đã bắt đầu ngã đổ- ảnh tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Một điểm sơ tán dân ở phường Nại Hiên Đông quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng

Cứu trợ lương thực cho người dân sơ tán

Vận động, đưa hơn 100 người là đồng bào dân tộc Hrê trong rừng về tránh trú bão

PV Thanh Hà tại Đà Nẵng cho biết: Lúc này, tại Đà Nẵng mưa lúc nặng lúc nhẹ, gió từng cơn, lúc thổi mạnh lúc gió nhẹ. Đà Nẵng từng trải qua những cơn bão nhiệt đới kinh hoàng, nhất là bão Sangsene (bão số 6-2006) nên người dân rất có kinh nghiệm đối phó với bão. Mặc dù thành phố cấm ra đường từ lúc 20h đêm nay, nhưng ngay từ trưa, các tuyến phố đều vắng người qua lại. Thỉnh thoảng mới có 1 chiếc xe công vụ vội vã trên đường.

UBND các quận huyện trên địa bàn thành phố đã tiến hành sơ tán hơn 80.000 người, trong đó sơ tán tập trung hơn 25.000 người, còn lại sơ tán xen ghép những người có nhà cấp 4 sang nhà kiên cố, vận động người dân tự sơ tán qua nhà người thân. Công tác sơ tán dân đến nơi an toàn hoàn thành trước 14h00 chiều nay (27/9).

Tại các điểm sơ tán, chính quyền địa phương đã bố trí chỗ ngủ, nghỉ, lương thực, thực phẩm cho người dân yên tâm trong những ngày trú tránh bão.

Đáng chú ý, Công an xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đã vào sâu trong rừng để vận động, đưa hơn 100 người là đồng bào dân tộc Hrê (tỉnh Quảng Ngãi) đang là lao động tự do khai thác keo trên địa bàn ra khỏi các lán trại tạm bợ ở trong rừng về tránh trú bão tại các nhà dân, trường học kiên cố trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị các chủ rừng hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống để bà con yên tâm tránh trú bão.

Theo PV Lê Hiếu tại Huế, mưa ở đây bắt đầu nặng hạt, gió cuốn bay một số mái tôn của nhà dân

Theo PV Phương Cúc và CTV tại miền Trung, tính đến chiều nay (27/9), Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã huy động hơn 82.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 1 ngàn xe chuyên dụng đặc chủng, ô tô các loại cùng tàu, ca nô tham gia chống bão đến vị trí xung yếu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng sẵn sàng giúp nhân dân sơ tán, phòng, chống và khắc phục hậu quả.

Phòng Tác chiến Quân khu 5 cho biết, các lực lượng đã hỗ trợ nhân dân các tỉnh ven biển từ thành phố Đà Nẵng đến Ninh Thuận neo đậu an toàn hơn 20.000 phương tiện với khoảng 129.000 lao động, thông tin cảnh báo cho hơn 4.000 phương tiện đang hoạt động trên biển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng và Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận duy trì nghiêm kíp trực sẵn sàng chiến đấu.

Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức lực lượng, phương tiện cơ động đến vị trí xung yếu, nơi thường xuyên xảy ra ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất, sẵn sàng hỗ trợ địa phương.

Thiếu tướng Cao Phi Hùng, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị sẵn sàng giúp nhân dân sơ tán, phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 4.

Mưa tại Đà Nẵng ngày càng nặng hạt, gió cũng mạnh lên

Theo PV Thanh Hà tại Đà Nẵng, từ 20h hôm nay, trên các quốc lộ qua địa bàn thành phố Đà Nẵng, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp các đơn vị chức năng ngăn không cho phương tiện vãng lai, xe chạy đường dài qua lại. Các phương tiện buộc dừng ở phía bắc hoặc phía nam thành phố.

Để hỗ trợ tài xế, phương tiện đậu đỗ, lưu trú, lực lượng chức năng khảo sát và xác định có 3 vị trí bảo đảm diện tích sân, nhà lưu trú cho các phương tiện phải dừng dọc đường.

Cụ thể, từ phía bắc vào, sau khi qua hầm Hải Vân các phương tiện sẽ được hướng dẫn vào bãi đậu và nhà điều hành của đơn vị vận hành hầm Hải Vân, ngay gần khu vực nút giao với đường Tạ Quang Bửu về phía Đà Nẵng. Tiếp đến là khu vực Khu Công nghệ cao Đà Nẵng trên tuyến tránh nam hầm Hải Vân và cuối cùng là khu vực làm việc của Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đầu trạm thu phí Túy Loan.

Theo PV Lê Hiếu tại Huế, mưa ở đây bắt đầu nặng hạt, gió cuốn bay một số mái tôn của nhà dân

Sông Hàn mù mịt trong mưa và gió rít

PV Thái Bình, thường trú tại miền Trung cho biết, đến 16 giờ chiều nay (27/9), các âu tàu, lòng hồ tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã đón hơn 150 tàu cá cùng hơn 1.000 ngư dân vào tránh, trú bão số 4.

Chiều nay, khu vực quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa thời tiết ổn định, có 152 tàu thuyền đã vào neo đậu tránh trú bão số 4 tại âu thuyền, lòng hồ trên các đảo. Trong đó có 36 tàu Quảng Ngãi, 53 tàu Bình Định, 10 tàu Khánh Hòa, 24 tàu Bình Thuận, 28 tàu Quảng Nam và một tàu của tỉnh Tiền Giang. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã tặng quà và cờ Tổ quốc cho các ngư dân.

Các tàu được neo đậu, chằng buộc bảo đảm an toàn tại các âu tàu còn ngư dân đã được đưa sơ tán lên các làng chài. Các đảo thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin về diễn biến của bão, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị y tế sẵn sàng đón ngư dân lên đảo khi có thời tiết xấu. Cán bộ, chiến sĩ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang tích cực triển khai kế hoạch phòng, chống bão với phương châm "4 tại chỗ".

Cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đã khẩn trương cắt tỉa cành cây, chằng buộc mái nhà, kho tàng, hệ thống pin, đèn năng lượng sạch. Đồng thời, triển khai các phương án phòng, chống ngập úng, triều cường, di dời nhân dân và các lực lượng, thiết bị về các khu vực nhà kiên cố, tổ chức luyện tập phương án cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển.

PV Lê Hiếu, thường trú miền Trung cho biết, đến chiều nay (27/9), Công an thành phố Huế, phối hợp với các ban ngành sơ tán hơn 2.500 hộ, 9.500 nhân khẩu trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao ở các phương Kim Long; Cồn Hến, phường Vĩ Dạ… đến nơi an toàn. Giúp dân chằng chống 1.096 ngôi nhà và đưa 421 tàu thuyền đến nơi neo đậu an toàn. Đơn vị đã thành lập lực lượng Trung đội mạnh, tăng cường quân cho Công an các phường, xã trong vùng thấp trũng, sẵn sàng công cụ, phương tiện để ứng phó với bão số 4.

Tăng cường quân cho Công an các phường, xã trong vùng thấp trũng, sẵn sàng công cụ, phương tiện để ứng phó với bão số 4.

PV Đình Thiệu tại Đà Nẵng thông tin, Sở Giao thông Vận tải TP. Đà Nẵng đang triển khai phương án đảm bảo an toàn lưu thông một số cầu, hầm, tuyến đường trong trường hợp bão số 4 đổ bộ gây mưa lớn. Theo đó, cấm người, phương tiện lưu thông qua một số cầu bắc qua sông Hàn và hầm chui.

Thành phố Đà Nẵng có 3 nút giao thông có có hệ thống hầm chui, đó là nút giao Điện Biên Phủ- Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút phía Tây cầu Sông Hàn. Ứng phó với bão số 4 và mưa lớn trong bão, Ban quản lý các công trình này tổ chức nạo vét hệ thống thu nước, hố ga, lưới chắn rác, chuẩn bị thêm máy bơm, máy phát điện dự phòng để bảo đảm hệ thống bơm hoạt động liên tục.

Ngành Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng thông báo cấm phương tiện lưu thông một số cầu, hầm, tuyến đường khi bão vào. Theo đó, khi gió đạt cấp 10, thành phố phong tỏa, cấm tất cả các loại phương tiện qua các cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Phò Nam và cầu vượt Ngã ba Huế.

Thành phố Đà Nẵng cấm phương tiện lưu thông qua một số hầm chui khi bão vào gây mưa lớn.

PV Thái Bình, thường trú tại miền Trung cho biết, để chủ động ứng phó với bão số 4 qua các tỉnh miền Trung, ngành Đường sắt tạm dừng chạy tàu hoặc chỉ chạy một số khu đoạn để đảm bảo an toàn.

Cụ thể, hôm nay (27/9), ngành Đường sắt tạm dừng chạy đôi tàu SE5/6 xuất phát từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn, tạm dừng chạy tàu SE22 xuất phát từ ga Sài Gòn đi Đà Nẵng.

Ngày mai (28/9), sẽ tạm dừng chạy tàu SE21 từ ga Đà Nẵng đi ga Sài Gòn. Bên cạnh đó, tàu SE3 từ phía Bắc vào khi chạy đến ga Huế sẽ quay về còn tàu SE 4 từ phía Nam ra khi đến ga Diêu Trì, tỉnh Bình Định sẽ quay về. Vì lý do thiên tai, tàu chỉ chạy được một số cung đoạn nên ngành Đường sắt sẽ hoàn trả chi phí tiền vé cung đoạn chưa đi.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Chi nhánh đường sắt Nha Trang cho biết, việc tạm dừng một số đôi tàu hay chỉ chạy một số khu đoạn nhất định căn cứ vào thời gian bão số 4 ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Gần nửa đêm nay (27/9) và rạng sáng mai (28/9), đoàn tàu SE7 sẽ đi qua khu vực từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Bình Định, ngành đường sắt sẽ cập nhật diễn biến của bão để có giải pháp ứng phó phù hợp. Bên cạnh đó, ngành Đường sắt đã yêu cầu các đơn vị chủ động tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực ứng trực sẵn sàng khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra và đảm bảo giao thông thông suốt, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, các hạng mục công trình. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các công trình ở khu vực hay xảy ra sạt lở, lũ đột xuất.


Đà Nẵng bắt đầu mưa nặng hạt, gió mạnh từng cơn

Phóng viên Thanh Hà có mặt tại thành phố Đà Nẵng cho biết, lúc này tại đây mưa đã nặng hạt, từng cơn gió mạnh, quật cây cối nghiêng ngả. Ngoài đường phố hầu như không có người qua lại. Nhà nào cũng dùng thanh chắn khóa ngang cửa để tránh gió đập.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4 (Noru), sáng nay 27/9, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Công văn số yêu cầu người dân (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h hôm nay để bảo đảm an toàn. UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu tuyệt đối không để người ở lại trên tàu cá, lán trại tạm công trình đang xây dựng từ 14h ngày 27/9, cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 4.

Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố cho biết, các đơn vị triển khai nhiệm vụ tuần tra, ngăn chặn và xử lý các trường hợp ra đường trái quy định.

PV VOV tại Tây Nguyên cho biết, Cảng vụ Hàng không Việt Nam vừa có quyết định tạm dừng khai thác 2 cảng hàng không khu vực Tây Nguyên là cảng hàng không Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) và Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Như vậy cả ba cảng hàng không ở Tây Nguyên sẽ dừng hoạt động để phòng bão số 4.

Theo quyết định của cảng vụ Hàng không miền Nam, cảng hàng không Buôn Ma Thuột đã tạm dừng khai thác từ trưa nay 27 tháng 9; và Liên Khương, từ lúc 16h cùng ngày. Thời gian tạm dừng khai thác của cả hai cảng là 24 giờ.

Cảng hàng không Thứ ba ở khu vực Tây Nguyên là Pleiku, tỉnh Gia Lai, cũng đã quyết định tạm dừng khai thác kể từ 12g hôm nay, 27/9, theo quyết định của cảng vụ Hàng không miền Trung.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Cảng Hàng không Pleiku thông tin, với thời gian tạm dừng khai thác là 24 tiếng, sẽ có 18 chuyến bay đi và đến bị hoãn lại. Cũng theo Ông Nguyễn Đình Hưng, việc các chuyến bay có được tiếp tục ngay sau thời hạn tạm dừng khai thác, sẽ tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của bão số 4.

Thời tiết ở thành phố Đà Nẵng bắt đầu có mưa nhỏ nên người dân tranh thủ lấy bao cát chèn chống nhà cửa.

Tại TP Đà Nẵng, PV Phương Cúc cho biết, đến thời điểm này, những hộ dân ven biển ở TP. Đà Nẵng tiếp tục chằng chống nhà cửa. Các lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai công tác hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho người dân. Với sự giúp đỡ tích cực của các lực lượng quân sự, công an, bộ đội biên phòng, đến sáng nay, hàng chục nhà cấp 4 ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà được chằng chống kỹ.

"Sáng nay, lực lượng dân quân thường trực cũng như đội cơ động tiếp tục hỗ trợ các nhà hiện nay có nhu cầu chằng chống và các điểm sơ tán tập trung dân. Đối với các hộ có người già, trẻ nhỏ thì ưu tiên di dời lên các khu sơ tán luôn", ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết.

Có mặt tại Quảng Ngãi lúc này, PV Vinh Thông cho biết, tại huyện Bình Đông, huyện Bình Sơn, từ sáng sớm đến trưa nay (27/9), các lực lượng và chính quyền địa phương khẩn cấp giúp dân di dời đến các khu vực nhà ở kiên cố của Khu nhà nghỉ công nhân của Công ty Cổ phần thép Hoà Phát-Dung Quất. Trong đó, đặc biệt ưu tiên người tàn tật, người già, trẻ em dân các khu vực ven biển, trũng thấp đến nơi trú ẩn. Ngay từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Danh, 85 tuổi cùng hàng trăm người dân trong thôn Sơn Trà tất bật chuẩn bị áo quần, khoá cửa nhà, theo xe di chuyển đến nơi tránh bão.

Tuỳ theo tình hình thực tế, các địa phương chủ động, linh hoạt di dời hàng chục ngàn người dân khu vực xung yếu đến nơi an toàn. Ngay trong sáng nay (27/9), ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng lãnh đạo tỉnh, các đơn vị, địa phương trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo, kiểm tra công tác di dời dân tránh trú bão. Đến trưa nay, hàng chục ngàn dân khu vực ven biển, các khu vực xung yếu, huyện đảo Lý Sơn đến nơi an toàn.

Chia sẻ Facebook