Trực tiếp: Đối thoại về sửa đổi Luật Đất đai cùng Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Chia sẻ Facebook
26/08/2022 11:26:30

20h00 thứ Năm ngày 25/8, Landshow số 18 sẽ đối thoại cùng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về các vấn đề trong Luật Đất đai (sửa đổi).


Dự thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng dựa trên quan điểm bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18- NQ/TW và các nghị quyết, kết luận khác có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó là tạo lập cơ sở pháp lý cho quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất tài nguyên, nguồn lực đất đai. Đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh…

Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 02 chương (bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.


3 điểm mới được xem quan trọng nhất, tác động mạnh mẽ nhất đến người dân và doanh nghiệp trong dự luật được chỉ ra gồm:


+ Thứ nhất là vấn đề liên quan đến quy hoạch:

Nhà nước với tư cách là đại diện cho sở hữu toàn dân về đất đai và quản lý đất phải thông qua quy hoạch. Việc hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu thực tế rất quan trọng. Cần phân bổ quản lý nguồn lực này một cách tiết kiệm, công bằng, minh bạch hài hòa giữa các lợi ích, các lĩnh vực kinh tế, giữa các địa phương,

+ Thứ hai, chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang thực hiện đồng bộ các công cụ kinh tế, quy hoạch, hành chính để điều tiết quan hệ đất đai.

Việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất. Đặc biệt là có các cơ chế để doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thuận lợi trong tiếp cận đất làm mặt bằng cho sản xuất kinh doanh.

+ Thứ ba là thúc đẩy cải cách hành chính.

Trong sửa đổi lần này sẽ hướng tới chuyển đổi số, áp dụng thành tựu công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nhà nước phục vụ, mọi dịch vụ công, mọi thông tin đất đai có thể đến người dân ở mọi nơi, mọi lúc.

Để hiểu rõ hơn cũng như những tác động của Luật Đất đai (sửa đổi), quý vị khán giả có thể gửi câu hỏi đến chương trình Landshow để nhận được những giải đáp từ người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường - Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Chia sẻ Facebook