Trục lợi ngày càng tinh vi: Các công ty bảo hiểm giám sát như thế nào?
Những hành vi trục lợi bảo hiểm hiện nay đang ngày càng tăng lên với những thủ đoạn vô cùng tinh vi. Vấn đề này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm và những người tham gia bảo hiểm chân chính mà còn làm nổi lên một vấn nạn xã hội.
Trục lợi bảo hiểm – Vấn đề phổ biến nhưng ngày càng nghiêm trọng
Thống kê cho thấy, giai đoạn 2007-2013, có khoảng 52.860 vụ trục lợi bảo hiểm nhân thọ (có bằng chứng, các công ty bảo hiểm phát hiện và đã từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm với số tiền trên 530 tỷ đồng).
Hình thức trục lợi rất đa dạng và ngày càng tinh vi, từ giả mạo hiện trường, giả mạo giấy tờ, lợi dụng chức vụ cho đến những vụ có dấu hiệu hình sự cao hơn. Tuy nhiên có thể chia ra làm 2 loại: trục lợi cứng và trục lợi mềm. Trục lợi cứng là hành vi khi một người cố tình lập hồ sơ khiếu nại cho một vụ tổn thất không có thực, tự hủy hoại (tài sản, thân thể…) đề đòi bồi thường. Còn trục lợi mềm (hay còn gọi là trục lợi cơ hội) - tức là sự kiện bảo hiểm có xảy ra trên thực tế, nhưng người được bảo hiểm kê khai tăng khiếu nại của họ (trong bảo hiểm con người, lấy ví dụ như việc ngụy tạo chứng từ để kê khai tăng số ngày nằm viện, các dịch vụ chữa bệnh điều trị mà trên thực tế người được bảo hiểm không sử dụng…).
Chẳng hạn như thời gian trước, các kênh thông tin báo chí đưa rất nhiều bài về hiện tượng ở một vài địa phương liên tiếp xảy ra gần chục trường hợp mua bảo hiểm, sau đó bị "tai nạn" cụt ngón tay với nhiều lí do khác nhau (như chặt dừa, chặt cây, cưa…) và yêu cầu nhà bảo hiểm chi trả quyền lợi.
Đại diện của một bảo hiểm MB Ageas Life cho biết, trục lợi bảo hiểm là vấn đề không mới tại các công ty bảo hiểm ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, hành vi trục lợi bảo hiểm ngày càng phức tạp và tinh vi, gây thiệt hại lớn cho xã hôi và các doanh nghiệp bảo hiểm. Tình hình trục lợi và lạm dụng bảo hiểm xảy ra không chỉ ở các quyền lợi hỗ trợ viện phí mà còn ở các quyền lợi bệnh lý nghiêm trọng, xu hướng trục lợi hay lạm dụng bảo hiểm không chỉ dừng lại ở bảo hiểm nhân thọ mà còn kèm theo cả tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế.
Trên thực tế, tất các các doanh nghiệp bảo hiểm đều nhận thức được vấn đề nghiêm trọng của gian lận bảo hiểm và chung tay để phòng chống trục lợi bảo hiểm. MB Ageas Life cũng là một thành viên của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và cùng với các công ty bảo hiểm khác đang nỗ lực để từng bước hạn chế được vấn nạn này.
Doanh nghiệp làm gì để hạn chế tình trạng này đồng thời góp phần làm lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm?
Có nhiều nguyên nhân là đông cơ cho những vụ trục lợi bảo hiểm, song theo đại diện của một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ, đa số các vụ trục lợi bảo hiểm ở Việt Nam xuất phát từ hành vi làm sai lệch thông tin, sự kiện, đối tượng bảo hiểm. Bên cạnh đó là liên quan đến hành vi của người tham gia bảo hiểm - thường bị chi phối bởi yếu tối nhận thức và tâm lý.
Mặc dù đã nhận thức rõ tính nghiêm trọng của vấn đề này và đã có nhiều biện pháp ngăn chặn được triển khai như luật quy định xử phạt đối với hành vi trục lợi bảo hiểm… nhưng các giải pháp để xử lý vấn đề tâm lý trục lợi rất khó phát huy hiệu quả. Theo chuyên gia ngành bảo hiểm, giải pháp cơ bản vẫn là tạo ra sự minh bạch và phải có sự cảnh báo sớm.
Hiện nay, nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa hiện tượng này, MB Ageas Life cũng đang triển khai một số giải pháp, cụ thể:
Thứ nhất, MB Ageas Life tăng cường đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp cho tư vấn viên bảo hiểm.
Thứ hai, MB Ageas Life cũng ban hành đầy đủ, chặt chẽ các quy trình nghiệp vụ nhằm bố trí đầy đủ và tăng cường chặt chẽ các kiểm soát tại các khâu nghiệp vụ; thường xuyên rà soát các quy tắc, điều khoản bảo hiểm nhằm hạn chế những lỗ hổng có thể dẫn đến trục lợi bảo hiểm;
Thứ ba, MB Ageas Life trang bị các công cụ, phần mềm cảnh báo sớm nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu, hành vi nghi ngờ trục lợi, trên cơ sở đó triển khai các giải pháp và hành động ngăn chặn sớm trục lợi bảo hiểm.
Thứ tư, MB Ageas Life hợp tác và phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thu thập và chia sẻ về các hình thức, thủ đoạn trục lợi bảo hiểm, góp phần vào việc ngăn ngừa, giảm thiểu trục lợi bảo hiểm, vì sự phát triển chung của cộng đồng cũng như sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.
Thứ năm, công tác phối hợp với các cơ quan chức năng như cơ quan điều tra, cơ quan y tế, cơ quan giám định, kiểm định để xác định rõ nguyên nhân, đánh giá chính xác hậu quả thiệt hại thực tế của từng hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Việc làm này vừa đảm bảo được quyền lợi hợp pháp cho khách hàng tham gia bảo hiểm, vừa loại bỏ được những trường hợp trục lợi bảo hiểm gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Những kiến nghị từ phía doanh nghiệp nhằm ngăn chặn trục lợi bảo hiểm
Không chỉ ở phía nội tại của doanh nghiệp, tình trạng này có được ngăn chặn triệt để hay không cũng cần đến sự can thiệp của cơ quan nhà nước và bộ máy chính quyền. Để tăng cường giám sát các hành vi trục lợi bảo hiểm các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Tài chính nên xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu bảo hiểm và xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.
Về kiến nghị với Chính phủ, các doanh nghiệp mong muốn được xem xét cho phép cơ quan bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm dưới hình thức cung cấp dịch vụ công có thu phí (cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu dịch vụ giám định bảo hiểm…)
Bên cạnh đó, Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành văn bản luật quy định về hoạt động của tổ chức điều tra trục lợi bảo hiểm độc lập làm cơ sở để các tổ chức này được thành lập, hoạt động, góp phần vào việc ngăn ngừa, giảm thiểu trục lợi bảo hiểm.
Một đại diện doanh nghiệp cũng đưa ra kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công an cần nghiên cứu, xem xét, bổ sung, chi tiết hóa các hành vi trục lợi bảo hiểm trong các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao tính răn đe trong việc thực thi pháp luật, cần có quy định luật pháp với chế tài mạnh mẽ hơn; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc triển khai thực hiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm.
Ngoài ra đối với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, cần tăng cường phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo hiểm trong cộng đồng, giúp các cơ quan chức năng tạo dư luận ủng hộ việc đấu tranh với những hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm, bởi không chỉ doanh nghiệp bảo hiểm mà cả người tham gia đều là nạn nhân.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế