Trụ sở huyện bỏ hoang 'rộng rãi, nhốt bò sướng lắm'
Sau khi sáp nhập huyện Tây Trà và huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), nhiều trụ sở bị bỏ hoang, biến thành nơi chăn nuôi bò, heo, gà của người dân địa phương. Những khối nhà từng là nơi làm việc đẹp đẽ giờ hư hỏng nghiêm trọng.
Trưa 29-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online , lãnh đạo huyện Trà Bồng xác nhận tình trạng hư hỏng, xuống cấp và nhếch nhác của một số trụ sở làm việc ở huyện Tây Trà (cũ) sau khi sáp nhập. Đây là vấn đề khó giải quyết đối với địa phương.
Theo ghi nhận, toàn bộ những trụ sở của huyện Tây Trà khi sáp nhập nằm ở xã Trà Phong. Hiện nhiều trụ sở bỏ hoang, cửa đóng then cài, cây dại mọc um tùm.
Tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Trà, cánh cổng gỉ sắt bị mở toang, phía sân cây dại mọc um tùm. Nhiều bồn cây cảnh được người dân tận dụng trồng chuối.
Bên trong các phòng chức năng, cảnh tượng nhếch nhác khó tin. Phân bò, heo, gà phủ kín sàn nhà từ tầng 1 lên tận tầng 2.
Những cánh cửa phòng chức năng trước đây bị mở tung, một con bò thảnh thơi đi từ phòng này sang phòng khác, thậm chí bước lên, xuống cầu thang một cách thuần thục. Nhìn số lượng phân bò, có thể thấy con bò này đã ở đây rất lâu.
Hàng chục con bò của những hộ dân gần trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Trà đang sinh sống ở đây. Người dân cho biết thấy bỏ hoang quá lâu nên tận dụng. "Chỗ này nhốt bò sướng lắm, rộng rãi và không lo mưa gió", một người dân thật tình nói.
Nằm sát bên, trụ sở của Tòa án nhân dân huyện Tây Trà cũng rơi vào cảnh hoang tàn, la liệt vỏ chai bia - tàn dư của những cuộc ăn nhậu rải khắp hành lang và phòng xử án. Tòa nhà này hiện trở thành "trang trại" nuôi heo, gà của người dân. Dãy nhà sinh hoạt của cán bộ trước đây giờ là nơi ấp gà, và khu bếp, nhà vệ sinh là điểm chăn nuôi vịt.
Thậm chí, một máy xay lúa và một nhà tạm được dựng trong khuôn viên trụ sở.
Lãnh đạo huyện Trà Bồng nhìn nhận dù đã cố gắng sắp xếp, bố trí các trụ sở dư dôi cho một số cơ quan, trường học sử dụng, quản lý nhưng vẫn không thể sử dụng hết. Ngân sách phục vụ việc trông coi các khối nhà dôi dư không có.
Đối với trụ sở của Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân huyện Tây Trà đang trở thành "trang trại" và hư hỏng, lãnh đạo huyện Trà Bồng cho biết đây là tài sản công thuộc sở hữu của những "ngành dọc" chứ không phải của huyện.
"Tuy nhiên, trước phản ánh của báo chí, huyện sẽ cử cán bộ kiểm tra thực tế, có báo cáo lên trên để xử lý vấn đề báo nêu. Thật sự, huyện cũng nỗ lực rất nhiều để phát huy hết công năng các trụ sở này nhưng đến giờ vẫn bế tắc.
Việc đấu giá, thanh lý đất và tài sản gắn liền trên đất ở miền núi cũng không phải dễ. Nhất là khu vực xã Trà Phong (nơi đặt trụ sở huyện Tây Trà trước đây) cách TP Quảng Ngãi cả trăm kilômet", lãnh đạo huyện Trà Bồng nói.
Huyện Tây Trà thành lập tháng 12-2003, đến tháng 2-2020 sáp nhập vào huyện Trà Bồng (thực hiện nghị quyết số 867 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã).
Sau đó, cán bộ, công chức và người lao động huyện Tây Trà chuyển về thị trấn Trà Xuân cách đó gần 40km để tiếp tục làm việc. Từ đó, hàng chục trụ sở của huyện Tây Trà không được sử dụng.
Huyện Trà Bồng giao một số trụ sở công cho Đảng ủy, UBND và Công an xã Trà Phong sử dụng, một số khối nhà giao cho trường học làm nhà công vụ cho giáo viên ở. Tuy cố giải quyết nhưng huyện Trà Bồng thừa nhận thực tế vẫn không sử dụng hết được công năng bởi các khối nhà này rất rộng.
Bình Dương là một trong những tỉnh đầu tiên xây trung tâm hành chính mới “khủng”. Nhưng sau hơn một năm di dời về trụ sở mới, nhiều trụ sở cũ của các cơ quan tại Bình Dương vẫn bỏ trống để cỏ mọc.