Trống thời cổ đại được xưng là Thần khí

Chia sẻ Facebook
01/09/2022 19:25:04

Thời cổ đại, trong các buổi lễ tế đều không thể thiếu tiếng trống, bởi vì người xưa cho rằng trống là một loại Thần khí, âm thanh của trống có thể tương thông với Trời.

(Ảnh: Manel Armengol, Flickr, CC BY-SA 2.0)


Người xưa vô cùng coi trọng Lễ Nhạc. Người quân tử thông qua hiểu biết và thưởng thức âm nhạc mà có thể tu tâm dưỡng tính, đạt đến cảnh giới “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” . Mà trống là nhạc khí đứng đầu trong bát âm, giữ vai trò chỉ huy trong diễn tấu.

Mỗi một triều đại trong lịch sử đều có nhân viên chuyên trách về trống. Triều nhà Chu có người chưởng quản về trống, nhà Hán và nhà Đường có quan lại, nhà Tống có học viện, nhà Minh có ty chiêng trống phụ trách.

Vào thời nhà Chu, triều đình đã chế định ra một bộ quy chế về trống và âm nhạc. Trống được xếp ở vị trí đầu tiên trong bát âm, nắm giữ vị trí chỉ huy trong diễn tấu âm nhạc. Trống còn có quan hệ mật thiết với vũ đạo (nhảy múa). Vũ đạo là loại hình nghệ thuật dùng các động tác có tiết tấu làm chủ đạo để biểu diễn. Vẻ đẹp của vũ đạo thể hiện trước tiên ở tiết tấu vận động của thân thể người. Còn trống cũng dùng tiết tấu biểu diễn làm chủ đạo.

Ở Trung Hoa thời cổ đại, trống được xưng là Thần khí, có khả năng thông Thiên (liên thông với Trời). Trống được dùng chủ yếu trong các nghi lễ thờ cúng, hiến tế. Về sau này, trống bắt đầu có nhiều chủng loại hơn, được làm từ nhiều vật liệu hơn và được ứng dụng rộng khắp hơn. Trong đó phổ biến là trống đồng, trống da, trống cơm… Thời nhà Đường, trống cơm rất thịnh hành, nó có âm hưởng trong trẻo, thể hiện sự vui vẻ. Từ xưa đến nay, vị trí đứng đầu của trống vẫn không có một loại nhạc khí nào thay thế được.


Kỳ thực, từ một số thành ngữ, thơ ca có thể biết được người xưa coi trọng địa vị và tác dụng của trống như thế nào. Tiếng trống có thể khích lệ lòng người, “một tiếng trống khiến tinh thần người nghe thêm hăng hái”, “buổi sáng rung chuông buổi chiều đánh trống”, “gióng trống khua chiêng”, “chiêng trống vang trời”. Ngoài ra, thời cổ đại mỗi khi binh lính ra trận còn có đánh trống tiến quân, đánh chinh (gần giống chiêng) để thu quân.

Huyền sử ghi chép rằng, khi Hiên Viên Hoàng Đế đánh dẹp Xi Vưu, Huyền Nữ vì Hoàng Đế mà chế tác Quỳ Ngưu trống có 80 mặt, đánh một cái làm chấn động 500 dặm, đánh một hồi chấn động đến ba nghìn tám trăm dặm. Khi Hiên Viên Hoàng Đế dẫn quân chinh phạt Xi Vưu đã lấy trống ra đánh liên tục chín hồi làm chấn động hàng nghìn dặm trong ngoài. Trời Đất bắt đầu biến sắc, đội quân của Xi Vưu mất hồn mất vía, bị đội quân của Hoàng Đế thu phục.

Khi tiết tấu của tiếng trống tương thông với Thiên đình, nhận được sự hồi đáp từ Thiên Thượng thì cũng xảy ra những điều kỳ diệu. Cổ nhân đánh trống cầu mưa, tiếng trống giống như tiếng sấm, có thể làm mưa rơi xuống làm dịu vạn vật.

Tiếng trống có ít nhất hai loại công năng. Khi tiếng trống liên hồi, mạnh mẽ có thể làm phấn chấn lòng người. Tiếng trống loại này thường được dùng khi xung trận, hay những trường hợp cần điều động nhân lực, như trong hôn lễ, lễ khai trương… Tiếng trống bình hòa có thể khiến tâm tình của con người dần dần trở nên tĩnh tại, dần dần thuận theo hướng yên tĩnh, như tiếng trống chùa buổi chiều.

Tiếng trống có thể rất cao, cũng có thể rất thấp, vừa không làm chói tai. Trong nhiều trường hợp, trống có thể sử dụng đơn độc, cũng có thể được sử dụng phối hợp cùng các loại nhạc khí khác. Trong đám cưới thời cổ, tiếng trống thường được phối hợp với chiêng, gọi là chiêng trống. Trong biểu diễn vũ nhạc cung đình thời xưa, tiếng trống luôn giữ vị trí trọng yếu, không thể thiếu được.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Câu chuyện về nguồn gốc “Tứ đại cổ cầm” của Trung Hoa cổ đại


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook