Trông thì hay, nhưng Dynamic Island trên iPhone 14 mang lại nhiều rắc rối hơn cả tai thỏ

Chia sẻ Facebook
29/10/2022 20:19:21

Là tính năng mang làn gió mới đến cho các vết đục lỗ trên màn hình, nhưng hóa ra Dynamic Island cũng có thể gây ra không ít khó chịu cho người dùng.


Trong khi các đối thủ Android đang tìm mọi cách thu nhỏ vùng khuyết trên màn hình càng nhiều càng tốt, thậm chí còn dùng đến các công nghệ khác nhau để khiến nó biến mất, Apple lại chọn cách tiếp cận khác. Họ bổ sung thêm tính năng cho nó, biến nó thành một điều gì đó thú vị hơn và đặt tên là “Dynamic Island”.

Nhưng dưới con mắt của Karthik Iyer, cây bút của trang XDA-developers, dù được nhiều người ca ngợi như là sự kết hợp thú vị giữa thiết kế và kỹ thuật, “Hòn đảo Năng động” mới của Apple lại gây ra nhiều vấn đề hơn so với “Tai thỏ” thường thấy.


Chiếm nhiều không gian theo chiều dọc hơn

Một trong các vấn đề lớn đối với Dynamic Island khi so với thiết kế tai thỏ hiện nay là việc chiếm nhiều không gian trên màn hình theo chiều dọc hơn. Cho dù diện tích Dynamic Island nhỏ hơn diện tích tai thỏ, nhưng vị trí của nó lại nằm thấp hơn so với Tai thỏ, làm phần trên cùng màn hình theo chiều dọc – nơi đặt các biểu tượng pin và tín hiệu mạng của iPhone – rộng hơn trước đây và chiếm tỷ lệ lớn hơn.

So sánh Dynamic Island với tai thỏ kinh điển - Ảnh: Twitter.

Điều này cũng có nghĩa là người dùng sẽ mất thêm nhiều diện tích hơn khi lướt web, đọc tài liệu, truy cập mạng xã hội và nhiều tác vụ khác nữa. Người dùng lúc này sẽ phải đánh đổi thêm một phần khoảng trống nữa trên màn hình để cho tính năng mới của Dynamic Island. Với nhiều người, có thể việc đánh đổi 1mm chiều dài màn hình lấy giao diện UI tương tác là hoàn toàn xứng đáng nhưng với Iyer, nó thực sự là một điều khó chịu và gây xao lãng.


Dấu vân tay bám đầy xung quanh camera trước

Không chỉ chiếm nhiều không gian thừa trên màn hình hơn so với tai thỏ, Dynamic Island còn có thể đi kèm với một điều khó chịu khác. Khi các hình ảnh động liên tục bao quanh lấy camera trước và kích thích bạn tương tác với chúng, nghĩa là nhiều khả năng ngón tay của bạn sẽ không ngừng chạm vào chúng – cũng như camera selfie và khu vực xung quanh – làm dấu vân tay bám đầy lên camera selfie đó.

Cho dù các hình ảnh động không làm bạn chạm vào camera selfie, nhưng với diện tích nhỏ như vậy, rất khó để ngón tay của bạn không chạm vào vùng màn hình này. Điều tương tự cũng từng xảy ra với Galaxy S8 của Samsung khi cảm biến vân tay được đặt cạnh camera sau điện thoại – dấu vân tay của người dùng thường xuyên in lên camera sau khi họ đang tìm cách mở khóa bằng dấu vân tay.

Galaxy S8 của Samsung từng gặp phải vấn đề tương tự - Ảnh: Internet.

Rõ ràng với việc chi chít dấu vân tay người dùng bám lên camera, họ sẽ phải thường xuyên lau nó trước khi sử dụng – dù đôi khi chỉ là một động tác lau qua màn hình – nhưng rõ ràng vẫn làm người dùng khó chịu. Quan trọng hơn, điều này lại hiếm gặp đối với thiết kế tai thỏ, đơn giản là vì chẳng có hình ảnh động nào ở đó cả.


Vị trí của Dynamic Island ở nơi khó với tới

Bao quanh camera selfie của điện thoại, dĩ nhiên Dynamic Island nằm ở trên cùng màn hình điện thoại. Có thể nói đây là một trong những khu vực khó với tới nhất nếu đang cầm điện thoại bằng một tay. Có thể với iPhone 14 Pro, điều này không thành vấn đề nhưng với người dùng iPhone 14 Pro Max, khó khăn sẽ nhiều hơn đáng kể - đặc biệt với những người có bàn tay nhỏ.

Đôi khi người dùng phải sử dụng hai tay để thao tác máy - Ảnh: Internet.

Điều này có nghĩa nếu muốn tận dụng những lợi ích mà Dynamic Island mang lại, đặc biệt đối với người dùng iPhone 14 Pro Max, nhiều khả năng họ sẽ phải điều chỉnh lại cách cầm thiết bị của mình.


Trên hết, đây vẫn vết đục lỗ trên màn hình

Về cơ bản, Dynamic Island là hai vùng đục lỗ trên màn hình kết hợp với các pixel xung quanh của màn hình OLED được Apple bật tắt để hòa trộn vào nhau. Dù dưới ánh sáng bình thường, các vùng màu đen có thể hòa lẫn vào nhau, nhưng dưới ánh sáng mạnh, vùng màu đen của camera và màn hình sẽ lộ ra khi bên dưới chúng là những vật liệu hoàn toàn khác nhau.

Dynamic Island có thể gây cảm giác khó chịu khi người dùng chưa quen với công nghệ mới - Ảnh: Internet.

Cho dù điều khó chịu này chỉ hiện ra trong những điều kiện ánh sáng nhất định, nhưng cũng giống như vết hằn trên các thiết bị màn hình gập hay cảm biến vân tay dưới màn hình của nhiều smartphone Android – dù chỉ được nhìn thấy dưới vài góc nhìn nhất định – chúng vẫn gây khó chịu nhất định cho người dùng. Dù không hoàn toàn gây chú ý, nhưng người dùng biết nó ở đó và họ cảm thấy khó chịu về điều đó.


Kết luận

Trên thực tế, có lẽ hầu hết người dùng thông thường sẽ chẳng chú ý đến những vấn đề trên. Thông thường chỉ những người chú ý đến mỗi chi tiết nhỏ trên thiết bị như Karthik Iyer mới có thể để ý và khó chịu với những vấn đề đó.


Ngay cả như vậy, sự xuất hiện của Dynamic Island trên iPhone 14 Pro dường như chỉ là sự khởi đầu. Rất có thể Apple sẽ sớm bổ sung thêm các tính năng mới cho vùng khuyết này trong tương lai khi đây sẽ trở thành một đặc trưng cho dòng iPhone của họ trước các đối thủ Android. Không những thế, nhiều báo cáo còn cho rằng, trong năm tới Dynamic Island còn có thể hiện diện trên những dòng iPhone tiêu chuẩn có giá rẻ hơn, chứ không chỉ giới hạn trong các thiết bị iPhone Pro như năm nay.

Nhưng với việc Dynamic Island xuất hiện và có khả năng được Apple khai thác nhiều hơn trong thời gian tới, tương lai về một chiếc iPhone với màn hình hoàn mỹ, không vết khuyết có lẽ càng trở nên xa vời hơn – ít nhất cho đến khi Apple tìm ra cách biến nó trở nên khác biệt hẳn so với những gì các đối thủ Android đã làm được từ vài năm trước.


Nguồn: XDA-Developers

Chia sẻ Facebook