Trong 'rừng quảng cáo' khóa kỹ năng hè, làm sao lựa chọn đúng?
Chỉ mới vào đầu mùa hè các bậc phụ huynh đã nhận được vô số email, tờ rơi, cuộc gọi... quảng cáo những chương trình trại hè 'rèn luyện kỹ năng sống' cho trẻ từ các trung tâm, tổ chức.
Tuy nhiên, để lựa chọn được một trại hè tốt, phù hợp với mục tiêu giáo dục và sở thích cá nhân của trẻ là điều khiến không ít phụ huynh quan tâm.
Phụ huynh băn khoăn
Tôi có một con gái đang học cấp I. Mỗi năm khi hè đến tôi luôn băn khoăn không biết chọn trại hè nào cho bé tham gia. Với mức giá dao động từ 6 - 7 triệu đồng bao gồm các chi phí chính cộng phụ phí cho một vài tuần diễn ra trại hè, khiến vợ chồng tôi có phần do dự.
Bên cạnh đó, các diễn đàn làm cha mẹ cho rằng phụ huynh có điều kiện thì cho con tham gia cho vui chứ đừng kỳ vọng trẻ sẽ học thêm được kỹ năng này, kỹ năng kia.
Quả thực, để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, mỗi năm đều có một lượng lớn các trại hè xuất hiện, điển hình như trại hè tiếng Anh, trại hè kỹ năng sống, trại hè tham quan dã ngoại, trại hè quân đội, khóa tu mùa hè...
Nội dung chủ yếu của các trại hè thường hướng đến mục tiêu đào tạo cho học sinh những kỹ năng sống, khả năng cảm thụ âm nhạc hoặc mang đến trải nghiệm mới mẻ so với nội dung giảng dạy theo khuôn khổ ở các nhà trường chính khóa.
Bên cạnh đó, một số trung tâm còn thu hút các bậc phụ huynh bằng việc mua bản quyền của các chương trình dạy kỹ năng sống của nước ngoài. Hoặc nhiều nơi còn lên kế hoạch cho học sinh đi cắm trại ở một nơi, thậm chí ra nước ngoài với chi phí từ vài chục đến vài trăm triệu đồng...
Dở khóc dở cười
Dù đa dạng về số lượng là thế nhưng không phải trại hè nào cũng mang đến kết quả như mong đợi cho học sinh và phụ huynh. Thậm chí, nhiều trường hợp phụ huynh do không tìm hiểu kỹ, đã rơi vào tình huống "dở khóc dở cười".
Điển hình như trường hợp của anh T. (quận 3, TP.HCM): "Năm ngoái, tôi đăng ký cho con trai tham gia một khóa trại hè mười ngày về vùng nông thôn. Ban đầu, cháu rất vui vì hình dung sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị.
Tuy nhiên, suốt mười ngày, các cháu đều lặp đi lặp lại lịch trình thức khuya dậy sớm trồng rau, tưới cây, cho lợn gà ăn giữa trời hè oi bức khiến ai cũng mệt mỏi. Đáng buồn hơn là sau chuyến đi cháu bị ốm gần một tuần và nhất quyết không tham dự bất kỳ một trại hè nào khác".
Chị L. (quận 12, TP.HCM) chia sẻ: "Do tin tưởng vào lời hứa hẹn của một trung tâm nên tôi quyết định cho con gái đang học cấp II theo học một trại hè tại Singapore, với hy vọng con sẽ trưởng thành hơn sau chuyến đi. Tuy nhiên, sau khi tiêu tốn gần 100 triệu đồng cho trại hè hai tháng tại Singapore, con gái tôi chẳng học hỏi thêm được kỹ năng gì, ngoài việc đi tham quan một vài địa danh.
Bên cạnh đó, mục đích chính của chuyến đi là được giao lưu, nâng cao trình độ tiếng Anh cũng không đạt được vì hầu hết thành viên trong đoàn là người Việt Nam".
Những câu chuyện của các bậc phụ huynh trên không hề hiếm, khi ngày nay, nắm bắt nhu cầu của phụ huynh, nhiều trung tâm tổ chức trại hè mọc lên như nấm. Do đó, để tìm được trại hè phù hợp cho con, các bậc phụ huynh cần xem xét, lựa chọn những tổ chức tin cậy, các khóa học tương ứng với độ tuổi, sở trường lẫn năng khiếu của trẻ cũng như độ an toàn của các con.
Ông Tiêu Minh Sơn (giảng viên Trường ĐH Văn Lang, từng giảng dạy nhiều lớp kỹ năng sống):
Cân nhắc thời gian, địa điểm và môi trường
Mùa hè năm 2022 các khóa học hè, hoạt động kỹ năng sống bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau khoảng thời gian phải tạm ngưng vì COVID-19. Khi càng có nhiều lựa chọn, phụ huynh càng nên cân nhắc cẩn trọng.
Về thời gian, do cộng đồng vừa bước vào giai đoạn "bình thường mới", phụ huynh có thể tính toán những hoạt động, chương trình trải nghiệm ngắn ngày, chẳng hạn dưới 1 tuần, thay vì hơn 2 tuần đến một tháng như trước dịch.
Về địa điểm, một sự kiện, chuyến đi ngay tại tỉnh thành sinh sống sẽ được ưa chuộng hơn bởi con vừa được ra ngoài, vừa không đi quá xa gia đình.
Cuối cùng là môi trường vui chơi, sinh hoạt của con trong các khóa trải nghiệm hè. Phụ huynh cần tìm hiểu thật kỹ, chẳng hạn điều kiện ăn uống, nơi ngủ nghỉ sẽ được đảm bảo ra sao, có an toàn và vệ sinh hay không? Những rủi ro trong khóa học, nhất là về sức khỏe, bên phía triển khai chương trình đã có các kịch bản giải quyết hay chưa?
Đó là những điều cơ bản phụ huynh cần làm rõ trước khi đăng ký một chương trình trải nghiệm hè cho con.
TS Lê Minh Công (phó trưởng khoa công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Khóa kỹ năng hè ở chính gia đình
Một trải nghiệm hè ý nghĩa cho các bạn nhỏ đôi khi không đến từ những chương trình, khóa học mà đến từ chính gia đình. Trước hết nên xác định sau một năm học đầy áp lực và biến động như năm học này, những tháng hè nên là thời điểm cho con cái thật sự nghỉ ngơi.
Trên cơ sở đó, tùy vào điều kiện của từng gia đình, cha mẹ có thể cho con trải nghiệm những hoạt động bổ ích khác nhau.
Dù là hoạt động nào, cha mẹ cũng cần ở bên con nhiều hơn, tạo thêm sự gắn kết. Đưa con về quê thăm ông bà để có thêm ký ức tuổi thơ. Hay cha mẹ có thể vui chơi cùng con ngay trong ngôi nhà của mình, hướng dẫn con một kỹ năng sống mới. Cha mẹ nên sắp xếp nhiều thời gian hơn sinh hoạt với con ngay trong dịp hè này. ( TRỌNG NHÂN ghi)
Trước những biến động không ngừng của xã hội, việc rèn luyện kỹ năng tự lập và sinh tồn trở thành nhu cầu thiết yếu giúp trẻ sẵn sàng đối phó với mọi tình huống trong cuộc sống.