Trống Đăng Văn giúp làm sáng tỏ án mạng lớn thời nhà Nguyễn

Chia sẻ Facebook
28/04/2023 09:07:19

Nghi ngờ chồng mình bị giết để cướp của, người vợ liền vào thành đánh trống Đăng Văn kêu oan.


Thời nhà Nguyễn có vụ án lớn gây chấn động cả nước, đó là vụ án giết 76 mạng người, nhưng thủ phạm lại còn kể công lên Triều đình đòi thưởng. Tuy nhiên nhờ có tiếng trống Đăng Văn mà vụ án được làm sáng tỏ. Đây là vụ án lớn và nổi tiếng nên được ghi chép lại khá chi tiết trong cuốn sử “Đại Nam thực lục”.

Triều đình Đại Việt thời xưa làm gì để giúp dân kêu oan?

Năm 1851, tàu tuần biển của Trưởng vệ Phạm Trung Xích và viên Lang trung là Tôn Thất Thiều khi trở về đã tâu lên vua Tự Đức rằng khi đi tuần biển đến địa phận Quảng Nam – Quảng Ngãi thì gặp 3 chiến thuyền giặc. Xích và Thiều đã cho bắn hỏa pháo, một chiếc trúng đạn bị chìm, một chiếc trúng đạn bị hư hỏng, một chiếc thuyền còn lại chạy trốn. Tàu của Triều đình tiến đến giết khoảng 70 đến 80 tên, rồi bắt lấy thuyền chạy vào bờ. Các chỉ huy là Phạm Trung Xích và Tôn Thất Thiều đưa một số người đắc lực lập công đến để xin thưởng.

Một số loại thuyền đi biển của nhà Nguyễn trong tư liệu nước ngoài (Tài liệu Viện Sử học)

Có một biền binh nằm trong số người tham gia tuần biển trong sự kiện trên sống ở phố Gia Hội, là nơi Hoa kiều tập trung nhiều. Sau chuyến đi đó, khi về nghỉ, nhân ăn nhậu cùng bạn bè, không có tiền để trả nên người này đã để lại một chiếc nhẫn cho chủ quán.

Một phụ nữ nọ nhận thấy chiếc nhẫn là của chồng mình, xem lại thì thấy quả là có tên chồng mình khắc trên nhẫn. Người chồng này cùng nhóm người Hoa đang trên thuyền trở về thăm quê cũ ở Trung Hoa.

Đánh trống Đăng Văn. (Hình khắc trên gốm của trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai)

Vua Tự Đức xem bản tấu, liên kết vụ đánh trống kêu oan và việc đội tuần biển đánh giặc, thấy nghi ngờ vì giặc đông mà sao chống cự yếu và dễ bị tiêu diệt đến thế, bèn giao cho bộ Binh điều tra. Sự việc dần được làm rõ như sau.

Khi tàu tuần tra ở cửa biển Thị Nại (Bình Định ngày nay) thì thấy 3 chiếc thuyền lạ ở địa phận đảo Thanh Dữ. Phạm Trung Xích chẳng hỏi han gì mà cho tàu tiến đến rồi bắn hỏa pháo tấn công, nhưng 3 thuyền lạ không bắn trả mà bỏ chạy về phía đông.

Phạm Trung Xích cho tàu đuổi theo áp sát thuyền, mọi người trên thuyền đều trình thẻ hợp lệ, nói là nhà buôn ở phố Thừa Thiên về thăm quê ở Trung Hoa và đã được cấp phép, còn nói có biết Lang trung Tôn Thất Thiều.

Tuy nhiên Thiều nói không nhớ rõ, lại nói đây là những con buôn gian lận, khuyên nên đem bắt rồi chém. Phạm Trung Xích nghe theo lời Tôn Thất Thiều liền cho người đến chém tất cả 76 người rồi ném xác xuống biển.

Vụ án được làm rõ, theo bộ Binh thì mục đích giết người là để chiếm đoạt số tài sản trên thuyền. Thủ phạm đã giết người vô tội rồi còn báo công đòi thưởng. Những kẻ chủ mưu và đứng đầu đều bị xử trảm.

Đây là một trong những vụ trọng án được xử lý công minh nhờ tiếng trống Đăng Văn. Trống được ra đời từ thời vua Minh Mạng giúp dân nói thẳng với Vua những điều oan khuất. Đại Nam thực lục ghi chép rằng:

“Phàm thần dân ở trong kinh và ngoài các tỉnh ai có oan khuất thì đưa đơn (đơn kêu oan phải có một bản chính và một bản phụ, duy khi tố cáo bí mật về việc phản nghịch quan trọng và những việc có quan hệ đến lợi hại thì mới cho làm một bản tâu phong kín lại).

Hội đồng nhận đơn cứ chiếu lý bàn xử, rồi hội hàm làm thành tập tấu dâng lên. Sau khi được chỉ, việc nào quan hệ đến nha nào, thì chép đưa cho nha ấy làm theo.

Khi tiếp được tờ tâu phong kín, thì lập tức dâng trình, không được tự tiện phát đi.

Còn những ngày khác, mỗi nơi cắt một thuộc viên đều thay phiên thường trực, nếu có người thần dân nào có tờ tâu phong kín tố cáo việc bí mật hoặc sự việc thật cần kíp khẩn thiết không thể đợi đến nhật kỳ nhận đơn thì cho bất kỳ lúc nào cũng được đánh trống Đăng Văn, đưa đơn kêu.

Người thường trực nhận lấy đơn ấy, một mặt đem người kêu ấy giao cho lính thủ hộ coi giữ, một mặt trình lên Công chính đường. Còn tờ trạng phong kín ấy cũng lập tức được dâng trình.

Các đơn khác thì trước hết tóm tắt lại chép thành phiến để tâu biết, rồi phải theo lý bàn kỹ đợi chỉ sẽ xử sự nghiêm ngặt.”

Đến thời vua Tự Đức, nhà Vua lệnh trong thành nội không ai được đánh trống để tránh nhầm với tiếng trống Đăng Văn. Khi nghe tiếng trống, dù đang làm gì nhà Vua cũng sẵn sàng nhận bản tấu cùng đơn kêu oan của dân chúng. Sau khi đọc xong Vua phê vào ngay để đưa cho Tam Pháp ty theo đó mà xử lý.

Tiếng trống Đăng Văn ngăn cản được việc lạm quyền của các quan lại ở địa phương, vì nếu làm bừa thì sẽ có thể bị dân chúng đánh trống Đăng Văn kêu oan. Nhờ đó mà ngăn cản được việc lạm quyền và tham ô của các quan, thể hiện được sự nghiêm minh của luật pháp.


Trần Hưng

Tản mạn về chuyện nhà Nguyễn chống tham nhũng

Mời xem video  “6 tu dưỡng để trở thành người biết tôn trọng người khác”

Chia sẻ Facebook