Trốn truy nã vào Đà Nẵng gần 26 năm, cựu cán bộ ngân hàng ‘sa lưới’
Sau gần 26 năm trốn truy nã, cựu cán bộ ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vừa bị bắt giữ tại TP Đà Nẵng và di lý về địa phương để phục vụ công tác điều tra liên quan việc tham ô hơn 7 tỉ đồng.
Ngày 26-6, một lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Thái Bình, cho biết ngày 25-6, đơn vị này bắt giữ, di lý bị can Phạm Thị Hương (57 tuổi, nguyên cán bộ ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy) từ TP Đà Nẵng về Thái Bình để phục vụ công tác điều tra vụ án "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo tài liệu điều tra, cửa hàng vàng bạc thuộc ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh huyện Thái Thụy được thành lập năm 1989 có nhiệm vụ gia công, kinh doanh vàng bạc, cho vay cầm đồ theo quy định ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cửa hàng được biên chế 4 cán bộ gồm: Đỗ Thế Lam, cửa hàng trưởng kiêm công tác tín dụng; Lê Thị An, cửa hàng phó kiêm kế toán; Phạm Thị Hương, thủ quỹ kiêm thủ kho, nhân viên bán hàng và Hoàng Kim Giang, thợ kim hoàn kiêm giám định kỹ thuật.
Từ tháng 8-1995, việc hạch toán nghiệp vụ cho vay và kinh doanh được thực hiện tại cửa hàng, các chứng từ cho vay không phải qua kiểm soát của kế toán ngân hàng huyện, cửa hàng lưu trữ số sách chứng từ kế toán, hàng ngày chỉ gửi báo cáo về kế toán ngân hàng huyện, cuối tháng gửi báo cáo về ngân hàng huyện và tỉnh để theo dõi.
Lợi dụng kẽ hở này, nhóm cán bộ tại cửa hàng lập khống chứng từ, hồ sơ, vi phạm việc quản lý tài sản do khách hàng thế chấp.
Ngày 20-8-1996, ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy phát hiện Đỗ Thế Lam, Lê Thị An, Phạm Thị Hương bỏ trốn khỏi cửa hàng; qua kiểm kê bước đầu phát hiện số tiền mặt tại quỹ và 69 chỉ vàng bị mất nên đã báo Công an huyện Thái Thụy.
Xác định có dấu hiệu tội phạm, Công an huyện Thái Thụy khi đó ra quyết định khởi tố hình sự số 49 ngày 21-8-1996 vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 1985 xảy ra tại cửa hàng vàng bạc thuộc ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy.
Đồng thời lúc này, ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Thái Bình, ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy thành lập đoàn công tác kết hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động của cửa hàng vàng bạc.
Căn cứ chứng từ, sổ sách của cửa hàng còn lưu giữ, đoàn công tác cùng cơ quan điều tra xác định tổng số tiền, hàng hóa tại cửa hàng bị chiếm đoạt là 7,056 tỉ đồng.
Quá trình điều tra vụ án này, các cơ quan pháp luật và ngành chức năng đã xử lý đối với cán bộ liên quan tới công tác của cửa hàng vàng bạc, gồm: Nguyễn Hữu Nam - nguyên giám đốc ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy bị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xử phạt 5 năm tù giam.
Đỗ Thế Lam - nguyên cửa hàng trưởng kiêm cán bộ tín dụng cửa hàng vàng bạc thuộc ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy bị TAND tỉnh Thái Bình xử phạt 20 năm tù giam.
Ông Nguyễn Thu Hằng - cán bộ giám định viên của Phòng Kiểm soát Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Thái Bình theo dõi hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy và bà Lê Thị Thoan - trưởng phòng tín dụng ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy cùng bị kỷ luật khiển trách.
Bà Nguyễn Thị Mính - phó phòng Kế toán ngân hàng Nông nghiệp huyện Thái Thụy theo dõi cửa hàng vàng bạc bị xử lý buộc thôi việc.
Riêng Lê Thị An và Phạm Thị Hương sau khi gây án đã bỏ trốn. Ngày 23-8-1996, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình ra lệnh truy nã đối với Lê Thị An và Phạm Thị Hương.
Khai nhận bước đầu tại cơ quan điều tra, Phạm Thị Hương cho biết sau khi bỏ trốn đã đến TP Đà Nẵng sinh sống qua nhiều nơi, làm nhiều việc trong suốt 26 năm qua.
Công an huyện Nông Cống (Thanh Hóa) vừa bắt được Lê Đức Hoàng, 32 tuổi ở xã Trung Chính, huyện Nông Cống, sau hơn một năm bị can này trốn lệnh truy nã về tội “cố ý gây thương tích”.