Trời trở lạnh, các gia đình cần ghi nhớ vài điều khi dùng thiết bị sưởi ấm để tiết kiệm điện và không gây hại cho sức khỏe

Chia sẻ Facebook
02/12/2022 20:45:18

Vào những ngày lạnh, việc sử dụng thiết bị sưởi là cần thiết nhưng dùng thế nào để hiệu quả và an toàn thì chẳng phải ai cũng biết.

Khi những đợt gió mùa kéo về, nhiệt độ giảm sâu cũng là lúc chúng ta tìm các giải pháp chống rét như mặc thêm áo quần, che chắn nhà cửa và sử dụng các thiết bị sưởi ấm. Hầu như gia đình nào cũng có các thiết bị sưởi ấm trong nhà, chẳng hạn là điều hòa, máy nước nóng, máy sưởi… để chống chọi qua mùa đông giá lạnh.

Các loại thiết bị sưởi đang đóng một phần quan trọng trong cuộc sống hiện nay, nhưng chẳng phải ai cũng biết cách sử dụng đúng. Theo Trung tâm Y tế bệnh viện Jamaica (Mỹ), để dùng các thiết bị này hiệu quả, an toàn và tiết kiệm điện, bạn cần lưu ý một số điều như sau:

Sưởi ấm là nhu cầu cần thiết mà người nào cũng cần.

Những lưu ý khi dùng thiết bị sưởi ấm trong mùa đông để bảo vệ sức khỏe


1. Máy sưởi và điều hòa 2 chiều

Trước khi đi ngủ, bạn có thể bật trước máy sưởi 10 phút để máy có thời gian tỏa nhiệt đi khắp phòng. Không để quạt sưởi trực tiếp vào người kẻo bị bỏng da, nên để cách xa giường khoảng 3m là phù hợp nhất. Khi không sử dụng thì nên tắt cho thiết bị nghỉ ngơi, nên đặt 1 chậu nước trong phòng để tạo độ ẩm và cân bằng không khí.

Bên cạnh đó, bạn cũng không nên lạm dụng máy sưởi quá mức mà hãy để không khí trong phòng "nghỉ ngơi" và có thời gian tái tạo lại. Hãy mở cửa khi không có gió hoặc mưa to để không khí được lưu thông và khô thoáng hơn. Cách này sẽ giúp giảm đáng kể những bệnh hô hấp do máy sưởi gây ra.

Máy sưởi không nên để quá gần người để tránh bị bỏng.


2. Bình nóng lạnh

Bình nóng lạnh là thiết bị quen thuộc với mọi nhà, nhưng nó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu sử dụng không đúng cách. Cụ thể, bạn nên bật bình trước khi tắm 15 phút là vừa phải, nhất định phải tắt trước khi tắm kẻo có nguy cơ rò rỉ điện.

Ngoài ra, bạn nên thường xuyên bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ để phát hiện những đường dây bị hở điện, tránh những trường hợp ngoài ý muốn. Khi tắm hãy mở vòi sen vừa đủ để tránh sử dụng lưu lượng nước quá nhiều, điều này giúp bạn tắm được lâu hơn mà không bị hết nước nóng giữa chừng.

Nên tắt máy nước nóng trước khi tắm để tránh rò rỉ điện.


3. Chăn giữ nhiệt (chăn điện)

Chăn giữ nhiệt đang dần được nhiều nhà yêu thích vì sự tiện lợi, đặc biệt giá cả lại không quá đắt. Khi sử dụng thiết bị này, bạn nên bật ở mức nhiệt độ trung bình (thấp hơn nhiệt độ cơ thể một chút) để giúp ngủ ngon mà không gây tốn điện. Hãy tắt sau khi chăn đã ấm đủ, đừng bật cả đêm vì sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của chăn.

Khi sử dụng xong thì phải rút phích cắm ra, không gập chăn giữ nhiệt thành nhiều nếp gấp vì sẽ khiến dây điện bên trong bị hở, gây chập cháy nổ và giật cho người sử dụng. Không nên cho chó mèo lên chăn vì chúng sẽ cào làm rách chăn, khiến mạch điện bị hở và giảm tuổi thọ của chăn.


4. Đệm điện giữ nhiệt

Đệm điện được thiết kế an toàn với hệ thống sợi dẫn nhiệt nằm bên trong lớp nhựa cách nhiệt và cách điện. Chỉ cần sử dụng đúng cách, bạn sẽ không gặp bất cứ một sự cố cháy nổ nào. Tuy nhiên bạn không nên giặt rửa đệm quá thường xuyên vì sẽ làm chúng rách và hao mòn, ảnh hưởng đến độ bền của thiết bị.

Tuyệt đối không dùng đệm khi dây cắm bị hư hỏng, tránh những sự cố rò điện. Bạn cần ngắt điện ngay sau khi dùng, không để nước tiếp xúc với thiết bị. Nếu nhà có con trẻ ngủ riêng, bạn không nên cho trẻ dùng để tránh trường hợp trẻ nghịch điều chỉnh nhiệt độ cao gây bỏng. Hãy bảo dưỡng đệm định kỳ để tăng thời hạn sử dụng.

Không nên cho trẻ tự dùng vì trẻ có thể tự chỉnh lên nhiệt độ cao gây bỏng.


5. Túi chườm điện

Hay còn gọi là túi sưởi, đây là vật dụng có giá thành rẻ mà lại tiện dụng trong mùa đông. Khi vừa tháo cắm túi chườm ấm, bạn không nên dùng ngay mà hãy chờ một lát vì lúc này nó rất nóng (lên đến 70 độ C) nên dễ gây bỏng. Nên để túi chườm xa tầm tay trẻ nhỏ vì có thể khiến túi bị bục, gây hỏng và làm da trẻ bị tổn thương.

Khi thấy túi chườm bị rách hoặc rò rỉ thì phải bỏ ngay, tuyệt đối không được dùng nữa mà nên mang đi sửa hoặc mua mới. Đặc biệt bạn cũng không nên đổ dung dịch trong túi ra, không được thay thế dung dịch bằng các loại nước, chất khác không chuyên dụng vì rất nguy hiểm. Không vừa sạc vừa dùng túi.

Không nên dùng túi chườm ngay khi vừa tháo phích cắm mà hãy chờ một lát.


6. Đèn sưởi nhà tắm

Tuy là vật dụng hữu ích như tăng lưu thông tuần hoàn máu, giữ ấm cơ thể, tránh cảm lạnh khi tắm... nhưng đèn sưởi nhà tắm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại. Khi tắm, bạn nên tránh để đèn tiếp xúc với nước vì sẽ gây chập điện. Nên lắp đặt ở nơi cao trong nhà tắm để đề phòng điện giật và hở điện.

Thêm vào đó, bạn chỉ nên dùng thiết bị này khoảng 20-30 phút. Nếu đèn sưởi hoạt động quá lâu sẽ tỏa sức nóng mạnh, khiến nhiệt độ trong phòng tắm và bên ngoài chênh lệch quá nhiều, làm thay đổi nhiệt độ cơ thể quá nhanh và gây cảm lạnh.

Không dùng đèn sưởi nhà tắm lâu vì sẽ làm chênh lệch nhiệt độ giữa phòng và bên ngoài.


Theo Jamaicahospital, Newsasia

Lưu ý quan trọng khi dùng máy sưởi, điều hòa để làm ấm:

Thông thường, vào những ngày rét đậm rét hại, chúng ta thường có xu hướng bật điều hòa, máy sưởi ở nhiệt độ càng cao càng tốt.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam), khi vừa đi ở bên ngoài trời rét đậm về nhà mà nhanh chóng bật điều hòa hoặc máy sưởi ở nhiệt độ cao có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, có thể đột ngột dẫn đến hôn mê, thậm chí là nguy cơ đột quỵ, tử vong. Nguyên nhân bởi, sự chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong nhà quá lớn có thể khiến cơ thể chưa kịp thích nghi, dễ bị sốc nhiệt.

Từ môi trường điều hòa, máy sưởi quá ấm áp như này, bạn tự tin bước ra bên ngoài trời giá rét cũng nguy hiểm không kém. Lúc này, bạn có nguy cơ bị hạ thân nhiệt khi đang ở một nơi ấm áp bước ra ngoài trời lạnh. Nhiệt độ cơ thể dễ bị hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, dây thần kinh trung ương bị tổn hại.

Thông thường, rơi vào trường hợp này, bạn có thể bị mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, lờ đờ, nói lắp. Nặng hơn, bạn sẽ thấy nhịp tim và hơi thở đang nhanh sẽ bị chậm dần, rơi vào hôn mê, không ứng cứu kịp thời rất dễ bị tử vong.

Tuyệt đối không để nhiệt độ điều hòa, máy sưởi trong nhà quá nóng. Sử dụng chế độ sưởi ấm trên điều hòa, bạn chỉ nên điều chỉnh nhiệt độ điều hòa hơn 5-10 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Đối với máy sưởi cần để cách xa vị trí người ít nhất 1,5m.

Chia sẻ Facebook