Trọc phú tri thức hay nhà chuyên môn ngu ngốc nguy hiểm hơn?

Chia sẻ Facebook
25/09/2022 15:15:46

Trong bài diễn văn “ngàn like”, diễn giả có nhắc đến một từ chuyển dịch từ tiếng Đức của một triết gia nổi tiếng là “trọc phú tri thức”. Đại ý diễn giả cho rằng người đọc nhiều sách, thích tầm chương trích cú nhưng không tạo ra tri thức tự thân, không hiểu thì là “trọc phú tri thức”…

Tuy nhiên tôi thì thấy giả sử ở Việt Nam ta có trọc phú tri thức theo nghĩa trên đi nữa thì đó cũng không phải đáng lo lắm. Đáng lo hơn là chỗ khác kia. Một xu hướng hoàn toàn ngược lại.


Trong tiếng Nhật, tôi chưa hề đọc hoặc nghe thấy từ nào tương đương với từ “trọc phú tri thức” cả. Có thể do trình độ, hiểu biết của tôi hạn hẹp. Tuy nhiên, liên quan đến chuyện chữ nghĩa, thì tiếng Nhật có một từ rất hay, rất thú vị là “Senmonbaka” (専門馬鹿).


Từ này rất khó dịch ra tiếng Việt nên tôi tạm dịch là “Nhà chuyên môn ngu ngốc” hay “Chuyên gia ngu ngốc”. Nên nhớ ở Nhật khi nói với người khác là “baka” thì hoặc là phải có mối quan hệ vô cùng thân mật như người yêu, người tình, bố với con, bạn bè thân hoặc là muốn chửi cả ba họ người đối diện.


Đã là “chuyên gia” lại là “ngu ngốc” ? Vô lý thế?

Nghĩa của từ này được giải thích thế này:

Tạm dịch: Tuy tinh thông những nội dung thuộc về một lĩnh vực nhất định nào đó nhưng lại thiếu các tri thức bên ngoài nó cũng như thường thức xã hội.


Ở những nước như Nhật, khi đất nước đã công nghiệp hóa lâu, khoa học kĩ thuật phát triển lâu dài, đạt trình độ cao, phân hóa, phân nhánh chi tiết, thành tựu nghiên cứu cao như núi, số lượng người làm khoa học, viết lách nhiều như quân Nguyên, “nhà chuyên môn ngu ngốc” hiện hữu là hiển nhiên.

Họ có thể đắm chìm trong một phạm vi nghiên cứu rất hẹp.


Vậy ở ta thì sao? Có “nhà chuyên môn ngu ngốc” không?


Có thể có! Nhưng chắc là ít lắm vì học thuật ở ta chưa phát triển. Nhà khoa học còn phải đi đánh quả dự án thậm chí luyện thi để sống thì lấy đâu ra thời gian, năng lượng mà “ngu ngốc” ?


Tuy nhiên, “chuyên gia ngu ngốc” giả thì có thể có nhiều! Nghĩa là họ có thể chưa thật sự “tinh thông” một “lĩnh vực nhất định nào đó” , chỉ ở mức trung bình khá hoặc thường thường bậc trung thôi nhưng lại có đặc điểm của vế sau là không biết gì ngoài nó và thiếu đi thường thức xã hội.

Thế nên ở ta mới có hiện tượng rất quái dị mà lại dễ hiểu là có những người làm việc trí tuệ, chuyên môn, có tay nghề, có thành tích học thuật nhất định nhưng lại có nhận thức xã hội vô cùng ngô nghê, đơn giản, lệch lạc.


Lý do có nhiều. Chẳng hạn như giáo dục phổ thông và giáo dục gia đình không tạo ra ở họ nền tảng văn hóa cơ bản. Giáo dục đại học không có giáo dục khai phóng mà chỉ tập trung vào “đào tạo chuyên môn”. Bản thân họ lại nghĩ đơn giản muốn giỏi nghề chỉ cần “cày các môn chuyên ngành” là được cho nên không cần phải đọc sách gì ngoài chuyên môn, không cần biết đến văn chương, triết học, lịch sử, nghệ thuật…


Và nữa, lo ngại hơn, có nhiều người đã dùng chiếc khiên “học thuật thuần túy” để né tránh nghĩa vụ công dân, né tránh tư cách và tâm thế trí thức tạo ra một vỏ bọc an toàn cho bản thân trong khi vẫn có thể tự hào và hãnh tiến với quần chúng chậm tiến.


Tất nhiên, xã hội mà nhiều “senmonbaka” thật và giả thì cũng không tốt. Nó thiếu sự lành mạnh cho sự phát triển lâu dài.


Giáo sư Fujiwara Masahiko trong cuốn “Phẩm cách quốc gia” đã viết rằng chơi bời, làm việc, giao lưu với bác nào mà chỉ có lý tính thuần túy thì chán lắm, chán hơn cả bánh rán. Làm người nó phải có tí đời thường, có tí cảm tính như đọc thơ phải vỗ đùi khen hay, thấy dế kêu phải rưng rưng nước mắt nhớ quê hương, thấy bông hoa tím ngoài đồng phải thấy tim phập phồng, thấy trai xinh, gái đẹp thì phải có chút rung rinh thì mới… thú. Còn không chán phèo. Cho next.


Đó là lý do “Senmonbaka” ở Việt Nam nguy hiểm hơn “trọc phú tri thức”.


Nguyễn Quốc Vương


Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây


Xem thêm cùng tác giả, dịch giả :


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook