Trở lại đồi cỏ hồng ở Gia Lai
Hôm kia Ủy ban kiểm tra Trung ương ra thông cáo báo chí, kỷ luật một loạt cán bộ, trong đó có ông Trịnh Đình Dũng, cựu phó thủ tướng chính phủ.
Nói luôn, là lâu nay dân ta có thói quen... ngóng các cuộc họp của Ủy ban kiểm tra Trung ương, ngóng thông cáo báo chí sau mỗi phiên họp. Thực ra thì dân ta cũng chả phải ác ý gì khi mong lãnh đạo bị kỷ luật, nhưng nó nói lên một điều là, dân ủng hộ việc làm của Ủy ban kiểm tra Trung ương, tức ủng hộ công tác kỷ luật của Đảng.
Sở dĩ tôi liên hệ tới ông Trịnh Đình Dũng nhân cái thông cáo báo chí bởi, như một sự sắp đặt ngẫu nhiên, trước đấy một hôm, tôi vừa quay lại đồi thông Đăk Đoa, Gia Lai, nơi có thông và cỏ hồng rất đẹp, nơi “bị” FLC mua định làm sân golf và sau đấy một loạt cán bộ của tỉnh Gia Lai bị kỷ luật, chủ tịch tỉnh bị cách chức, một loạt phó chủ tịch và giám đốc sở bị cảnh cáo.
Ông Trịnh Đình Dũng là người thay mặt chính phủ ký phê duyệt dự án sân Golf Đăk Đoa, và sau đấy mấy ngày thì ông về hưu.
Để có thể xóa sổ cái rừng thông ấy, hồi ấy người ta lập luận rằng, đây là rừng nghèo. Phàm rừng mà đã có thông thì đều là rừng... nghèo, bởi dưới tán thông ấy không loại thực vật nào có thể sống nổi.
Còn nếu biến nó thành sân golf thì nó sẽ biến cả nơi ấy thành đô thị sầm uất, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, mở ra những cơ hội lớn cho tỉnh, là đường băng để địa phương cất cánh vân vân và vân vân...
Dự án vẽ ra rằng: sân Golf Đak Đoa và tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn, Trung tâm hội nghị do FLC làm chủ đầu tư có tổng diện tích 197 ha.
Trong đó, dự án sân Golf diện tích 174 ha rừng, diện tích đất có rừng thông 156 ha với mật độ 380 cây/ha. Tổng cây thông nằm trong dự án được Gia Lai điều tra là 59.243 cây, trữ lượng hơn 15.000m3. Đây là rừng thông 2 lá và 3 lá được trồng từ năm 1976.
Kết quả thế nào thì hôm nay đã có câu trả lời.
Trở lại chuyện thông ở đây.
Hồi ấy người ta định giá một cây thông Đăk Đoa có giá hơn ba trăm ngàn đồng. Trong khi giá thị trường giới chơi cây sẵn sàng bỏ ra ba bốn chục triệu để mua một cây, cá biệt có cây tới năm chục triệu.
Người ta không bán tiếp những cây thông này, mà... di thực.
Thông được đào lên, bó gốc, và... chết. Chết rất nhiều, có thể là do kỹ thuật bó gốc, có thể là người ta không kịp mang đi trồng lại, hoặc cũng có thể là người ta... cố ý để cho chết, đào lên cho có như thế, chủ yếu là để lấy đất. Ngày ấy, những người dân quanh đấy mỗi lần đi qua thấy cây chết lại đứt ruột, nhưng không làm gì được. Người viết bài này cũng vài lần chạy xuống nhưng chỉ có thể đứng ngoài vì tất cả đã bị rào chặt, có người bảo vệ. Nhìn qua lớp rào bảo vệ thấy thông chết đỏ rực lên như lửa cháy mà xót.
Dưới thông là cỏ hồng.
Có thể gọi đấy là đặc ân của trời không thì không biết, nhưng đúng là, mỗi năm một lần, vào lúc giao thời của mùa, thì cả cái rừng thông này, từ dưới đất nhô lên, ràn rạt màu hồng. Nhìn kỹ thì ra là cỏ. Mượt như nhung và đều như tăm trong lọ, hàng chục héc ta rừng cứ hồng rực lên, đẹp nhất là mỗi khi chiều về.
Thì nó đã hàng chục năm như thế, tự nhiên một ngày, dân mạng lên cơn sốt với một cánh đồng cỏ hồng này. Thì nó là cái đồi thông, cũng lững thững ở đấy từ hồi nào rồi. Cổ thụ có, non tơ có.
Sau mùa khô, mưa lắc rắc, bất ngờ đội đất ngoi lên là cái thứ cỏ gì đấy, mỏng manh, hết sức mỏng manh, mãnh liệt, hết sức mãnh liệt, đến như bất diệt, như trường sinh, cứ hồng rực lên, hừng hực lên, mịn màng lên. Rồi nó vươn lên, dẫu mùa khô, màu hồng của thứ hoa li ti ấy áp đảo tất cả các màu khác, như một lớp lông tơ phủ lên mẹ đất, nó ngút mắt, nó chan hòa, nó miên man, nó mê hoặc...
Thế là có một đồi cỏ hồng cho du khách mê mải. Hàng vạn người đổ về, ngơ ngác tự hỏi, ơ sao lại có sự phối màu kỳ lạ đến như thế, giữa mây trời, giữa thông xanh, giữa màu đỏ vàng bazan và cái màu hồng như cổ tích kia.
Giờ thì nó đúng là... cổ tích.
Thực ra thì giờ nó vẫn còn, ơn giời là thế. Chiều ấy tôi xuống, cỏ hồng đã bắt đầu héo. Thì nó chỉ rực rỡ độ mươi ngày nửa tháng chi đó, rồi tàn dần. Nhưng nó lại như thế này, khi bị thu hẹp lại, nó lại tiệp màu với những cây thông chết khô, trời ơi là nó thảm hại. Nó như đồi cỏ cháy dở, nó nhệch nhạc, nó vô hồn, nó khô cứng, nó bệch bạc... tóm lại là nó như đã chết.
Tiếc thì cũng đành. Bèn hy vọng là, sau khi được trả lại hiện trạng (hiện tại cũng không biết nó được trả lại chưa, số phận nó như thế nào sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt và một loạt cán bộ Gia Lai bị kỷ luật) thì cỏ hồng cũng đừng... tự ái mà lặn luôn dưới đất (loài cỏ này cả năm im lặng dưới đất, chỉ đúng mùa ấy mới ngoi lên và nở trong thời gian ngắn), và khi được trả lại, những người có trách nhiệm của địa phương biết cách phát huy thế mạnh của nó, tôn trọng nó và đừng bắt nó phải hy sinh vì những lợi ích cá nhân, vì sự vụ lợi của con người.
Nhắc ông Trịnh Đình Dũng vì sáng ngồi uống cà phê, nhân câu chuyện về thông cáo báo chí của UBKTTW hôm qua, một ông bạn cắc cớ hỏi, nếu hồi ấy cựu phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng không vội vã ký phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa trước khi về hưu mấy ngày thì sẽ ra sao?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả