Trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đường vành đai 4 vùng thủ đô, vành đai 3 TP.HCM

Chia sẻ Facebook
19/04/2022 13:18:20

Tại kỳ họp thứ 3, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia gồm vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; vành đai 3 TP.HCM và 3 dự án đường cao tốc khác.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19-4 - Ảnh: D.T

Ngày 19-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Chính phủ kiến nghị trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án


Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, tại kỳ họp, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án gồm vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo đó, 2 dự án vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM đã được Bộ Chính trị cho ý kiến. Dự kiến chương trình đã bố trí 2 nội dung này.

Đối với hồ sơ tài liệu của 5 dự án đã được Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.


Nêu ý kiến thảo luận sau đó, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết còn rất nhiều quan ngại về ba dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu v ì ba dự án đều chuyển từ phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công, trong khi vốn đầu tư công chưa phân bổ cho các dự án này.


Mặt khác, các dự án cũng chưa đáp ứng được điều kiện vốn theo nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh các dự án này đều dùng cơ chế đặc thù của nghị quyết 43 nhưng phạm vi nghị quyết chỉ khuôn lại trong hai năm 2022-2023 trong khi dự án kéo dài đến tận 2025-2026 nên đề nghị cần cân nhắc xem xét kỹ càng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Phú Cường phân tích 3 dự án ông Thanh nêu được Chính phủ trình trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, vốn mỗi dự án đều rất lớn mà nguồn đều dựa vào nghị quyết 43, vào vốn đầu tư công còn lại tăng thu ngân sách nên các giải pháp đó không tốt cho cân đối ngân sách.

Theo ông Cường, hai trong ba dự án đã có nhà đầu tư PPP, mặt khác đây đều là các dự án có thể thu hồi vốn tốt sao lại chuyển hết sang đầu tư công mà không tiếp tục làm theo PPP để giảm áp lực cho ngân sách.

Cho rằng khó có thể cân đối được vốn cho cả 5 dự án, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng tình trình Quốc hội hai dự án đã đủ điều kiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến - Ảnh: D.T


Dự kiến kỳ họp thứ 3 kéo dài 20 ngày


Về chương trình, theo tổng thư ký Bùi Văn Cường, với dự kiến tổng thời gian làm việc 20 ngày, Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ hai, ngày 23-5, dự kiến bế mạc vào thứ sáu 17-6.


Cũng theo ông Cường, báo cáo Chính phủ đề nghị bổ sung 3 dự án Luật đường bộ; Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.

Tổng thư ký Quốc hội đã thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về 3 dự án luật này; khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng 3 luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung các dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Với đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công an nhân dân, tổng thư ký Quốc hội nêu rõ đã thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quyết định chưa xem xét việc bổ sung dự án luật này vào chương trình năm 2022 để Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau đó yêu cầu không bổ sung nội dung nào khác ngoài các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào Chương trình kỳ họp thứ ba, nội dung nào chưa đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp sau.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký tờ trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 3 TP.HCM để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án này.

Chia sẻ Facebook