Trịnh Khả: Danh tướng bậc nhất trong nghĩa quân Lam Sơn

Chia sẻ Facebook
12/12/2022 07:54:29

Trịnh Khả là một trong 18 người tham gia hội thề Lũng Nhai, trở thành tướng trụ cột trong khởi nghĩa Lam Sơn, tham gia những trận đánh then chốt như Tốt Động – Chúc Động, ải Lê Hoa…, sau này dẫn quân trừng trị Ai Lao, Chiêm Thành. Ông trở thành danh tướng thời nhà Lê, khiến tham quan rất khiếp sợ.


Vung gươm ở Nhân Mục và Tam Giang:
Khiến Vương Thông muốn vỡ mật;
Tung hoành ở Lê Hoa và Lãnh Thủy:
Khiến Mộc Thạnh phải hoảng hồn

(Chế văn của vua Lê Thái Tổ dẫn lại trong Lịch triều Hiến chương loại chí)

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Có tướng cầm quân


Theo sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn, vào đầu thời kỳ nhà Hồ ở huyện Vĩnh Ninh, tỉnh Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) có ông Chánh tổng Trịnh Quyện, tổ tiên từng lập công đánh quân Nguyên Mông thời nhà Trần. Ông sinh được 4 người con trai.

Sau này nhà Hồ không bảo vệ được Giang Sơn và bị quân Minh đánh bại. Nhà Minh đô hộ nước ta.


Tương truyền một lần người con trai út 16 tuổi của ông Trịnh Quyện là Trịnh Khả đi chăn trâu ngồi nghỉ ở cổng chùa trên núi, có một viên tướng nhà Minh vốn giỏi xem tướng, nhìn tướng mạo đứa bé thì rất ưa, liền dụ cậu bé theo. Sau viên tướng nhìn kỹ thấy “đứa bé này hình rồng mắt hổ, khỏe nhất ba quân, ngày sau tất cầm cờ mao tiết” bèn bảo: “Ngày sau đuổi chúng ta đi tất là mày. Phải giết ngay đi kẻo lo ngại về sau.”

Trịnh Khả liền chạy qua sông Mã, trốn ở nhà cô mình ở Diên Phúc. Quân Minh tìm không được liền bắt cha là Trịnh Quyện giết đi. Trịnh Khả chôn cất cha, sau đó tìm đến theo quân khởi nghĩa.

Tham gia nghĩa quân Lam Sơn

Năm 1416, Trịnh Khả là một trong 18 người tham gia hội thề Lũng Nhai. Khởi nghĩa nổ ra, Lê Lợi nghĩ đến việc thành lập đội quân tinh nhuệ gọi là quân Thiết Đột, Trịnh Khả được giao cho chỉ huy đội quân này, gọi là Thứ thủ đội Thiết Đột.

Quân Minh chiêu hàng Lê Lợi không được liền cho đào mộ cha của Lê Lợi lên nhằm uy hiếp. Trịnh Khả chỉ huy một nhóm quân tinh nhuệ của mình đội cỏ bơi dưới sông, lẻn đến lấy lại được hài cốt cha của Lê Lợi.

Trong trận đánh Nghệ An, Diễn Châu, Trịnh Khả lập công lớn. Khi Vương Thông đưa viện binh kéo đến, Trịnh Khả cùng các tướng Lam Sơn đánh cho quân Vương Thông thảm bại. Tên tuổi các tướng Lam Sơn như Trịnh Khả, Phạm Văn Xảo, Đinh Lễ… vang dội khắp nơi.

Cuối năm 1427, Liễu Thăng cùng Mộc Thạnh đưa 15 vạn quân sang cứu viện. Sau khi Liễu Thăng bị đánh bại và tử trận, ở ải Lê Hoa, các tướng Trịnh Khả và Phạm Văn Xảo đuổi đánh tan quân của Mộc Thạnh, tàn quân phải tháo chạy về nước.

Trụ cột của đất nước

Đánh bại quân Minh, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, Trịnh Khả được phong làm Kim tử vinh lộc đại phu tả lân hổ Vệ tướng quân, được ban túi kim ngư, ngân phù, thượng khinh xa đô úy.

Năm 1429, Trịnh Khả được giữ chức Đô thái giám 4 đạo, coi quản mọi việc trong ngoài gồm cả coi giữ cung điện. Sau đó ông được gia phong chức Hành quân tổng quản xa kỵ quân sự đồng tổng quản, thống lĩnh các đội Thiết Đột.

Cũng năm này bên Ai Lao có phản thần làm loạn, Quốc vương Ai Lao phải nhờ Đại Việt giúp đỡ, vua Lê Thái Tổ sai Trịnh Khả sang giúp, ông mang quân dẹp loạn ở Ai Lao thành công.

Sang năm 1433, Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông mới chỉ 10 tuổi lên thay, quyền hành nằm trong tay Lê Sát, mà Lê Sát vốn rất ghét Trịnh Khả, vì thế mà đến năm 1434 ông quyết định xin từ quan về dù mới 31 tuổi. Triều đình không đồng ý, Lê Sát cho Trịnh Khả rời đến Lạng Sơn làm quan Tuyên úy (Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Năm 1437, vua Lê Thái Tông 14 tuổi đã bắt đầu hiểu chuyện triều chính, nhận thấy Lê Sát ngày càng chuyên quyền không thể nói được, liền tìm cách đưa Trịnh Khả trở về nắm giữ đội Cấm quân (tức quân tinh nhuệ Thiết Đột) trong Kinh thành.


Các quan trong triều làm sớ dâng Vua nói Lê Sát chuyên quyền. Vua cho bắt Lê Sát với lời chiếu kể tội rằng: “Chuyên quyền nắm giữ việc nước, ghen ghét bậc hiền tài, giết Nhân Chú để hòng ra oai, truất Trịnh Khả bắt người ta phục, bãi chức tước của Ư Đài khiến đình thần không còn ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra biên giới cho gián quan đều bịt miệng im hơi.”

Sau đó Trịnh Khả được phong thêm chức thiếu bảo, tham tri chính sự.

Đến đời vua Lê Nhân Tông, vua Chiêm Thành là Bí Cai hai lần đưa quân đến vây Hóa châu (nay là Thừa Thiên Huế), Trịnh Khả cùng Lê Thụ được cử đi đánh Chiêm. Quân Đại Việt đánh tan quân Chiêm rồi tiến đến tận kinh thành, bắt được vua Bí Cai giải về Thăng Long.

Sau chiến công này Trịnh Khả được phong làm thượng trụ quốc, ban kim phù, Quốc thượng hầu.

Đinh Liệt: Vị khai quốc công thần góp công lớn suốt bốn đời vua Lê

Ghét đám gian thần và bị hại


Làm quan, Trịnh Khả rất ghen bọn xu nịnh xách nhiễu dân chúng. Sách “Đại Việt thông sử” viết rằng: “Viên Chủ bạ Nam Đạo là Đàm Thảo Lư ẩn lậu 4 quan tiền thuế, theo luật không đến nỗi xử tử, nhưng y đã từng vu hãm Nguyễn Thiên Tích nên ông ghét lắm, bèn quyết định ghép vào tội chết”. Viên Chuyển vận phó sứ huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ, việc phát giác, án làm xong sắp đem chém thì tả hữu xin tha, ông nói: “Ăn trộm của một nhà còn không tha được huống hồ ăn trộm của một huyện sao tha được”.

Trịnh Khả cùng Lê Thụ trở thành những đại thần đầu triều, ông là người thẳng thắn nên đám gian thần trong triều ghen ghét bèn dèm pha hai cha con ông làm phản. Lúc này vua Nhân Tông còn nhỏ, Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính nghe lời gian thần cho xử tử cả hai cha con ông.

Cổng khu đền thờ khai quốc công thần Thái Uý Trịnh Khả. (Ảnh qua trinhtoc.com)

Đền khai quốc công thần Thái Uý Trịnh Khả. (Ảnh qua trinhtoc.com)

Hai năm sau, vua Nhân Tông trưởng thành hơn đã giải oan và khôi phục quan chức cho Trịnh Khả, ban cho con cháu ông 100 mẫu ruộng. Đến thời vua Lê Thánh Tông năm 1484 truy tặng cho ông chức và tước Thiếu phó, Liệt quận công rồi Thái úy, Liệt quốc công.


Sách “Kiến văn tiểu lục” đánh giá về Trịnh Khả như sau:

“Trịnh Khả xa giá từ lúc ở Lam Sơn, tài trí hơn đời, ứng biến không cùng tận, phá Vương Thông, đuổi Mộc Thạnh, giết Kha Lại nước Ai Lao, bắt Bí Cai chúa Chiêm Thành, danh vọng lừng lẫy một thời, có 10 người con, đều giữ chức tướng văn, tướng võ, danh vọng lừng lẫy một thời, đấy là việc hiếm có xưa nay. Khả là người xã Kim Bôi, huyện Vĩnh Ninh, làm quan Thái úy, được tặng tước Liệt quốc công. Nguyễn Mộng Tuân làm bài minh ở từ đường thờ Trịnh Khả có câu: Núi Sóc chót vót, sông Sóc thăm thẳm, chung đúc sinh ra người đặc sắc, giống như ông Phủ ông Thân. Con là Công Đán, làm Thượng thư ở bộ Binh, có bia thần đạo, bây giờ ở xã An Hoành.”


Trần Hưng

Phong thủy giúp “vương triều chúa Trịnh” kéo dài suốt 12 đời


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook