Triều Tiên thông qua luật mới về vũ khí hạt nhân

Chia sẻ Facebook
09/09/2022 16:43:05

Ngày 9/9, Triều Tiên đã chính thức đã thông qua đạo luật về quyền sử dụng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để tự bảo vệ đất nước.


Sáng 9/9, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) trích dẫn nguồn các phương tiện truyền thông Triều Tiên đưa tin, luật mới đã trao cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un quyền duy nhất để ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân , nhưng quốc gia này có thể tự động đáp trả nếu như bị tấn công hạt nhân .


Luật mới nêu rõ khi nào vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng, bao gồm cả việc nhằm đáp trả một cuộc tấn công hoặc ngăn chặn một cuộc xâm lược. Luật mới cũng cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu nếu phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào các mục tiêu chiến lược của đất nước.

Trước đó, Hiến pháp Triều Tiên xác định, nước này là một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Phát biểu trước Hội đồng Nhân dân Tối cao, cơ quan lập pháp của nước này, ông Kim Jong-un tuyên bố, Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, bất chấp các biện pháp trừng phạt cứng rắn có thể kéo dài hàng trăm năm.

Bệ phóng tên lửa ở Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)


Triều Tiên thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và thử nghiệm đầu đạn nhiệt hạch vào năm 2017, trước khi tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân để theo đuổi đàm phán với Mỹ. Quốc gia Đông Á này khẳng định, kho vũ khí của họ chỉ dành cho mục đích bảo vệ an ninh quốc gia vì Hàn Quốc và Mỹ đã từ chối ký hiệp ước hòa bình kết thúc Chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950.

Các bên đã ký lệnh ngừng bắn để chấm dứt giao tranh vào năm 1953 và lập nên một khu vực phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền liên Triều tồn tại cho đến ngày nay.

Mỹ đã duy trì lực lượng đồn trú với khoảng 28.000 quân ở Hàn Quốc thông qua các hiệp ước quốc phòng song phương. Tháng 8, các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật chỉ cách DMZ 30 km, mô phỏng một cuộc phản công nhằm vào Triều Tiên. Đáp lại, Bình Nhưỡng và nhiều quốc gia khác đã cáo buộc Washington và Seoul làm gia tăng căng thẳng tại khu vực bởi những chương trình tập trận như vậy.

Chia sẻ Facebook