Triều Tiên thay đổi chính sách quan hệ với Hàn Quốc
Triều Tiên thay đổi chính sách quan hệ với Hàn Quốc
"Đề ra chính sách thay đổi dứt khoát"
Nước đi này đã tách biệt khỏi chính sách của Triều Tiên suốt nhiều thập kỷ qua, và có thể sẽ chuyển giao trách nhiệm điều hành quan hệ với Hàn Quốc cho Bộ ngoại giao của Triều Tiên, và theo một số nhà phân tích, có thể biện hộ cho hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Seoul trong tương lai.
Kể từ khi cuộc chiến năm 1950-1953 kết thúc trong bế tắc tới nay, cả hai nước đã áp dụng một số chính sách quan hệ khác so với các nước khác.
Những chính sách này bao gồm sử dụng một số bộ và cơ quan đặc biệt để điều phối quan hệ giữa hai nước thay vì thông qua bộ ngoại giao, và áp dụng một số chính sách nhắm tới thống nhất hòa bình trong tương lai, thường với mục tiêu một nhà nước hai chế độ.
Tuy nhiên trong một phát biểu đưa ra trong buổi họp cuối năm trong tuần vừa rồi, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã khẳng định thống nhất hòa bình là bất khả thi, và cho biết chính phủ Triều Tiên sẽ “đề ra thay đổi chính sách dứt khoát” về quan hệ với “quốc gia thù địch”. Ông cũng đã ra lệnh cho quân đội Triều Tiên chuẩn bị sẵn sàng để hạ gục và chiếm đóng Hàn Quốc trong trường hợp khủng hoảng bùng phát.
Theo ông Hong Min, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất quốc gia ở Seoul, những thay đổi này sẽ giúp Triều Tiên hợp lý hóa việc sử dụng vũ khí hạt nhân với Hàn Quốc.
“Nếu họ từ bỏ việc thống nhất hòa bình và định nghĩa lại Hàn Quốc như một quốc gia thù địch không có quan hệ ngoại giao, mâu thuẫn trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối với chính người dân của mình sẽ biến mất”, ông Hong nói.
Thể hiện tình trạng thực tế
Một số nhà quan sát cho rằng tuyên bố của Triều Tiên phản ánh thực tế của hai quốc gia với sự chia rẽ và khác biệt lớn trong nhiều năm qua.
Nhà nghiên cứu Rachel Minyoung Lee, thuộc Stimson Center của Mỹ, cho biết: “Triều Tiên trong những năm qua đã có dấu hiệu sẽ có thay đổi về mặt cơ bản trong các chính sách về Hàn Quốc, và đại hội Đảng trong tháng 12 năm 2023 đã không chỉ xác nhận mà còn chính thức hóa điều này”.
Quy mô những thay đổi về mặt tổ chức vẫn chưa rõ, và một số nhà phân tích cho rằng vì những quan điểm của Triều Tiên thể hiện rõ hơn về thực trạng quan hệ hai nước, rất khó có khả năng quan hệ vốn đã thù địch giữa hai nước sẽ có thay đổi lớn.
Những giai đoạn căng thẳng cao trong quá khứ như trong năm 2016 và 2017 cũng đã thường dẫn tới những giai đoạn xoa dịu và cải thiện ngoại giao, bao gồm các hội nghị thượng đỉnh vào năm 2018 và 2019 giữa ông Kim Jong Un và tổng thống các nước Mỹ và Hàn Quốc.
Một quan chức thuộc bộ thống nhất của Hàn Quốc trong một tuyên bố đưa ra vào ngày thứ Tư đã cho biết: “Trong báo cáo về kết quả đại hội đảng, Triều Tiên đã khẳng định sẽ không coi chúng ta là đối trọng trong quá trình hòa giải và thống nhất, nhưng trên thực tế đây chưa bao giờ là một mục tiêu mà họ theo đuổi”.
Bộ trưởng bộ ngoại giao
Ban Mặt trận Thống nhất của Đảng Lao động Triều Tiên từng là cơ quan điều phối quan hệ với Hàn Quốc, bao gồm các nỗ lực thu thập thông tin tình báo và tuyên truyền.
Michael Madden, chuyên gia về bộ máy lãnh đạo Triều Tiên tại Stimson Center cho biết ngay cả trong khả năng đối thoại giữa hai nước tiếp diễn trong tương lai, tuyên bố lần này có thể có nghĩa rằng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Choe Son Hui, một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm của Triều Tiên, sẽ là người giám sát quan hệ với Hàn Quốc.
“Tôi có thể xác định được vai trò là cố vấn quan trọng về chính sách xung quanh nỗ lực thống nhất và Hàn Quốc của bà trong chuyến viếng thăm của ông Kim tại khu nghỉ dưỡng liên Triều tại núi Kumgang vào năm 2019. Sự có mặt của bà tại sự kiện như vậy không phải là chưa từng có, nhưng sự có mặt đó đã rất kỳ lạ và đã báo trước về tầm ảnh hưởng của bà trong chính sách về Hàn Quốc”.
Ông Yang Moo-jin, chủ tịch trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul cho biết việc bà Choe, một nhà ngoại giao lâu năm chưa từng có nhiều vai trò trong quan hệ liên Triều, đã đi đầu trong nhiệm vụ “tháo gỡ và cải tổ” các cơ quan liên quan tới Hàn Quốc theo như báo cáo của truyền thông quốc gia Triều Tiên trong ngày thứ Hai cho thấy bộ ngoại giao Triều Tiên có thể sẽ sáp nhập những tổ chức này.
“Ban Mặt trận Thống nhất và Ủy ban Thống nhất Tổ quốc Hòa bình, hai tổ chức đã điều phối quan hệ liên Triều, có thể sẽ hoàn toàn tan rã hoặc ít nhất là bị giảm đáng kể về vai trò của họ", ông Yang Moo-jin nói.
Ông cho biết Triều Tiên cũng có thể cắt đứt quan hệ hoàn toàn với Hàn Quốc và chỉ đối thoại với Mỹ.
Ông Madden cho biết mặc dù các quan chức bộ ngoại giao Triều Tiên đôi lúc đã cố vấn về các vấn đề liên Triều, dưới quyền ông Kim Jong Un chưa từng có quan chức nào làm việc trong cả Ban Mặt trận Thống nhất và bộ ngoại giao.
Ông cho rằng bất kể có thay đổi nào được đề ra, những quan chức về tình báo chủ chốt của Ban Mặt trận Thống nhất cũng đều khó có thể bị gạt bỏ và cơ quan này rất có thể sẽ tiếp tục nắm quyền điều hành một số hoạt động về tuyên truyền.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)