Triều Tiên 'nắn gân' tân tổng thống Hàn Quốc

Chia sẻ Facebook
09/05/2022 09:13:37

Việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) diễn ra chỉ ba ngày trước khi tân tổng thống Hàn Quốc nhậm chức và chuyến thăm Seoul dự kiến trong tháng này của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải) đã gửi thông điệp cứng rắn đến tân lãnh đạo Hàn Quốc Yoon Suk Yeol - Ảnh: KCNA, Reuters


Dù có quan hệ tốt với tổng thống Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Moon Jae In, chính quyền Triều Tiên quyết định tỏ thái độ cứng rắn với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Yoon Suk Yeol - người từng dọa tấn công phủ đầu "kẻ thù" Bình Nhưỡng.


Thử hạt nhân "đón" ông Biden?

Theo Hàn Quốc, tên lửa SLBM của Triều Tiên phóng từ khu vực thành phố Sinpo ở bờ biển phía đông nước này, nơi Bình Nhưỡng đặt nhiều tàu ngầm và thiết bị phóng SLBM. Phía Nhật Bản cho rằng đây là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Đây là vụ phô diễn vũ khí lần thứ 15 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay, vụ thứ hai trong vòng một tuần qua, và chỉ ba ngày trước khi ông Yoon nhậm chức (ngày 10-5).

Phản ứng ngay sau đó, giám đốc An ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon và các quan chức cấp cao nước này chỉ trích vụ phóng tên lửa SLBM của Triều Tiên.

"Chính quyền mới sẽ xem xét mối đe dọa chung từ tên lửa hạt nhân của Triều Tiên ngay khi nhậm chức và sớm kết hợp các năng lực của chính phủ để có các biện pháp cơ bản đối phó với những sự khiêu khích của Triều Tiên" - Hãng tin Yonhap dẫn lời ông Kim Sung Han, cố vấn an ninh quốc gia tương lai của ông Yoon, nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi chỉ trích các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp gần đây và gọi tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa với khu vực và cộng đồng quốc tế.

"Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được" - ông Nobuo nói, đồng thời khẳng định sẽ củng cố năng lực phòng thủ và hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc và các đồng minh khác để đối phó với các nguy cơ an ninh từ nước láng giềng. Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cũng ra tuyên bố lên án động thái của Bình Nhưỡng gây bất ổn và cam kết bảo vệ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Chưa dừng lại ở đó, Mỹ và Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể tiếp tục thử hạt nhân để "đón" Tổng thống Mỹ Joe Biden - dự kiến đến Seoul vào ngày 21-5. Đây có thể là lần thử hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ năm 2017.

"Mỹ nhận định (Triều Tiên) đang chuẩn bị bãi phóng Punggye-ri và có thể sẵn sàng thử sớm nhất trong tháng này", phó phát ngôn viên Jalina Porter của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Tương tự, ông Park Jie Won, lãnh đạo Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc, cho rằng vụ thử có thể rơi vào giữa lễ nhậm chức của ông Yoon và chuyến thăm của ông Biden.

Ông Park nói Bình Nhưỡng có thể thử một đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ. Theo quan chức Hàn Quốc, vụ thử này rất quan trọng đối với chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong Un vì "nếu Triều Tiên tạo được đầu đạn hạt nhân nhỏ và nhẹ, họ có thể gắn nó vào đầu tên lửa đạn đạo tầm ngắn".

Tuần trước, ông Kim cũng cam kết sẽ đẩy nhanh phát triển vũ khí hạt nhân và dọa rằng Triều Tiên sẽ đáp trả hạt nhân nếu bị khiêu khích.


Thế khó cho ông Yoon

Ngày 8-5, truyền thông Triều Tiên vẫn chưa lên tiếng về vụ phóng tên lửa mới nhất như thường thấy, tuy nhiên thông điệp đã rõ ràng. "Động thái này nhắm đến chính quyền mới của Hàn Quốc vào tuần sau và gây áp lực phủ đầu để kiểm soát tình hình trước thượng đỉnh Mỹ - Hàn", chuyên gia Yang Moo Jin của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận định với Hãng tin Reuters.

Theo giới chuyên gia, Triều Tiên đang tận dụng thời gian thúc đẩy chương trình vũ khí trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang chia rẽ về vấn đề xung đột Nga - Ukraine nên sẽ không thể trừng phạt Bình Nhưỡng.

Trong các thành viên Liên Hiệp Quốc có quyền phủ quyết, Mỹ đang đối đầu với Nga và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Chương trình vũ khí cũng rất quan trọng với Triều Tiên và nó sẽ là đòn bẩy để nước này giành ưu thế trong các đàm phán an ninh, cứu trợ.

Việc Triều Tiên thường "nắn gân" chính quyền mới ở miền Nam bằng các vụ thử vũ khí không có gì lạ. Nhưng theo giới phân tích, nếu Triều Tiên thử hạt nhân sẽ làm leo thang căng thẳng, nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm giữa hai miền Triều Tiên khiến tân tổng thống Hàn Quốc không còn nhiều lựa chọn để tiếp cận Bình Nhưỡng.

Đến nay, những đề xuất của ông Yoon như thúc đẩy hợp tác kinh tế với miền Bắc, lập kênh đối thoại ba bên Mỹ - Hàn - Triều không được đánh giá cao.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia Lim Eul Chul của Đại học Kyungnam, Hàn Quốc, cho rằng việc quá phụ thuộc vào liên minh với Mỹ sẽ khiến chính quyền của ông Yoon mất dần tiếng nói trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và càng đẩy Bình Nhưỡng ra xa các cuộc đàm phán.

Theo ông Lim, ông Yoon cần mở rộng ngoại giao và thúc đẩy miền Bắc ngồi vào bàn đối thoại với chính sách "cây gậy và củ cà rốt".


Khả năng thượng đỉnh liên Triều ra sao?

Trong cuộc phỏng vấn cuối tuần trước, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk Yeol không loại trừ khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, miễn là phải đảm bảo có kết quả chắc chắn. Ông Yoon cũng cam kết tìm kiếm sự bảo vệ mạnh hơn từ Mỹ, bao gồm việc Washington thực hiện răn đe mở rộng, sử dụng hạt nhân để bảo vệ đồng minh.

Nhưng giới phân tích cho rằng cam kết an ninh của Mỹ cũng chưa có gì là đảm bảo. "Lịch sử cho thấy răn đe mở rộng chưa bao giờ được triển khai" - ông Park Won Gon, giáo sư Đại học Ewha Womans ở Seoul, nhận định.

Từng giữ vai trò công tố viên chính yếu trong các phiên tòa luận tội hai cựu tổng thống tham nhũng của Hàn Quốc trước đây, chính trị gia Yoon Suk Yeol vừa đắc cử nhờ lá phiếu của những người không hài lòng với chính quyền hiện tại.

Chia sẻ Facebook