Triệt phá hàng loạt app cho vay tiền lãi suất hơn 2.000%/năm

Chia sẻ Facebook
20/10/2022 00:53:52

Các ứng dụng cho vay tiền này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Chia sẻ về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen tại Hội thảo "Tài chính tiêu dùng: Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế", Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, trong 3 năm qua, lực lượng công an đã tiếp nhận, phát hiện 2.740 vụ với 4.941 đối tượng, trong đó, đã khởi tố 1.575 vụ với 3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ, 1.182 đối tượng.

Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã tiếp nhận, phát hiện 1.592 vụ, với 2.771 đối tượng; đã khởi tố 1.038 vụ, với 2.025 bị can; xử phạt hành chính 359 vụ, 485 đối tượng.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là sau tác động của dịch bệnh COVID-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.

"Các đối tượng tín dụng đen có xu hướng chuyển đổi sang hoạt động trên môi trường không gian mạng, số tiền giao dịch lớn hơn rất nhiều so với các thủ đoạn phạm tội truyền thống, có sự tham gia của nhiều người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau", Trung tá Đỗ Minh Phương cho biết.

Ví dụ như vụ việc tại Công ty Newstar trên địa bàn Hà Nội, Công an TP. Hà Nội đã đồng loạt tiến hành bắt, giữ gần 300 đối tượng, các đối tượng tạo lập nhiều App cho vay tiền với lãi suất từ 15-20%, nhưng thực tế, khách hàng vay từ các App này phải chịu lãi suất trên 2.000%/năm.

Hay như vụ triệt phá đường dây cho vay qua App trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các đối tượng tạo lập trên 300 ứng dụng cho vay, liên kết với khoảng 200 công ty cầm đồ cho vay các gói từ 2-7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày, với lãi suất trên 2.000%/năm. Điều tra ban đầu xác định có gần 160 nghìn người đã vay qua các App do nhóm đối tượng điều hành với số tiền giao dịch hơn 1.800 tỷ đồng.

Có thể thấy, bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính do NHNN cấp phép, đã xuất hiện rất nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen.

Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Từ thực trạng đó, theo TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị 12 về hạn chế "tín dụng đen", UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp ngành ngân hàng phổ biến tuyên truyền giới thiệu các kênh vay vốn chính thống, tạo điều kiện thuận lợi và đẩy mạnh hoạt động của các ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng trên địa bàn.

"Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí truyền thông, cơ quan liên quan phối hợp với ngành công an, ngân hàng đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phổ biến, dễ tiếp cận tới người dân.

Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Các cơ quan thẩm quyền thường xuyên kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính để phát hiện xử lý sai phạm, không để các hoạt động lợi dụng loại hình này để thực hiện các hành vi tín dụng đen", bà Nguyễn Thị Hiền đề xuất.


Theo Trần Thuý

Chia sẻ Facebook