Triết lý ‘nước và chiếc chén’ chỉ rõ nguồn gốc của phiền não
Nếu ví cuộc sống là nước, thì công việc, tiền tài, địa vị chính là chiếc chén đựng. Nếu cứ hoài phí tâm tư ở cái chén thì mọi người sao còn có thể có tâm tư để ý đến vị ngọt đắng của nước nữa, đây chẳng phải tự mình tìm phiền não hay sao?
Có một lần, mấy người chúng tôi là bạn học lâu năm gặp lại, cùng hẹn nhau đến nhà thầy giáo thời đại học. Thầy giáo rất vui mừng, hỏi chúng tôi cuộc sống hiện tại của mỗi người như thế nào.
Không ngờ chỉ một câu hỏi của thầy đã khiến mọi người phàn nàn không thôi. Mọi người nhao nhao nói ra những việc không như ý trong cuộc sống như: Áp lực công việc lớn, c uộc sống có nhiều phiền não, b uôn bán cạnh tranh khó khăn, con đường thăng tiến tắc nghẽn…
Dường như mọi người đều nói quên mất thời gian. Thầy giáo nghe chỉ cười mà không nói gì, rồi từ trong bếp lấy ra mấy chén trà đặt ở trên bàn.
Những cái chén này đủ kiểu dạng khác nhau. Có cái làm bằng sứ, có cái làm bằng thủy tinh, có cái làm bằng đất nung. Cái thì thoạt nhìn xa hoa cao quý, cái thì có vẻ bình thường sơ sài…
Thầy giáo nói: “Tất cả đều là học trò của ta, cho nên ta sẽ không xem mọi người là khách, nếu ai khát thì tự mình rót nước mà uống đi.”
Nói nãy giờ như xả được một bụng tâm sự, mọi người đều cảm thấy khát khô miệng, liền cầm cái chén mà mình cảm thấy vừa ý rót nước uống.
Chờ trong tay mọi người đều cầm một chén nước, lúc này thầy giáo mới nói: “Các trò có phát hiện ra rằng, trong tay mỗi người là một cái chén được trang trí tỉ mỉ đẹp nhất, tốt nhất. Còn cái chén làm bằng đất nung này thì lại không có ai chọn nó.”
Đương nhiên tất cả chúng tôi thấy thật khó hiểu, ai cũng đều hy vọng rằng cái chén mình cầm trên tay là cái đẹp nhất.
Thầy giáo nói: “Đây là nguồn gốc phiền não của các trò.”
Mọi người cần là thứ nước bên trong mà không phải là cái chén đựng nó. Nhưng chúng ta vô tình hay cố ý lại đi chọn cái chén tốt nhất.
Mọi thứ ở đời cứ để thuận theo tự nhiên, như vậy mới không cảm thấy phiền muộn. (Ảnh: Pinterest)
Điều này cũng giống như cuộc sống của chúng ta vậy. Nếu cuộc sống được ví là nước, như vậy thì công việc, tiền bạc, địa vị… tất cả những thứ này chính là cái chén, chúng chỉ là thứ công cụ để chứa đựng nước – cuộc sống của chúng ta mà thôi.
Kỳ thực, cái chén thật tốt, thật đẹp hay xấu xí cũng không làm ảnh hưởng chất lượng của nước bên trong. Nếu cứ hoài phí tâm tư ở cái chén thì mọi người sao còn có thể có tâm tư để ý đến vị ngọt đắng của nước nữa. Đây không phải là tự tìm phiền não sao?
Đức Hạnh biên dịch