Triển vọng thị trường xây dựng: Tạo cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp
Năm 2021, đại dịch Covid-19 và lạm phát đã bào mòn biên lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp ngành xây dựng, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Dự báo, năm 2022, mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp xây dựng vẫn có nhiều cơ hội bứt phá...
Thời gian nửa đầu năm 2021, phần lớn những dự án nằm trong các tỉnh, thành bị giãn cách đều phải ngừng thi công. Các dự án nằm ngoài khu vực giãn cách cũng bị đình trệ do đứt gãy nguồn cung vật tư và nhân lực. Tổn thất kinh tế có thể nhìn thấy rõ nhất đó là: chi phí duy trì bộ máy, chi phí phòng chống dịch, chi phí huy động nguồn lực sau các đợt giãn cách...
Lạm phát bào mòn biên lợi nhuận
Liên quan đến thực trạng trên, kết quả khảo sát hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng do Vietnam Report thực hiện mới đây cho biết: 37,9% số doanh nghiệp tham gia chia sẻ rằng hơn 20% số dự án/hợp đồng của họ bị chậm tiến độ hoặc ảnh hưởng chi phí do đại dịch.
Bên cạnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, biến động giá nguyên vật liệu đã trở thành “cơn ác mộng” đối với các nhà thầu xây dựng. Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu dùng trong xây dựng tăng 6,4% so với cùng kỳ do nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao trong khi chuỗi cung ứng chưa hết gián đoạn từ năm 2020. Hai loại vật liệu xây dựng quan trọng nhất là thép và xi măng lần lượt tăng giá khoảng 40% và 8,4%.
Do chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65 - 70% giá dự toán xây dựng công trình, việc tăng giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng, hiệu quả của nhiều dự án, sói mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Một số chuyên gia trong ngành nhận định “bão giá” đã quét sạch những lợi nhuận có thể hy hữu còn lại, đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào thua lỗ. Trong khi đó, theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành trong năm 2021 chỉ đạt 0,63% - đây là mức rất thấp so với tăng trưởng trung bình 7,2% trong 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tác động bởi đại dịch Covid-19 hoàn toàn không nằm ngoài dự đoán. Vì vậy, doanh nghiệp nào đầu tư tốt cho khả năng phục hồi kinh doanh thì doanh nghiệp đó không những có thể vượt qua khó khăn từ những rủi ro và gián đoạn, mà còn có thể phục hồi nhanh hơn và bứt phá tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.
“Đến nay, cuộc khủng hoảng chưa từng có về kinh tế - xã hội trên diện rộng đang dần đi đến hồi kết. Đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại và chỉ ra những điểm yếu hoặc sai sót trong cách nhận biết, xử lý vấn đề. Từ đó đề ra các biện pháp kiểm soát hoặc quy định mới để ngăn chặn những sự kiện tương tự xảy ra trong tương lai. Trong số các ngành kinh tế, các doanh nghiệp ngành xây dựng – vật liệu xây dựng nói riêng và hệ sinh thái ngành bất động sản – xây dựng – vật liệu xây dựng nói chung tỏ ra khá chủ động trước những ảnh hưởng từ đại dịch, nhờ kinh nghiệm quản trị khủng khoảng có được từ cách đây hơn mười năm”, ông Phùng Hoàng Cơ, Phó Chủ tịch Vietnam Report nhận định.
Hơn nữa, kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ rõ, 86,7% số doanh nghiệp trong ngành đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phản ứng ngay lập tức, thích nghi tốt và chịu ít tác động; 6,7% số doanh nghiệp không có sự chuẩn bị nhưng đã phản ứng nhanh chóng và dứt khoát để phục hồi. Dẫu vậy, vẫn có khoảng 3,3% số doanh nghiệp phản ứng chậm và kỳ vọng sẽ phục hồi trong tương lai và 3,3% số doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn. Nói về triển vọng của thị trường, phần lớn doanh nghiệp trong ngành đều bày tỏ lạc quan đối với tất cả các phân khúc.
Mở ra cơ hội để doanh nghiệp bứt phá
Trên thực tế, mặc dù mất đà tăng trưởng từ trước đại dịch, thị trường xây dựng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được định giá khoảng 60 tỷ USD vào năm 2021 và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022-2027.
Tín hiệu tích cực đến ngay từ những tháng đầu năm khi backlog (giá trị hợp đồng chưa thực hiện) của các doanh nghiệp đầu ngành xây dựng dân dụng tiếp tục lập đỉnh. Thêm vào đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, là điểm sáng đối với mảng xây dựng công nghiệp. Cụ thể, tính đến ngày 20/3/2022, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần đạt gần 9 tỷ USD ; tổng vốn giải ngân ước tính đạt 4,42 tỷ USD – mức cao nhất so với quý 1 của các năm, từ 2018-2022. Bên cạnh đó, một loạt các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được triển khai gần đây đã và đang tạo ra những xung lực mới cho các doanh nghiệp trong ngành phục hồi và tăng tốc.
Cụ thể, theo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sẽ có tối đa 176.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, đa phần là đầu tư hạ tầng giao thông. Cũng trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hơn 50.000 tỷ đồng – mức lớn nhất từ trước đến nay. Việc hàng loạt các dự án cao tốc sẽ được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022-2025 sẽ mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án cũng sẽ tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng thời gian tới. Đồng thời, môi trường pháp lý cũng có một số chuyển biến tích cực. Gần đây Quốc hội đã thông qua dự án “1 luật sửa 8 luật” tháo gỡ khá nhiều nút thắt pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Ngoài ra, Nghị quyết 02/2022 của Chính phủ về thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực đủ lớn để tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý kinh tế, tạo thành trợ lực giúp các doanh nghiệp trong ngành sẵn sàng tăng tốc, chinh phục mốc son mới trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Sáu ưu tiên trong ngắn và trung hạn
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại bức tranh kinh tế ngành xây dựng - vật liệu xây dựng vẫn còn tồn tại không ít thách thức. Có thể thấy rằng phần lớn khó khăn là hệ quả của đại dịch đều có chiều hướng giảm tác động trong 12-18 tháng tới khi cuộc khủng hoảng này đang dần đi đến hồi kết, ngoại trừ lạm phát (+17,2%) và tác động của suy thoái kinh tế (+6,9%).
Năm vừa qua, Việt Nam vẫn kiểm soát lạm phát thành công khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 của nước ta chỉ tăng 1,84% so với năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, theo nhận định của phần lớn doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành, áp lực lạm phát rất lớn. Lý do là nhu cầu tiêu dùng tăng cao trở lại khi đại dịch dần được kiểm soát và kết thúc; giá hàng hóa thế giới tăng nhanh đối với một số mặt hàng thiết yếu và nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng trong sản xuất do gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc do chi phí vận tải gia tăng.
Dragon Capital dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam từ 3,58 - 4,18%. Thêm vào đó, căng thẳng chính trị Nga – Ukraine gần đây đã có nhiều tác động đến thị trường toàn cầu. Từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới ngành xây dựng – vật liệu xây dựng Việt Nam thông qua nhiều kênh như diễn biến giá dầu và giá thép thế giới… Dẫu vậy, chúng ta có thể kỳ vọng rằng với những bước tiến mới trong thỏa thuận đàm phán thời gian tới, căng thẳng sẽ hạ nhiệt và thị trường sẽ ổn định hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh.
Trước bối cảnh như vậy, trả lời phỏng vấn báo chí, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng – vật liệu xây dựng cho biết, trong ngắn và trung hạn, họ sẽ tập trung vào 6 ưu tiên sau: thứ nhất, tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; thứ hai, đảm bảo việc làm, tiền lương và quyền lợi cho nhân viên; thứ ba, tăng cường hợp tác đầu tư; thứ tư, đẩy mạnh đầu tư và phát triển công nghệ; thứ năm, tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với thời đại số; thứ sáu, tăng cường huy động vốn, xây dựng nguồn tài chính vững mạnh. Qua đó, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong gian đoạn mới.