Triển vọng kinh tế mới từ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn

Chia sẻ Facebook
20/10/2022 08:09:18

Khi dự án cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT- XH, dịch vụ du lịch, thông thương trao đổi hàng hóa và nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

Với tổng chiều dài 688km, hướng tuyến đi qua Pặc Xăn - Viêng Thông - Nậm On (Lào) - Thanh Thủy (Nghệ An, Việt Nam), cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn dự kiến sẽ đem lại triển vọng mới cho kinh tế 2 quốc gia.

Không chỉ vậy, khi dự án đi vào hoạt động sẽ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho nhiều tỉnh khu vực miền Trung, trong đó có Nghệ An với nhiều lợi thế rộng mở về địa kinh tế cho cả vùng.


Con đường kết nối, thông thương

Vào tháng 02 và tháng 10 năm 2016, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào chấp thuận hướng tuyến cho dự án cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn đi qua các địa phương của Lào như Pặc Xăn - Viêng Thông - Nậm On và Cửa khẩu Thanh Thuỷ của tỉnh Nghệ An.

Trước đó, vào ngày 14/9/2015 tại thủ đô Viêng Chăn, dự án tuyến đường cao tốc kết nối Thủ đô Hà Nội - Thủ đô Viêng Chăn chính thức được đánh dấu tại Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn 2030.

Tiếp đến, để khởi động cho dự án cao tốc nói trên, vào ngày 06/7/2018, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để thống nhất nhiều nội dung quan trọng.

Và, khi dự án cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn chính thức đi vào hoạt động sẽ trở thành tuyến đường sẽ kết hợp với các tuyến đường bộ cao tốc khác của Thái Lan và Myanmar tạo thành một hành lang kinh tế mới theo hướng Đông - Tây kết nối từ Thái Bình Dương (các cảng biển nước sâu của Việt Nam) sang Ấn Độ Dương (cảng Dawei của Myanmar) với khoảng cách khoảng 1.500km. Trong khi đó, nếu đi theo đường biển hiện tại lâu nay các quốc gia trong khu vực đang khai thác có chiều dài khoảng 5.500km.

Như vậy, với hướng tuyến nói trên sẽ làm giảm đáng kể chi phí vận doanh cho tuyến vận tải này, góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu qua lại giữa 2 nước và một số quốc gia khu vực Đông Nam Á.


Thiết lập “vành đai kinh tế” xuyên Á

Dự án có tổng chiều dài 688km, riêng phần xây dựng mới khoảng 406 km, bao gồm 345 km trên địa phận Lào và 61 km trên địa phận Việt Nam từ Cửa khẩu Thanh Thủy đến TP Vinh (Nghệ An) và nhập vào cao tốc Bắc Nam phía Đông mà Việt Nam đang triển khai xây dựng. Hướng tuyến của dự án cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn sẽ có quy mô bốn đến 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h - 120km/h. Riêng tại các đoạn có địa hình đặc biệt khó khăn thiết kế với vận tốc 80km/h và dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 6,1 tỉ USD.

Mặt khác, với vị trí hướng tuyến con đường mà cả 2 quốc gia đã lựa chọn sẽ mở ra cơ hội rất lớn để cả Việt Nam và Lào thiết lập “vành đai kinh tế” nối với vùng Đông Bắc Thái Lan, Myanmar, xác lập hành lang kinh tế Đông – Tây.

Với tổng chiều dài và quy mô đầu tư mà phía Lào và Việt Nam đã thống nhất mới đây, khi dự án cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn đi vào hoạt động sẽ mở ra con đường thông thương cho cả 2 nước trong thời gian tới.


Phát triển khu kinh tế cửa khẩu

Tại Nghệ An, để mở rộng, thúc đẩy giao thương kinh tế, từ năm 2011, Thủ tướng Chỉnh phủ đã đồng ý nâng cấp cửa khẩu Thanh Thuỷ, Nghệ An thành cửa khẩu Quốc gia với quy hoạch biến nơi đây thành nơi sầm uất về mọi mặt.

Trong Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị ban hành năm 2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thì Thanh Thuỷ được đề cập là phải phấn đấu xây dựng trở thành cửa khẩu Quốc tế.

Cũng vào năm 2018, khi làm việc với Thường trực Tỉnh Uỷ tỉnh Nghệ An về quy hoạch Cửa khẩu Thanh Thuỷ, huyện Thanh Chương, lúc bấy giờ, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng để địa phương triển khai các bước tiếp theo xây dựng khu vực này thành nơi phát triển kinh tế - xã hội quy mô sầm uất trong tương lai gần.

Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, quy hoạch đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn đã được Chính phủ hai nước đồng ý thực hiện, quy hoạch Cửa khẩu Thanh Thủy cần xây dựng lại cho phù hợp.

Theo đó, Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy có vị trí nằm tại ngã 3 xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, Nghệ An, giao nhau với QL15A hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh. Vùng thiết lập Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thuỷ có diện tích trên 21.382 ha, nằm ở 4 xã Thanh Thủy, Thanh An, Thanh Hà, Võ Liệt.

Bên cạnh đó, khu vực Cửa khẩu Thanh Thuỷ có vị trí nằm trên QL 46, giáp với tỉnh Bô ly khăm xay của nước bạn Lào, cách TP Vinh 68 Km. Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đặt kỳ vọng vào sự nỗ lực của tỉnh Nghệ An và sự quan tâm của các bộ, ngành sẽ sớm đưa Khu Kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ đi vào hoạt động.

Chia sẻ Facebook