Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao công tác quy hoạch và phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh

Chia sẻ Facebook
03/01/2023 20:45:36

Nhằm cụ thể hoá mục tiêu Quy hoạch đô thị Bắc Ninh là Đô thị văn hóa, sinh thái, hướng tới kinh tế tri thức, đô thị thông minh, cơ bản đáp ứng các tiêu chí trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 thì việc quy hoạch và phát triển đô thị là đóng vai trò quan trọng, là nền tảng để định hướng, đảm bảo tổ chức không gian phát triển có bài bản, hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái.

Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh từ một tỉnh nông nghiệp với hệ thống đô thị lạc hậu đã vươn lên trở thành một đô thị lớn với 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV, 05 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50%, quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc và thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng. Để đạt được kết quả này, Bắc Ninh luôn chú trọng công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng trên địa bàn tạo tiền đề để thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng đô thị đồng bộ, đảm bảo về không gian quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh Bắc Ninh đã và đang không ngừng đẩy mạnh triển khai các dự án theo quy hoạch chung của tỉnh để tiến tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Bắc Ninh với định hướng phát triển là trung tâm hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo và dịch vụ công nghệ cao với nhiều khu, cụm công nghiệp tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị với tốc độ đô thị hóa cao. Tính đến tháng 10 năm 2022, Bắc Ninh đã cơ bản đã hoàn thành bộ khung quy hoạch như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (hiện nay đang lập Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch), quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch các đô thị, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chuyên ngành theo lĩnh vực, phù hợp theo điều kiện đặc thù từng địa phương.

Quy hoạch là nền tảng để định hướng phát triển đô thị


Song song với việc xây dựng bộ khung về quy hoạch, ngành xây dựng tỉnh Bắc Ninh có nhiều đổi mới trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới quy hoạch xây dựng, tiền đề cho mọi hoạt động xây dựng, mọi nhu cầu phát triển vật chất của tất cả các ngành kinh tế - xã hội. Dưới sự quan tâm và sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng được thực hiện đồng bộ, quy hoạch đô thị từng bước bảo đảm sự thống nhất, liên thông với quy hoạch các ngành, giữa các cấp độ (từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đến quy hoạch chi tiết). Sở Xây dựng thường xuyên chú trọng  tăng cường nâng cao chất lượng trong công tác tổ chức  lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.Việc điều chỉnh quy hoạch luôn được hạn chế, trong trường hợp phải điều chỉnh thì ưu tiên xem xét tăng mật độ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội so với quy hoạch đã được phê duyệt; không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công trình phục vụ dân sinh. Tỉnh thường xuyên giao nhiệm vụ cụ thể đối với các Sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện tăng cương công tác rà soát, kịp thời hoàn thành các quy hoạch, quy chế và điều chỉnh các quy hoạch theo kỳ hạn (nếu có) . Tập trung hoàn thành các quy hoạch quan trọng, nghiên cứu lập và điều chỉnh các quy hoạch có liên quan gắn với tiêu chí đô thị tại các huyện, thành phố trong phạm vi Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tổ chức triển khai lập, phê duyệt các Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, Chương trình phát triển đô thị, các khu vực phát triển đô thị trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định pháp luật. Theo Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, các sở ngành liên quan sẽ tích cực điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cấp đô thị, cấp vùng, bổ sung quy hoạch các trục chính đô thị, hệ thống đường vành đai, hệ thống giao thông ngầm và trên cao nhằm tăng cường kết nối và mở rộng không gian phát triển đô thị, khu nhà ở và các khu chức năng, luôn chú trọng phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập trung bình trên địa bàn tỉnh, đồng thời thúc đẩy tiến độ, có biện pháp xử lý đối với các dự án chậm, dự án đầu tư xây dựng còn thiếu đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để có thể đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân nhanh nhất và tốt nhất.


Nhóm giải pháp đẩy mạnh phát triển đô thị

Phát triển đô thị là một động lực để phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, công tác phát triển đô thị được UBND tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở ban ngành liên quan đã thống nhất chủ trương phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh và bền vững, từ đó, từng bước nghiên cứu, đưa ra các giải pháp phát triển đô thị, cụ thể như sau:

Một là, phát triển đô thị phải theo định hướng quy hoạch tổng thể để từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị cao; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc và mang tính đặc thù giữa các vùng trong tỉnh (Bắc Đuống-Nam Đuống).

Hai là, kiểm soát quá trình đô thị hóa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng và ban hành quy chế và thể chế quản lý phù hợp với tình hình phát triển của từng địa phương; phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý hành chính và mọi mặt của đời sống.

Ba là, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2035, dân số toàn tỉnh dự kiến đạt khoảng 1,8 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80%. Đến năm 2050, dân số toàn tỉnh Bắc Ninh dự kiến đạt khoảng 2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90%. Do đó, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị được dựa trên dự báo mức tăng trường dân số đô thị được định hướng trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, các chương trình phát triển đô thị, nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, tôn trọng môi trường thiên nhiên và lợi ích công cộng bằng việc quy hoạch cấu trúc đô thị để bố trí quỹ đất cho các công trình công cộng như công viên cây xanh, siêu thị, nhà hàng,...theo mô hình kiến trúc xanh-sinh thái. Ứng dụng công nghệ hiện đại theo hướng công nghiệp xanh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Năm là, để hình thành bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị mới hiện đại, có bản sắc, tập trung chú trọng vào công tác thiết kế đô thị phù hợp với từng đô thị, từng không gian, giữa cải tạo và xây dựng mới; đổi mới với môi trường văn hóa kiến trúc truyền thống trong tổng thể kiến trúc cảnh quan; Kết hợp quy hoạch dài hạn và thiết kế quy hoạch thông minh theo từng giai đoạn quy hoạch để phù hợp với chính sách pháp luật về đất đai và tài nguyên.

Sáu là, tăng cường việc nghiên cứu lý luận, nguyên lý và vận dụng sự sáng tạo của chính quyền đô thị trong công tác quản lý, phát triển đô thị nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đặc biệt là tình trạng phát triển “nóng”, phát triển tự phát, thiếu kiểm soát.


Bảy là, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị với các pháp luật có liên quan; công khai minh bạch các quy họach trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển đô thị bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị không tránh khỏi những tồn tại, bất cập, phải kể đến như: Quy hoạch và phát triển đô thị như: Tỷ lệ các quy hoạch chi tiết còn thấp; Chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tiềm năng, lợi thế phát triển của đô thị; Tiến độ triển khai các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc,...còn chậm; Công tác quản lý quy hoạch, thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý chưa rõ ràng dẫn đến việc tổ chức thực hiện tốn nhều thời gian,... Trước những vấn đề đang đặt ra, về phía Bộ Xây dựng, Chính phủ và Quốc hội Sở Xây dựng kiến nghị sớm giải quyết, tháo gỡ các nội dung vướng mắc, bất cập nêu trên; về phía địa phương, lập song song các đồ án quy hoạch cấp thấp hơn để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của địa phương đồng thời hướng dẫn trình tự, thủ tục kế hoạch thực hiện quy hoạch; hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc tiếp nhận tài trợ quy hoạch để huy động được các nguồn lực xã hội vào công tác quy hoạch.

Quy hoạch Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ chính trị được tỉnh ưu tiên hàng đầu. Sở Xây dựng sẽ chủ động triển khai, phối hợp với các ngành và UBND các huyện, thành phố để hoàn thành tốt công tác quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, phát triển đô thị, khơi thông các điểm nghẽn phát triển, kết nối các ngành, lĩnh vực, địa phương, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương./.


Hà Anh

Chia sẻ Facebook