Trí tuệ của cổ nhân: Tâm học
Đạo học cuối cùng chính là tâm học. Người đi học mà không thể nhập tâm, không thể tu tâm dưỡng tính, không thể trau dồi Đức, không thể sáng rõ Đạo, thì uổng phí thời gian và công sức mà không đắc được gì hết. Ngày tháng qua đi, mãi cứ quẩn quanh ở vạch xuất phát mà chẳng tiến được bước nào.
Học cần phải có thầy, cần phải có sách, cái đó là nhẽ thường, ai đi học cũng khó vượt được hai điều ấy. Song khi học đã quá cao lên, nhất về mặt văn chương, triết lý, bảo muốn tìm cho thực có thầy giỏi để thụ nghiệp, không phải là dễ vậy. Trong “Ngụy Thư” có chép chuyện Từ Tuân Minh theo đuổi đạo học, không bằng lòng với lời giảng của thầy, mà hiểu ra “tâm học”.
Từ Tuân Minh, người ở Hoa Âm, thân thể to lớn, mồ côi từ thuở nhỏ, tính hiếu học, mười bảy tuổi theo Mao Linh Hoà sang học Vương Thông ở Sơn Đông. Học một năm thi từ biệt. Rồi sang Yên, Triệu, lại học ông Trương Ngô Quý. Học trò ông Ngô Quý rất đông. Tuân Minh dụng tâm học vài tháng. Sau nói chuyện riêng với người bạn rằng:
– Thầy ta đây danh tiếng tuy lừng lẫy song nghĩa lý không được quán triệt. Phàm những câu ngài giảng thuyết, phần nhiều chẳng được thoả lòng ta. Ta muốn lại tìm thầy khác.
Rồi bèn cùng Điền Mãnh Lược sang Phạm Dương, thụ nghiệp ông Tôn Mãi Đức, Nhưng học vừa được một năm, lại muốn bỏ đi. Mãnh Lược bảo Tuân Minh rằng:
– Anh tuổi còn trẻ, theo thầy học hành, chẳng chịu chuyên học một thầy, cứ nay thầy này, mai thầy khác, nay tìm đến, mai bỏ đi, nghìn dặm xa xôi, sách vở mang cắp, học hành như vậy, sợ không thành được.
Tuân Minh nói:
– Ta nay mới biết chỗ ở của ông thầy đích thật là ông thầy.
Mãnh Lược hỏi: Ở đâu?
Tuân Minh chỉ vào “tâm” nói:
– Đây, chính ở chỗ này.
Rồi tự bấy giờ Tuân Minh học lấy một mình, hết sức suy nghĩ, sáu năm không ra khỏi nhà. Khi mỏi mệt, thường đàn địch để di dưỡng tính tình. Sau thành một bực đại nho.
Học cần phải có thầy, cần phải có sách, cái đó là nhẽ thường, ai đi học cũng khó vượt được hai điều ấy. Nhưng mà gốc rễ của muôn nghìn điều phải, điều lành đểu do ở như tâm. Học thế nào cho thấy tâm được yên thoả, được quang minh như gương sáng, như nước lặng, ngoại vật chẳng loạn được tâm, ngoại vật đi qua chẳng lưu lại, ấy mới gọi là học vậy.
Theo Cổ học tinh hoa
Ninh Sơn tổng hợp
Mời xem video :