Trí tuệ cổ nhân: Ỷ mạnh gặp tai ương, khiêm tốn vượt khổ nạn

Chia sẻ Facebook
17/01/2023 00:28:45

Trong “Duyệt vi thảo đường bút ký”, Kỷ Hiểu Lam kể lại một câu chuyện, cũng chia sẻ suy ngẫm về tầm quan trọng của đức tính khiêm tốn.


Kỷ Hiểu Lam là một học giả nổi tiếng thời nhà Thanh, ông làm quan tới chức Lễ bộ Thượng thư, kiêm Đại học sĩ, từng nhậm chức quan chủ biên bộ sách “Tứ khố toàn thư”. Sinh thời, Kỷ Hiểu Lam có viết một cuốn sách lấy tên là “Duyệt vi thảo đường bút ký”, trong đó kể lại một câu chuyện, cũng chia sẻ suy ngẫm của ông về tầm quan trọng của đức tính khiêm tốn.

(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Quê nhà Kỷ Hiểu Lam có một người tên là Đinh Nhất Sĩ. Người này rất cường tráng nhanh nhẹn, lại còn luyện tập quyền thuật và khinh công. Nơi cao đến 2 hoặc 3 trượng anh ta phi thân một cái là có thể nhảy lên trên, khoảng đất rộng mấy trượng anh ta cũng nhảy một cái là qua được.

Kỷ Hiểu Lam kể rằng bản thân ông từ lúc còn bé đã từng được chứng kiến công phu của người này. Lúc ấy ông đang đứng ở trong sảnh, nhìn về phía trước cửa thì thấy Đinh Nhất Sĩ đang đứng ở ngoài cửa, đối diện với nhau. Khi ông vừa xoay người về phía sau một cái thì Đinh Nhất Sĩ đã đứng ở bên ngoài cửa sau rồi, lại tiếp tục đối diện nhau, cứ như vậy đến 7, 8 lần. Đinh Nhất Sĩ cất mình nhảy lên một cái là có thể nhảy qua mái nhà, như vậy chứng tỏ đã luyện thành công phu cao.


Sau này, có một lần Đinh Nhất Sĩ đi ngang qua thị trấn Đỗ Lâm, gặp một người bạn mời anh ta đến quán rượu bên cầu cùng uống rượu. Hai người đứng ở bờ sông, khi đã uống rượu thỏa thích, người bạn bèn nói với Đinh Nhất Sĩ: “Anh có thể nhảy qua bên kia sông không?”. Nói chưa dứt lời thì Đinh Nhất Sĩ đã phi thân nhảy qua rồi. Vị bằng hữu kia gọi anh ta trở về, vừa nói xong anh ta đã nhảy trở về.

Nhưng không ngờ ở chỗ vách đất dựng đứng phía bờ người bạn, ngay lúc Đinh Nhất Sĩ nhảy đi đất đã nứt ra một khe rồi. Đinh Nhất Sĩ nhảy về, một chân vừa đạp xuống thì bờ sông liền sụp xuống mất vài thước, anh ta rớt luôn xuống sông, bị nước cuốn trôi. Không may Đinh Nhất Sĩ lại không biết bơi. Anh ta từ trong nước nhảy lên được vài thước, nhưng chỉ có thể nhảy thẳng lên chứ không nhảy tới bờ sông được. Nhảy lên rớt xuống vài lần như vậy, cuối cùng anh ta vì kiệt sức mà bị chết đuối.

Kỷ Hiểu Lam vì thế mà cảm thán, đại ý rằng trong thiên hạ không có cái họa nào lớn bằng cái họa ỷ tài ỷ thế không biết sợ. Kẻ ỷ giàu dễ chết vì kiệt quệ, kẻ ỷ thế dễ chết vì thất thế, kẻ ỷ mưu trí dễ chết vì mắc mưu, kẻ ỷ sức dễ chết vì kiệt sức. Đó là bởi vì những người ỷ thế cậy tài thường hay mạo hiểm mà cuối cùng chuốc họa.

Kỷ Hiểu Lam nhắc lại câu chuyện về Điền hầu Tùng Nham. Điền hầu Tùng Nham từng mua một cây gậy trên núi Lao Sơn và viết bài thơ:


Nguyệt tịch hoa thần bạn ngã hành
Lộ đương thản xử diệc phòng khuynh
Cảm nhân thị nhĩ tâm vô lự
Tiện hướng khi khu bộ bất bình.

Dịch nghĩa:


Cùng với ta đi, khi trăng sáng cũng như lúc hoa nở
Đường đang bằng phẳng cũng phòng khi khuynh đảo
Bởi vì cậy có bạn, tâm ta không lo lắng
Thuận lợi bước chân trên đường trắc trở gập ghềnh.

Đại ý của bài thơ này là cho dù con đường có phẳng lặng cũng nên phòng khi khuynh đảo, cầm cây gậy trong tay phòng khi mệt mỏi, mới có thể yên tâm đi trên đường núi gập ghềnh. Ngụ ý của bài thơ là khuyên người ta dù ở nơi nào cũng cần có thái độ xử tế khiêm tốn thận trọng, khi đối diện với những gian nan trắc trở trên đường đời thì không thể cậy tài khinh người, không được ỷ quyền cậy thế chẳng biết kiêng sợ, tự cao tự đại. Kỷ Hiểu Lam bình luận những lời thơ ấy của Điền hầu quả thật là lời của người lịch duyệt, rất đáng quý, đáng phục.


Theo “Dựa thế ỷ mạnh sẽ gặp tai ương, khiêm tốn cẩn thận sẽ vượt khổ nạn”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Thanh Ngôn

Kỷ Hiểu Lam ghi lại trải nghiệm thần kỳ về việc xem chữ đoán mệnh

Mời xem video “Bậc trí giả biết cách khuyến thiện, không làm tổn thương người khác”

Chia sẻ Facebook