Trí tuệ cổ nhân: Tiết kiệm có thể nuôi dưỡng đức hạnh

Chia sẻ Facebook
15/09/2023 03:10:28

“Kiệm khả dưỡng đức”, tiết kiệm có thể nuôi dưỡng đức hạnh. Xưa nay, người đạt được thành công thì rất nhiều đều dựa vào cần kiệm...


Người xưa có câu: “Kiệm khả dưỡng đức”, tiết kiệm có thể nuôi dưỡng đức hạnh. Từ xưa đến nay, người đứng đầu một gia đình, một đất nước mà đạt được thành công thì rất nhiều đều dựa vào cần kiệm, tiết chế, tu thân. Còn “vong quốc bại gia” thì hầu hết đều là vì xa xỉ, buông thả dục vọng, thuận theo ham muốn mà thành.

(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)


Tại sao tiết kiệm có thể nuôi dưỡng đức hạnh? Bởi vì dục vọng của con người là vô tận, nếu con người không biết kiềm chế dục vọng, một mực truy cầu vật chất và hưởng lạc, họ sẽ tự nhiên phát triển chấp trước vào quyền thế và của cải. Để có được những điều này, người ta dễ dàng từ bỏ phẩm hạnh làm người, dần dà sẽ làm việc khuất tất mà đi đến nguy hiểm không lối thoát, cho nên mới có câu: “Người chết vì tiền”.

Khi con người không có gì và thường xuyên đói khát, mong muốn của họ lúc đó chính là được ăn no mặc ấm, chỉ như vậy đã thấy thỏa mãn rồi. Nhưng khi thực sự có cơm ăn áo mặc thì người ta lại mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, thoải mái hơn. Chỉ khi hiểu được sự đáng sợ của dục vọng, lấy lý tính mà đối đãi với ham muốn vật chất và kiềm chế bản thân, người ta mới có thể không rơi vào cạm bẫy của ham muốn vật chất, từ đó không bị rời xa khỏi nhân đức. Người quân tử thời xưa đề cao đức tính tiết kiệm, không chỉ là để làm gương, nguyên nhân lớn hơn nằm ở việc kiềm chế ham muốn cá nhân mới có thể duy trì giữ vững đạo đức.


Ngạn ngữ cổ nói: “Vô dục tắc cương” , nếu không có ham muốn nơi thế tục thì có thể ngay thẳng kiên cường. Một người không màng danh lợi, sống giản dị, thanh đạm, lấy khổ làm vui, sẽ không dễ dàng lung lay nguyên tắc làm người của mình. Khi bất kỳ lợi ích và thú vui nào đều cũng đều không phải là những gì người đó theo đuổi, thì người đó sẽ hoàn toàn không động tâm đối với bất cứ được mất, cám dỗ nào. Quan chức cao bổng lộc dày, công danh lợi ích đều không phải là thứ họ truy cầu, vậy nên dẫu có mất tất cả những thứ này họ cũng không sợ và cũng không để tâm đến chúng. Một khi đã không để tâm đến chúng nữa thì còn có ai hay việc gì có thể đe dọa bản thân, hoặc lay chuyển bản thân để họ từ bỏ những nguyên tắc và tiết tháo làm người? Đây chẳng phải là người kiên cường bất khuất nhất sao. Đây chính là cảnh giới mà cổ nhân đã nói “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” , không vì nghèo hèn mà thay đổi tiết tháo, không vì uy vũ mà khuất phục.


Người xưa cho rằng dù là học giả hay người làm quan thì cũng nên chú trọng dưỡng thành thói quen tốt là sống tiết kiệm. Trong “Ấu học Quỳnh Lâm” có viết:


Bốc Tử Hạ thậm bần,
Thuần y bách kết;
Công Tôn Hoằng thậm kiệm,
Bố bị thập niên.

Gia cảnh nhà Tử Hạ nghèo khó, quần áo ông mặc vá víu nhiều chỗ, rách rưới tả tơi, nhưng ông không quan tâm, cam lòng với cuộc sống khốn khó. Công Tôn Hoằng rất tiết kiệm, sử dụng một tấm chăn vải thô suốt 10 năm.

Tử Hạ là học trò của Khổng Tử, là người truyền thụ kinh thư Nho gia, có ảnh hưởng lớn tới người đời sau. Công Tôn Hoằng là Tể tướng nhà Hán, địa vị Tam Công, nhưng nổi tiếng vì đức tính cẩn thận giản dị. Cả hai đều duy trì cuộc sống chất phác như của những người dân thường, từ đó dưỡng thành đức hạnh cho mình. Có rất nhiều người lưu danh hậu thế chính là nhờ thực hành tiết kiệm.

Yến Anh là tướng quốc nổi tiếng của nước Tề thời Xuân Thu, phò tá vua Linh Công, Trang Công, Cảnh Công. Tuy bản thân có địa vị cao là tướng quốc, nhưng cuộc sống của ông lại hết sức giản dị. Bản thân ông không những không để ý đến chuyện cơm ăn áo mặc mà còn nghiêm khắc yêu cầu người nhà không mặc lụa là, không đeo đồ trang sức đắt tiền. Tề Cảnh Công rất coi trọng Yến Anh, đã nhiều lần ban thưởng nhưng đều bị ông từ chối.


Tề Cảnh Công thấy Yến Anh ở gần chợ, địa thế thấp trũng, ẩm thấp, nhỏ hẹp, bẩn thỉu, ồn ào, bụi bặm, không phải là một nơi ở tốt, nên muốn giúp ông đổi sang một chỗ ở mới khô ráo và yên tĩnh. Yến Anh không đồng ý, khước từ nói: “Tổ tiên của thần đã sống ở đây, thần còn lo tài đức mình chưa đủ, không có tư cách để thừa kế ngôi nhà này. Hơn nữa nhà lại gần chợ, sáng tối ra ngoài mua đồ rất tiện, lại có thể hiểu rõ thêm được nhiều tâm tình nguyện vọng của dân.”


Tề Cảnh Công nghe vậy, cười mà hỏi rằng: “Khanh sống gần chợ, nhất định biết thứ gì là đắt và thứ gì là rẻ chứ?”


Thời điểm đó, Tề Cảnh Công hỷ nộ thất thường nên hay lạm dụng hình phạt. Yến Anh muốn nhân chuyện này mà can ngăn Tề Cảnh Công nên liền trả lời: “Chân giả đắt, giày rẻ hơn”. Tề Cảnh Công hiểu ý của Yến Anh, từ đó cho giảm nhẹ hình phạt.

Sau khi Yến Anh đi sứ đến nước Tấn, Cảnh Công đã nhân cơ hội để xây lại nhà ở cho ông. Khi Yến Anh trở về thì ngôi nhà mới đã được xây dựng xong. Sau khi Yến Anh tạ ơn Cảnh Công, ông đã sai người đến tháo dỡ ngôi nhà và phân phát số gỗ đã tháo dỡ cho hàng xóm. Đồng thời, ông cho dựng lại những ngôi nhà lân cận bị phá dỡ để làm nhà của ông, mời những người hàng xóm quay về.

Yến Anh lấy tiêu chuẩn đạo đức cao thượng để yêu cầu bản thân, lấy thân làm gương, đề cao việc tiết kiệm. Tư Mã Thiên rất tôn sùng ông, thường so sánh ông với Quản Trọng. Khổng Tử cũng từng khen ngợi Yến Anh:

“Cứu dân trăm họ mà không khoe khoang, lời nói và việc làm đều để bổ khuyết cho lỗi lầm của ba vị vua mà không khoe công, Yến Tử quả thực là bậc quân tử”.

Nhìn vào cuộc sống hiện đại ngày nay, ham muốn vật chất đã được phóng đại vô cùng, hậu quả tạo thành chính là sự bại hoại nhanh chóng về đạo đức và sự đổ vỡ của các mối quan hệ giữa con người với nhau, về điểm này không cần nói nhiều, ai cũng ít nhiều thấy hậu quả của nó.


Theo “ Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm: Tấm chăn vải 10 năm
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Lưu Như


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook