Trí tuệ cổ nhân: Tiền bạc không đủ để đánh đổi danh dự và nhân phẩm

Chia sẻ Facebook
17/01/2023 00:23:10

Tư Mã Quang – nhà sử học, học giả, thừa tướng triều Tống từng nói: “Tiền bạc nhiều bao nhiêu cũng không đủ để đổi lấy danh dự và lòng trung thực. Tiền bạc không là gì so với danh dự. Danh dự và lòng trung thực mới là cái mà chúng ta không thể để mất”.


Hối lộ, biếu tặng quà là hành vi đã có từ thời cổ xưa nhưng trong lịch sử thực sự có rất nhiều bậc quan lại, tướng lĩnh nhận thức rõ ràng được sự nguy hại của hành vi này. Đức tính thanh liêm, biết giữ gìn danh dự của họ luôn được đặt lên hàng đầu trong làm việc và đối nhân xử thế thường ngày. Dưới đây là một số gương người xưa về việc giữ gìn đức tính thanh liêm chính trực lưu danh sử sách.

(Tranh: Public Domain)

Người tiều phu nghèo không tham thứ của người khác


Thời Xuân Thu, vua nước Ngô là Chư Phàn có người em trai là Diên Lăng Quý Tử. Trong một lần đi dạo chơi bên ngoài kinh thành, Diên Lăng thấy trên đường có vàng của người ta đánh rơi. Lúc đó đang là tháng 5, thời tiết nóng nực, có một người tiều phu nghèo khổ khoác áo da đi ngang qua đây, Quý Tử bèn nói với người tiều phu: “Hãy tới mà nhặt thỏi vàng trên mặt đất đằng kia kìa” .


Người tiều phu quăng lưỡi hái, trừng mắt tức giận nói: “Ông có địa vị tôn quý sao lại xem thường người khác như vậy? Dung mạo, cốt cách của ông hùng tráng như thế, sao lại nói chuyện lỗ mãng đến vậy? Tôi thà rằng chịu đựng cái nóng bức của tháng năm, mặc áo da mà đốn củi, thì lẽ nào lại đi nhặt lấy thỏi vàng của người khác đánh rơi sao?”


Diên Lăng nghe xong cực kỳ xấu hổ, vội vàng xin lỗi người tiều phu, còn kính cẩn hỏi thăm tên họ của người tiều phu. Người tiều phu bảo ông ta rằng: “Nhìn bề ngoài thì dường như ông là người có địa vị, tôi làm sao xứng đáng xưng tên họ của mình với ông đây?” Nói xong rồi ông ta liền rời đi.

Bao Chửng thanh chính liêm khiết

Nhắc đến Bao Chửng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một người thiết diện vô tư, ngay thẳng chính trực, yêu dân như con, trung thành với vua và còn có tài đoán biết trước sự tình sẽ xảy ra. Có một câu chuyện được lưu truyền trong dân gian về ông như thế này.

Có một đoạn thời gian, Bao Chửng nhậm chức ở Đoan Châu và được người dân vô cùng kính trọng. Khi hết thời hạn nhậm chức ở đây, dân chúng Đoan Châu đều đổ xô ra đường, đi đến bến đò để được đưa tiễn ông trở về phủ. Mỗi người dân đến đưa tiễn Bao Chửng đều mang theo một lễ vật quý biếu ông làm quà, tỏ lòng cảm kích của mình đối với vị quan thanh liêm trong lòng họ. Nhưng tất cả những lễ vật ấy đều bị Bao Chửng từ chối không nhận.

Trong số những người đến tiễn, có một người mang một chiếc nghiên mực Đoan Khê loại quý nhất, được bọc trong một lớp vải màu vàng, rồi lặng lẽ bỏ vào trong thuyền của Bao Chửng và rời đi. Người này biết rằng nếu tặng tận tay thì Bao Chửng nhất định sẽ khước từ. Vì vậy, ông ta đành làm cách ấy với hy vọng rằng khi đã đến nơi rồi mới phát hiện ra thì Bao Chửng sẽ nhận lễ vật ấy của mình.

Nghiên mực Đoan Khê là một loại nghiên mực quý nổi tiếng thiên hạ, được sản xuất ở vùng Đoan Khê, huyện Cao Yếu, tỉnh Quảng Đông. Thời ấy, chỉ những vị đại thần của triều đình, người quyền quý và những người trí thức mới có nghiên mực Đoan Khê. Họ lấy làm vinh dự khi trong nhà có loại nghiên mực này.

Khi thuyền của Bao Chửng đi đến eo sông Linh Dương thì trời đang trong xanh nắng ấm đột nhiên chuyển sang sóng gió cuồn cuộn. Lúc ấy sóng biển nổi lên rất mạnh và không ngừng đánh vào thuyền, khiến chiếc thuyền nhiều lần gần như bị nhấn chìm.


Bao Chửng hạ lệnh cho thuyền dừng lại, trong lòng kinh ngạc nghĩ: “Bao Chửng ta ở Đoan Châu thanh đạm như nước. Ông trời hà cớ gì lại nổi giận như vậy?” Sau đó, ông lập tức cho người đi khám xét lại toàn bộ hành lý trên thuyền.


Một lúc sau, quả nhiên mọi người phát hiện ra có một nghiên mực Đoan Khê được đặt cẩn thận ở trên thuyền. Bao Chửng lập tức ném nghiên mực Đoan Khê ấy xuống sông. Khi nghiên mực được ném xuống nước thì một lát sau “gió êm sóng lặng” , mây đen tản ra làm ló lên ánh mặt trời.

Bao Chửng cả đời quang minh lỗi lạc, quả thực khiến người đời mãi kính phục trong lòng.

Học trò của Khổng Tử thấy lợi mà không tham


Tăng Tử, còn có tên là Tăng Sâm, là một học trò của Khổng Tử. Ông luôn mặc quần áo cũ nát. Vua nước Lỗ phái sứ giả đến ban cấp cho ông một vùng đất để làm ấp phong. Gặp mặt ông, sứ giả nói: “Bây giờ xin mời ngài thay đổi quần áo đi!” Tăng Tử không chịu nhận. Sứ giả rất nhiều lần đến trao đất phong cho ông, Nhưng Tăng Tử vẫn không chịu nhận.


Sứ giả nói: “Đây không phải là tiên sinh yêu cầu người khác, mà là người khác tới dâng tặng cho tiên sinh, vì sao tiên sinh lại không chịu nhận vậy?”.


Tăng Tử nói: “Tôi nghe nói, nhận quà tặng của ai rồi thì sẽ sợ đắc tội với người ấy, cũng sẽ làm cho người ấy sinh lòng kiêu ngạo. Cho dù nhà vua ban thưởng cho tôi mà không biểu lộ vẻ kiêu ngạo, nhưng tôi sao không sợ đắc tội với ông ấy cho được?”.


Cứ như thế, cuối cùng Tăng Tử vẫn không tiếp nhận ấp phong. Khổng Tử nghe chuyện, khen: “Đức hạnh được như Tăng Sâm, đã đủ để bảo toàn được tiết tháo rồi”.


Tử Tư là cháu nội của Khổng Tử. Tử Tư ở nước Vệ vô cùng nghèo khổ, trên người chỉ có mỗi chiếc áo lót cũ nát, ngay cả áo ngoài cũng không có, 20 ngày chỉ ăn được 9 bữa cơm. Điền Tử Phương nghe chuyện, bèn phái người tới biếu ông một bộ quần áo bằng lông chồn trắng để chống rét, nhưng sợ ông không chịu nhận, bèn cố ý nói: “Tôi tặng đồ cho người ta, liền quên ngay. Tôi trao cho người ta thứ gì, thì cũng giống như đánh rơi mất” . Nhưng Tử Tư mãi từ chối không nhận.


Điền Tử Phương nói: “Tôi có mà ông không có, vì sao ông không chịu nhận?”.


Tử Tư nói: “Tôi nghe nói, cho người ta của cải không hợp với bổn phận, vượt quá phép tắc thì chẳng thà đem của ấy ném xuống khe núi. Tôi mặc dù bần hàn, nhưng không muốn lấy chính thân mình để làm cái khe núi ấy, cho nên không dám tiếp nhận”.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook