Trí tuệ cổ nhân: Người quân tử lấy sự vô tư mà tiếp nhận người khác
Người quân tử lấy sự vô tư (không tư lợi) mà đối đãi với người khác. Họ không coi bản thân là lớn lao, luôn hành sự như bản thân vẫn còn nhiều thiếu sót. Họ hạ mình, dùng lễ để đối đãi với mọi người. Đây là “khiêm hư”, “khiêm tốn” hay cũng được gọi là “khiêm cung”. Khi một người giữ được chữ “khiêm” trong tâm thì sẽ thụ nhận được những lợi ích to lớn.
Trái với khiêm cung chính là “kiêu ngạo” , tự đại tự mãn, muốn thể hiện bản thân, lúc nào cũng dùng ánh mắt từ trên cao nhìn xuống, dùng thái độ trịch thượng để đối đãi với người khác. Một người hống hách tự đắc, tự cho mình là đúng, nói lời khoa trương sáo rỗng thì chính là một người khuyết thiếu hàm dưỡng. Cho nên cổ nhân luôn đề cao sự khiêm tốn và thận trọng.
Trong Chu Dịch viết: “Quân tử dĩ hư thụ nhân”, người quân tử lấy lòng trống trải vô tư mà tiếp nhận người, “Nhân đạo ác doanh nhi hảo khiêm” , đạo làm người là tự mãn thì bị ghét còn khiêm hạ thì được yêu quý. Trong Thượng Thư viết: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích” , tự mãn chiêu mời tổn hại, còn khiêm tốn thì được lợi. Tả Truyện có câu nói rằng: “Ti nhượng vi đức chi cơ”, tức là khiêm nhượng là nền tảng của đức hạnh. Kinh Thi giảng: “Ôn ôn cung nhân, vi đức chi cơ”, ôn hòa cung kính là cái gốc của đức.
Lão Tử viết trong cuốn Đạo Đức Kinh: “Bất tự kiến cố minh; bất tự thị cố chương; bất tự phạt cố hữu công; bất tự căng cố trường” , không cố chấp vào bản thân thì mới có cái nhìn minh bạch; không tự cho là đúng mới có thể biết đúng sai; không tự khoe khoang bản thân mới có thể kiến công lập nghiệp; không ngạo mạn tự đại mới có thể được lâu dài. Đạo Đức Kinh cũng viết: “Tự tri bất tự kiến, tự ái bất tự quý” , tự biết mình không cầu người biết, tự yêu mình không cầu người trọng. Những điều Lão Tử nói ra đều là khuyên răn con người nên tự biết cúi mình mà tôn người, vạn lần không nên giữ tâm cao ngạo.
Trong Luận Ngữ có câu: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân” , ta mỗi ngày tự xét bản thân mình ba điều. Đây chính là lời của Tăng Sâm, đệ tử của Khổng Tử, ý tứ là phải suy xét lại bản thân mình nhiều hơn. Nếu một người có tâm tự cao tự mãn thì rất khó để có thể chấp nhận khuyết điểm của mình, càng không thể thường xuyên suy xét xem mình thiếu sót ở đâu mà sửa chữa.
Tăng Sâm từng nói về Nhan Hồi:
“Người có năng lực lớn lại thỉnh giáo người có năng lực kém hơn, người có học thức phong phú lại dốc lòng cầu học người thiếu thốn kiến thức hơn, người có học vấn lại giống như ngang bằng với người không có học vấn, người có nhiều kinh nghiệm lại giống như người không có kinh nghiệm gì, khi người khác mạo phạm mình cũng không so đo tính toán. Tôi có một người bạn đúng là người như vậy!”.
Một triết gia cuối thời Hán từng nói:
“Phẩm đức của con người giống như một đồ chứa đựng, nó trống không mới có thể cất vào đồ vật, nếu đầy sẽ không thể để thêm thứ gì vào. Cho nên, một người phải thường xuyên bảo trì tâm khiêm tốn và cung kính, đừng cho rằng mình có tài mà đặt mình lên trên người khác. Phải biết thường nhìn đến ưu điểm của người khác và nhìn vào chỗ thiếu sót của mình, như vậy người khác mới có thể nguyện ý trợ giúp và dạy bảo”.
Học giả nổi tiếng nhà Hán là Lưu Hướng biên soạn cuốn “Thuyết uyển” đã ghi lại một câu chuyệ như sau.
Có một lần, Khổng Tử dẫn các học trò đến miếu thờ Lỗ Hoàn Công làm lễ, nhìn thấy một loại dụng cụ rất kỳ quái nên đã hỏi người quản hương khói. Người quản hương khói nói cho Khổng Tử biết đó là “Y khí” . Vì thế, Khổng Tử đã nhớ đến một câu chuyện xưa có liên quan tới Lỗ Hoàn Công.
Khổng Tử chỉ vào y khí và nói với học trò:
“Y khí khi trống rỗng thì bị nghiêng, nếu rót rượu hoặc nước vào, lúc rót được một nửa thì y khí liền đứng thẳng lên, khi rót đầy thì bị lật. Cho nên, trước đây Lỗ Hoàn Công luôn đặt y khí ở bên phải chỗ ngồi của mình, dùng để cảnh giới bản thân quyết không thể kiêu ngạo tự mãn. Tự cao tự mãn sẽ giống như y khí được đổ đầy nước, nhất định sẽ bị lật ngược”.
Nói xong, Khổng Tử bảo học trò mang nước đến và đổ vào y khí, quả nhiên như lời Khổng Tử giảng.
Khổng Tử cũng giảng: “Ác hữu mãn nhi bất khuynh phúc!”, có thể nào đầy mà không bị lật đổ không .
Đệ tử Tử Lộ lại hỏi có biện pháp nào bảo trì trạng thái “mãn” (đầy) hay không.
Khổng Tử nói với các đệ tử rằng: “Cao nhi năng hạ, mãn nhi năng hư, phú nhi năng kiệm, quý nhi năng ti, trí nhi năng ngu, dũng nhi năng khiếp, biện nhi năng nột, bác nhi năng thiển, minh nhi năng ám”, tức là địa vị ở cao mà có thể như dưới thấp, có đầy đủ nhưng có thể xem như không có gì, giàu có mà có thể tiết kiệm, thân phận cao quý nhưng có thể làm như ở địa vị thấp kém, có trí tuệ nhưng có thể giữ mình giống như ngu khờ, dũng mãnh nhưng có thể giữ mình như nhút nhát, giỏi tranh biện nhưng giữ mình như người ấp úng, học vấn uyên thâm nhưng tự cảm thấy vẫn còn nông cạn, thông suốt rất nhiều sự việc nhưng mà có những lúc làm ra vẻ không biết rõ. Những điều này có thể coi là “Tổn nhi bất cực” , tức là bảo trì được hư không nhất định, chứ không “mãn” đến cùng cực.
Người quân tử tu dưỡng hơn người, trí tuệ hơn người, phẩm hạnh hơn người, nhưng luôn vô tư, không có tư tâm tư dục, không cao ngạo tự mãn, bởi vậy có thể làm được hạ mình, khiêm cung, trong lòng có cả thiên hạ.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Mời xem video :