Trí tuệ cổ nhân: Muốn lập thân cần có ý chí kiên định bất khuất

Chia sẻ Facebook
16/11/2022 14:13:31

Thời cổ đại, lập thân được xem là điều trọng yếu nhất trong cuộc đời của một người, đặc biệt là đối với kẻ sĩ. Người xưa cho rằng muốn lập thân lập nghiệp thì trước tiên cần phải có tư tưởng đúng đắn và bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên định nhẫn nại. 

(Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Trong cuốn sách cổ “Khuyến nhẫn bách châm” viết: “Đặc lập độc hành, sĩ chi đại tiết, tuy vô văn vương, do hưng hào kiệt” . Ý chí của người ta cần phải cao thượng, phải tự có kiến giải của bản thân, không thuận trào lưu, không sống gặp sao hay vậy, đây là khí tiết trọng yếu nên có của kẻ sĩ. Người như vậy nếu sống trong xã hội cao thượng ở thời thượng cổ thì sẽ có được thành tựu đáng kể, nếu không cũng vẫn có thể hăng hái hướng về phía trước để trở thành anh hùng hào kiệt.


Bản lĩnh lập thân của kẻ sĩ thời xưa thể hiện ở sự kiên trì, không dễ dàng bị khuất phục, không nao núng sờn lòng, không kiêu ngạo không siểm nịnh, ý chí kiên định giống như vách đá cao thẳng đứng vạn nhận, giống như “Trung lưu chỉ trụ” – cột đá đứng sừng sững trong dòng nước chảy xiết mà không bị lay động.


Thế nào là “Trung lưu chỉ trụ” ? Trong sách “Yến Tử Xuân Thu” viết rằng ở sông Hoàng Hà có một cột đá, gọi là Chỉ Trụ Sơn. Thời Đại Vũ trị thuỷ, ngọn núi Để Trụ chắn nước, vì vậy Đại Vũ đã xẻ núi để nước sông chảy qua. Nước sông Hoàng Hà phân thành dòng, chảy quanh núi mà thoát đi. Đỉnh núi ở giữa dòng nước, thân núi ngày đêm bị nước sông va đập mạnh vào, cuối cùng trông như cột trụ. Nhưng cái cột trụ ấy vẫn đứng sừng sững ngàn năm không đổ nên được gọi là Chỉ Trụ Sơn. Kẻ sĩ lập thân cần có ý chí như vậy, kiên định độc lập, có thể ở trong hoàn cảnh gian nan rối loạn mà không bị sụp đổ, không bị “nước chảy bèo trôi” .


Trong “Khuyến nhẫn bách châm” cũng viết rằng:


Khốn cùng hay thông đạt đều có thời cơ của nó, được hay mất đều do số mệnh định đoạt. Nếu dựa vào người khác thì sẽ dễ dàng đi sang đường tà, tuân thủ nghiêm ngặt đạo nghĩa mới có thể bảo trì được sự chính trực, trên con đường chính đạo mà tiến về phía trước. Tự mình tu thân mà thượng thiên không chiếu cố là do bởi vận mệnh, thủ giữ đạo nghĩa mà không được người hiểu là do Thiên mệnh định ra. Nguyện ý làm cây tùng cây bách đứng thẳng, không nguyện ý làm cây nữ la bám vào cây tùng cây bách. Cây nữ la mất đi chỗ dựa liền không thể đứng thẳng được nữa, cây tùng cây bách có thể vươn cao ngay cả trong sương giá tuyết lạnh. Cho nên, lập thân lập nghiệp nhất định phải “Nhẫn” .


Sách “Hậu Hán thư” có một câu chuyện nổi tiếng về Phó Nhiếp, một người không bị cám dỗ về lợi ích mà thay đổi ý chí của mình.


Phó Nhiếp tự là Nam Dung, là quan đại thần thời Đông Hán. Sau loạn khăn vàng, Hoàng đế Lưu Hoành lệnh cho Trung Thường Thị Triệu Trung đánh giá công lao của quan tướng trong việc bình định họa loạn. Triệu Trung biết được Phó Nhiếp có công nhưng chưa được phong hầu, nên phái em trai là Triệu Duyên đi bái phỏng Phó Nhiếp.


Triệu Duyên nói với Phó Nhiếp: “Chỉ cần sau này ngài ít quản chuyện của Trung Thường Thị thì cho dù là Vạn hộ hầu cũng không khó phong” .


Bấy giờ vạn hộ hầu là mức phong thưởng rất cao, được được cắt đất, làm chủ quản đối với một khu vực gồm 1 vạn dân. Đứng trước lợi ích, Phó Nhiếp nghiêm túc cự tuyệt. Ông nói: “Chưa được phong hầu cũng bất quá là do vận mệnh. Ta sẽ không lén lút cầu quan.”

Triệu Duyên phẫn nộ ra về. Triệu Trung để chuyện này trong lòng, nhưng lại sợ uy tín của Phó Nhiếp nên không dám làm hại, bèn chuyển Phó Nhiếp làm thái thú quận Hán Dương, Lương Châu.


Sau khi Phó Nhiếp đến nhận chức, bởi vì đồng cảm với bách tính, chăm lo cho bách tính nên những người tộc Khương phản loạn đã bị ông cảm hóa và quy hàng. Dưới sự dẫn dắt của Phó Nhiếp, ở n goài thành, đồng ruộng được mở rộng, hơn bốn mươi doanh trại được dựng lên.

Năm Trung Bình thứ tư (187), Thứ sử Lương Châu là Cảnh Bỉ đã điều động quân binh của sáu quận đi thảo phạt phản quân chiếm cứ quận Kim Thành, Lương Châu. Phó Nhiếp biết Cảnh Bỉ không được lòng dân, xuất binh nhất định sẽ bại nên đã ra sức khuyên can. Cảnh Bỉ không nghe, quả nhiên trong quá trình hành quân thì quân làm phản. Kết quả Cảnh Bỉ bị giết chết.

Quân làm phản nhanh chóng tấn công đến quận Hán Dương. Trong thành binh ít lương thực hết nhưng Phó Nhiếp vẫn thủ vững không ra. Cuối cùng khi không còn cách nào khác, Phó Nhiếp dẫn một số quân ít ỏi ra nghênh chiến và bị chết ở sa trường, hy sinh dũng cảm.


Tin Phó Nhiếp bị chết truyền đến Lạc Dương, Hoàng đế Lưu Hoành thương tiếc, hạ chiếu truy phong thụy hiệu “Tráng Tiết Hầu” cho Phó Nhiếp. Phó Nhiếp được lưu danh sử sách, là một trong những tấm gương mà hậu nhân kính ngưỡng.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Trí tuệ cổ nhân: Nhẫn nhịn trước những điều yêu ghét của bản thân


Mời xem video “‘Liêm’ và ‘sỉ’ trong lý niệm của cổ nhân” :

Chia sẻ Facebook