Trí tuệ cổ nhân: Mình được an vui, vẫn nghĩ đến người khác

Chia sẻ Facebook
11/08/2023 01:48:03

Thành ngữ cổ có câu: "Thôi kỷ cập nhân", tức là bản thân mình an vui rồi, vẫn cần nghĩ đến người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của...


Thành ngữ cổ có câu: “Thôi kỷ cập nhân” (từ mình mà nghĩ đến người khác) tức là bản thân mình an vui rồi, vẫn cần nghĩ về người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà suy nghĩ, lý giải người khác, thông cảm cho người khác. “Nghĩ đến người khác” đã trở thành nguyên tắc đối nhân xử thế hàng đầu của cổ nhân trong hàng ngàn năm.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Trần Hồng Thụ thời Minh, Wikipedia, Public Domain)


Trong cuốn “Yến Tử Xuân Thu” có chép một chuyện như thế này. Vào thời Xuân Thu, có một năm mùa đông trời vô cùng giá rét, ở nước Tề tuyết rơi liên tục trong 3 ngày 3 đêm không ngớt, khiến cho người dân không ai dám đi ra ngoài. Những ai có việc phải ra khỏi nhà đều cảm thấy buồn bã, lo lắng do đường khó đi, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Ai cũng cầu mong cho đợt giá rét ấy nhanh chóng kết thúc.

Ở trong cung, Tề Cảnh Công thân mặc áo lông ung dung ngồi trước cửa sổ ngắm nhìn tuyết rơi. Tề Cảnh Công càng ngắm càng thấy tuyết rơi đẹp, trong lòng chỉ mong tuyết rơi nhiều hơn và lâu hơn.


Vừa hay lúc đó, quan đại phu Yến Tử tới. Tề Cảnh Công vui mừng nói: “Năm nay khí trời thật kỳ lạ, tuyết rơi nhiều ngày mà ta vẫn cảm thấy ấm áp giống như mùa xuân, chẳng có chút gì lạnh cả. Khanh có thấy như vậy không?”


Yến Tử để ý thấy Tề Cảnh Công đang mặc áo lông, trong phòng lại có lò sưởi, liền đáp: “Đại Vương, thần nghe nói minh quân thời cổ đại ‘thôi kỷ cập nhân’ , ăn no sẽ nghĩ đến có người đang chịu đói, khi mặc ấm sẽ nghĩ đến có người đang rét lạnh, khi an nhàn sung sướng cũng nghĩ đến có người đang lao động khổ cực. Quân vương ngài sao lại không biết điều này?”


Tề Cảnh Công giật mình hiểu ra, lập tức hạ lệnh xuất áo ấm, phát lương thực cứu tế dân chúng đang đói rét. Đây chính là nguồn gốc của câu thành ngữ “thôi kỷ cập nhân” (từ mình mà nghĩ đến người khác).


Trong sách “Quỷ Cốc Tử. Phản ứng thiên” viết: “Cố tri chi thủy kỷ, tự tri nhi hậu tri nhân dã”, nếu muốn hiểu biết người khác trước tiên cần phải hiểu mình, hiểu mình rồi thì mới có thể thông cảm lượng thứ cho người khác, lý giải người khác.


Đạo lý “Thôi kỷ cập nhân” cho rằng bản thân có thể sống yên ổn trong thế giới này, thì cần trợ giúp người khác cũng được sống yên ổn trong thế giới này, khiến giữa người với người hình thành một hoàn cảnh tốt đẹp, tâm linh cũng được thăng hoa.


Thư họa gia nổi tiếng thời nhà Thanh, Trịnh Bản Kiều đến già mới có con nên xem con như hòn ngọc quý trên tay, đặt tên là “Tiểu Bảo”. Trịnh Bản Kiều rất yêu thương con nhưng lại không hề nuông chiều. Lúc Trịnh Bản Kiều đến Sơn Đông làm quan đã để con lại nhờ em trai là Trịnh Mặc ở quê nhà chăm sóc, dạy dỗ.


Lúc Tiểu Bảo lên 6 tuổi, đến tuổi đi học rồi nhưng Trịnh Bản Kiều vẫn phải đảm nhận chức quan ở một địa phương khác. Trong một phong thư gửi về cho em trai, Trịnh Bản Kiều đã viết: “ Ta 52 tuổi mới có con, sao có thể không yêu thương con được, nhưng mà thương con cũng phải phù hợp với đạo. Dùng phương thức đúng đắn mà yêu thương con chính là yêu thương thật sự, trái lại thì chính là nuông chiều”.


Trịnh Bản Kiều từ yêu thương con mình đã yêu thương bảo vệ con cái của người hầu, nô bộc trong nhà. Trong thư ông còn dặn dò: “Con cái của nô bộc cũng là con người sống trong trời đất, đều phải yêu thương quý trọng, không được để con của ta bắt nạt lăng nhục chúng. Đồ ăn thức uống như hoa quả, bánh kẹo… đều phải chia đều cho chúng để cho chúng cùng vui vẻ.”

Qua thư, Trịnh Bản Kiều còn nhờ em trai giáo dục Tiểu Bảo trở thành một người trung thành và nhân hậu.


Một người có thể không lấy mình làm trung tâm, có thể đứng ở góc độ của người khác để suy xét cân nhắc, thì đó chính là một người khiêm nhượng và có đức hạnh cao thượng. Cho nên “nghĩ đến người khác” luôn là nguyên tắc mà các bậc hiền nhân thời cổ dùng để nhắc nhở bản thân và cũng để khuyên răn người đời.


Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook