Trí tuệ cổ nhân: Khi thất ý chớ nản chí ngã lòng
Cuộc đời của bất kỳ ai cũng sẽ phải gặp những khổ đau và thất bại, không có khả năng cả đời luôn gió lặng sóng êm. Người thông suốt thay vì nản chí ngã lòng, sẽ coi những khổ nạn mà mình gặp phải trong đời là cơ hội để tôi luyện bản thân, dùng tâm thái tích cực để đối mặt với khốn cảnh, luôn tin rằng sau cơn mưa trời nhất định sẽ sáng.
(Ảnh minh họa: Gyn9037, Shutterstock)
Trong sách “Viên Thị Thế Phạm” của tác giả Viên Thải triều Nam Tống có trình bày những gì ông quan sát và mặc khải được trong cuộc sống. Theo ông, đường đời của một người về cơ bản là tuân theo đạo lý “tiêu trường thịnh suy” , giảm chỗ thừa, bù chỗ thiếu. Bởi vậy hầu như không có người nào được hưởng thụ an nhàn phú quý từ trẻ đến già cả.
Có người khi còn trẻ chịu nhiều vất vả, nhiều lần trải qua khó khăn gian khổ. Như vậy thì phần sau của cuộc đời rất có thể là được dễ chịu hơn một chút, có thể hưởng thụ hơn một chút.
Có người khi còn trẻ đã đỗ đạt hoặc sớm được phong quan tiến chức thì ở tuổi trung niên, con đường sẽ nhấp nhô, không thuận lợi, không được hài lòng toại nguyện. Nhưng người ấy khi đến tuổi lão niên lại trở nên vinh hiển.
Cũng có người từ lúc tuổi trẻ đã đắc ý, đường làm quan thuận lợi, nhưng cuộc sống trong gia đình lại có nỗi ưu sầu, chẳng hạn lo nghĩ về chuyện hôn sự, ưu sầu về chuyện con cháu.
Lại có người khi còn trẻ đã đạt hiển quý, không phải trải qua gian khổ, lại được kế thừa gia nghiệp của cha ông, mọi chuyện đều suôn sẻ, nhưng không sống được trường thọ…
Viên Thải cho rằng tạo hóa an bài vận mệnh con người phần lớn đều là như vậy. “Thiên chi đạo, tổn hữu dư, bổ bất túc” , Đạo của Trời, thừa thì bớt đi, thiếu thì thêm vào, từ đó mà tạo thành sự vừa đủ. Tất nhiên, cũng có một số người từ nhỏ đến già đều được hưởng vinh hoa phú quý, Viên Thải cho rằng đó là kiểu người có phúc phận rất lớn. Nhưng kiểu người này vô cùng hiếm, trong ngàn vạn người mới có một người như vậy mà thôi.
Trong cuộc sống, người vô minh thường dùng hết tâm tư, tính toán trăm phương ngàn kế chỉ để mong muốn không phải trải qua lao động vất vả, cực khổ mà được hưởng thụ nhiều hơn. Họ kỳ thực là những người không hiểu đạo lý. Không ít người còn dùng bất chấp đạo nghĩa với mong muốn không phải trải qua cực khổ, một bước giàu sang. Kết quả cuối cùng chính là “người tính không bằng Trời tính” , đi ngược thiên lý, không những không tạo được phúc mà còn đem lại tai ương cho chính bản thân và con cháu mình.
Bởi vậy cổ nhân khuyên rằng khi gặp lúc đắc ý không cần ngạo mạn tự đắc, khi gặp lúc thất ý không cần nản chí ngã lòng, bởi vì mọi sự đều sẽ có chuyển biến. Nhân sinh, họa phúc luân chuyển, trong cay đắng có ngọt bùi, nên dùng tâm thản nhiên đối mặt với được mất, tin tưởng rằng khi mưa gió qua đi thì cầu vồng rực rỡ nhất định sẽ xuất hiện.
Đặc biệt trong khó khăn, khổ nạn gặp phải, thay vì oán trời trách đất, phóng túng sa ngã, xảo trá, mưu kế, thì một người cần lập chí học tập, tu dưỡng đạo đức, chờ đợi và nắm chắc cơ hội mới. Người như vậy ắt sẽ thành công.
Trong lịch sử, một minh chứng cho những quan sát của Viên Thải chính là số phận ba người con của Tấn Hiến Công được ghi chép trong Sử Ký Tư Mã Thiên.
Vua nước Tấn là Tấn Hiến Công có ba người con, trong đó tài giỏi và đức hạnh nhất là Cơ Trùng Nhĩ, thứ đến là công tử Cơ Di Ngô và Cơ Thân Sinh. Mẹ của Thân Sinh là con gái vua Tề Hoàn Công, bá chủ chư hầu đương thời, nên được phong làm chính thất. Thân Sinh tuy là con trai thứ ba nhưng lại là đích tử, nên khi cha vừa lên ngôi đã được sắc phong thái tử.
Năm 672, Tấn Hiến Công đánh bộ tộc người Nhung, bắt được hai người con gái là Ly Cơ và Thiếu Cơ. Bởi vì mẹ Thân Sinh đã qua đời, Tấn Hiến công sủng ái cả hai chị em Ly Cơ. Ông muốn phong Hề Tề, con trai do Ly Cơ sinh làm thái tử, nên đã giết chết thái tử Thân Sinh. Thái tử chết, hai người con còn lại của Tấn Hiến Công đều cảm thấy nguy hiểm nên đã chạy trốn tới nước chư hầu khác lánh nạn.
Sau khi Tấn Hiến Công qua đời, nước Tấn xảy ra nội loạn. Công tử Di Ngô trở về nước đoạt được ngôi vị, lên làm vua nước Tấn. Ở nước Tấn, Trùng Nhĩ là một công tử có tài năng và uy tín nên nhiều đại thần văn võ tinh anh đều nguyện ý đi theo ông. Di Ngô e sợ Trùng Nhĩ và muốn giết đi, khiến Trùng Nhĩ phải chạy trốn khắp nơi.
Sau 19 năm lưu lạc, Trùng Nhĩ trải qua vô vàn gian khổ nguy hiểm, không được ăn no, áo quần rách rưới. Trong lúc lưu vong, Trùng Nhĩ từng đến nước Vệ. Bởi vua nước Vệ là Vệ Văn Công không tiếp đãi ông, nên ông đã rời đi. Khi đến địa phận Ngũ Lộc, Trùng Nhĩ đói quá phải vào nhà dân xin ăn. Người dân nhìn thấy bộ dạng đói rách bèn sỉ nhục ông bằng cách cho ông một khối đất để ăn. Trùng Nhĩ bái tạ thôn dân rồi đem khối đất lên xe chở đến nước Tề.
Trải qua 19 năm, lưu lạc ở 8 nước chư hầu, cho đến năm 62 tuổi, Trùng Nhĩ mới trở về đăng cơ. Sau khi lên ngôi, Trùng Nhĩ chăm lo việc nước, làm cho nước Tấn nhanh chóng trở nên hùng mạnh. Sau khi chiến thắng trận Thành Bộc, Tấn Văn Công Trùng Nhĩ chính thức trở thành bá chủ Trung Nguyên. Tấn Văn Công cùng với Tề Hoàn Công là hai vị bá chủ thường có trong các danh sách Ngũ bá thời Xuân Thu. Cũng chỉ có 2 vị quân chủ này mới chính thức được thiên tử nhà Chu công nhận và tổ chức nghi lễ thụ phong.
Tấn Văn Công hơn nửa cuộc đời sống trong cảnh lưu vong khổ cực, bị nhiều nước chư hầu từ chối, thậm chí bị cả người dân thường làm cho nhục nhã. Vậy mà ông không nản chí ngã lòng, đến khi tuổi cao lại đăng cơ làm quân vương, trở thành một vị bá chủ lưu danh thiên cổ.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xưa nay, nam nhân hùng tài đại lược đều là người trải qua nhiều ma nạn
Mời xem video :