Trí tuệ cổ nhân: Hết thảy phúc họa đều không phải ngẫu nhiên
Rất nhiều người coi phúc họa mà mình gặp phải là ngẫu nhiên mà không biết rằng vạn sự vạn vật trong thế gian đều không tránh khỏi thiên lý...
Trong cuộc sống ngày nay, rất nhiều người coi phúc họa mà mình gặp phải là ngẫu nhiên mà không biết rằng vạn sự vạn vật trong thế gian đều không tránh khỏi thiên lý nhân quả báo ứng. Bởi vậy mặc dù Đạo giáo, Nho giáo hay Phật giáo trong văn hóa truyền thống có khởi nguyên bất đồng nhưng đều có chung một điểm là khuyến thiện. Hành thiện tích đức, thăng hoa đạo đức, những điều này tự nhiên sẽ mang đến phúc báo, mang đến thiện quả, có thể nói là không cầu mà tự được.
Trong “Đạo Đức Kinh” , Lão Tử viết: “ Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân” , ý nói rằng Đạo Trời là công bằng, không thiên vị bất kỳ ai, nhưng thường hay giúp đỡ những người hành thiện. Nói “Thiên đạo vô thân” chính là bởi vì Thiên đạo không chỗ nào không bao hàm, đối xử công bằng bình đẳng với vạn vật nơi thế gian. “Thường dữ thiện nhân” là bởi vì người lương thiện là người tạo phúc cho chúng sinh, ban ơn cho bản thân, là phù hợp với Đạo thì tự nhiên sẽ thuận lợi, giống như nhận được sự bảo hộ, ưu ái của Thiên đạo. Chiếu theo đó mà suy tiếp, làm việc ác thì tất nhiên họa sẽ tới, phúc sẽ rời đi.
Thiên đạo là không thiên vị, đối xử bình đẳng với vạn vật, làm hay không làm một người tốt là hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Mỗi một hành vi của bản thân một người sẽ quyết định phúc báo của người ấy. Phẩm chất cao hay thấp của nội tâm một người sẽ quyết định đường đời của người ấy là rộng hay hẹp. Phật gia giảng “ tích đức”, “hành thiện tích đức”, cũng chính là dạy con người làm người hiểu được nguồn gốc của phúc họa trong cuộc đời.
Trong dân gian ghi chép, có rất nhiều trường hợp làm việc thiện mà có được phúc báo, tránh được tai họa. Sách cổ chép rằng vào niên đại 60, tại Bình Nguyên, Hoài Bắc đã xuất sinh được một vị lương y họ Cổ. Ông có y đức cao thượng, y thuật tinh xảo, khi chữa bệnh thường dùng “nhân quả” để giáo hóa người bệnh khiến cho thể xác và tinh thần của bệnh nhân đều cải thiện. Vì vậy, người dân trong vùng gọi ông là “Cổ thiện nhân” . Mỗi khi gặp bệnh nhân nghèo, ông chẳng những chữa bệnh không lấy đồng nào mà còn giúp đỡ họ.
Có một lần, trong thôn có một bà lão tuổi già, cơ thể suy yếu nên bị bệnh nặng. Vị lương y thấy hoàn cảnh gia đình bà quá nghèo, nên ông không chỉ không thu tiền chữa trị mà còn lấy 60 đồng trong túi áo của mình lặng lẽ đặt vào trong chiếc giày của bà lão. Sau khi ông rời đi, người con trai của bà lão phát hiện ra số tiền 20 đồng mà chị để ở dưới gối đã “không cánh mà bay”. Người con trai này cho rằng vị lương y nọ là người đã lấy trộm tiền, thế là anh ta chạy theo để hỏi xem có đúng là ông đã lấy trộm không.
Vị lương y nghe xong, liền thừa nhận mình đã lấy 20 đồng, rồi lấy trong tủ ra 20 đồng và đưa cho người con trai của bà lão. Anh ta nhận tiền xong còn chửi mắng, đồng thời đánh ông mấy cái. Sau khi trở về nhà, anh ta mới biết rằng số tiền 20 đồng kia là do chị gái mình đã lấy cất đi.
Con trai bà lão vừa nghe xong đã vội vàng trở lại nhà lương y, quỳ xuống xin lỗi và hỏi ông một cách khó hiểu: “Thưa tiên sinh, ông không lấy trộm tiền của nhà tôi, tại sao ông lại nhận?”
Người thầy thuốc nghe xong liền trả lời: “Mẹ của cậu bị bệnh nặng không thể tức giận. Nếu như cậu không tìm được tiền mà để lộ cho bà, bà ấy sẽ sốt ruột lo lắng mà nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ cần bà ấy khỏe mạnh, ta thừa nhận mình lấy chút tiền ấy cũng được. Ta tin rằng chân tướng của chuyện này sớm muộn gì mọi người cũng sẽ biết rõ. Nếu như ta có thể chịu nhục một chút, đổi lại mẹ của cậu được khỏe mạnh thì cũng là xứng đáng thôi”.
Sau khi nghe xong những lời này, người con trai cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Một hôm khác, có một cô gái ở thôn bên kia sông đến cầu xin vị lương y tới chữa bệnh cho mẹ. Khi lương y cùng cô gái này đi tới bờ sông để lên thuyền thì thuyền đã đông người. Vị lương y vừa bước chân lên thuyền thì người chèo thuyền lại bảo ông xuống. Những người trên thuyền thấy vậy đều nhao nhao yêu cầu người chèo thuyền cho thầy thuốc qua sông nhưng người chèo thuyền vẫn không đồng ý. Cô gái thấy vậy liền quỳ xuống trước mặt người chèo thuyền vừa khóc vừa cầu xin.
Người chèo thuyền vẫn không đồng ý, lương y không có cách nào liền nói: “Được rồi! Mọi người cứ qua sông trước, ta sẽ đợi chuyến sau!” Người chèo thuyền nói: “Ông có chờ đến đêm tôi cũng không chở ông qua sông.” Mọi người thấy quá lạ bèn hỏi người chèo thuyền: “Rốt cuộc là vì sao mà ông lại không chở lương y qua sông?” Người chèo thuyền im lặng không nói lời nào.
Vị lương y và cô gái đành phải đứng trên bờ nhìn đoàn người qua sông mà than thở. Không ngờ, ngay khi đoàn thuyền vừa đến giữa dòng sông thì bị một cơn lốc xoáy lớn làm chiếc thuyền chao đảo rồi lật, khiến mọi người đều rơi xuống sông, rất nhiều người đã không may bị nước cuốn đi.
Người chèo thuyền bơi được lên bờ rồi mới cho vị lương y và cô gái nghe:
Đêm hôm qua tôi đã gặp ba giấc mộng. Khi tôi vừa nằm xuống thì thổ địa nói với tôi: “Ngày mai, nếu lương y Cổ qua sông thì đừng chở ông ấy!” Đến nửa đêm, Hà Bá lại nói với tôi rằng: “Ngày mai, nếu lương y Cổ qua sông thì đừng chở ông ấy!” Đến khi trời tờ mờ sáng thì Quan Thế Âm Bồ Tát lại nói với tôi câu y như vậy. Cho nên, tôi đã không dám chở ông qua sông nhưng cũng không biết giải thích thế nào cho mọi người. Đến bây giờ thì tôi mới hiểu, tất cả đều là “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.
Ngày nay có nhiều người không tin vào nhân quả, thường đặt ra câu hỏi: Vì sao kẻ này kẻ kia làm ác mà chưa bị trừng phạt, mà vẫn sống tốt như thế? Kỳ thực nếu có tâm theo dõi đường đời của một người thì sẽ nhận ra được, nếu thực sự tìm hiểu một dòng họ trong vài đời thì tất sẽ thấy sự biểu hiện của những giá trị phổ quát mà cổ nhân giảng như nhân quả báo ứng, âm đức phúc họa.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Mời xem video :