Trí tuệ cổ nhân: Hai tấm gương sống “an bần lạc đạo”

Chia sẻ Facebook
23/03/2023 10:21:04

Trình Hạo và Trình Di đều học tập không ngừng, cả đời sống an bần lạc đạo, yên lòng với nghèo khó, giữ gìn đức hạnh cao quý của mình.


Cổ ngữ nói: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi trữ tĩnh vô dĩ trí viễn”, không màng danh lợi mới có thể có được những lý tưởng cao cả, không an tịnh trong tâm thì không thể nghĩ và nhìn xa được. Trong lịch sử có rất nhiều người đạo đức cao thượng đều là những người thực hành chân lý và đạo nghĩa, là những tấm gương tu dưỡng bản thân. Họ xem nhẹ giàu có và danh tiếng, cũng xem nhẹ bần cùng, nhưng họ cũng có niềm vui riêng trong cảnh giới của mình . Suốt cuộc đời họ đều không ngừng tu bỏ đi các loại dục vọng và những chấp nhất của con người, bảo trì một nội tâm tường hòa, sung túc và mãn nguyện. Niềm hạnh phúc của họ chính là sự minh tỏ về chân lý của vũ trụ và ý nghĩa của cuộc sống, đó chính là cảnh giới tinh thần “an bần lạc đạo” mà rất nhiều người xưa đều theo đuổi. Vô luận là bản thân ở vào hoàn cảnh nào cũng đều kiên trì đạo nghĩa, thủ vững sự cao quý trong sâu thẳm tâm linh, không bao giờ ngừng nghỉ.

(Tranh: Họa sĩ Thạch Đào, thời Minh – Thanh, Wikipedia, Public Domain)

Hai anh em trai Trình Hạo và Trình Di là hai học giả nổi tiếng của triều đại Bắc Tống. Dù hai anh em trải qua cuộc sống khác nhau nhưng cả hai đều học tập không ngừng nghỉ cả đời, đều sống an bần lạc đạo, yên lòng với nghèo khó, giữ gìn đức hạnh cao quý của mình.


Trình Hạo làm quan ở nhiều địa phương khác nhau. Ông viết: “ Chăm sóc dân chúng như chăm sóc bệnh nhân ” và xem đó là một phương châm để nhắc nhở bản thân mình. Ông cũng nhiều lần từ chối quà tặng, kể cả hàng trăm cuộn tơ lụa của tể tướng Lữ Đại Phong. Ông đã nói rằng không phải chỉ ông là một người nghèo: “ Có rất nhiều người nghèo trong thiên hạ”. Sau khi hoàn thành công việc quan phủ, ông luôn luôn về dạy dỗ các học trò của mình.


Trình Di từng dạy học cho Hoàng đế. Ông đã đề xuất với Hoàng đế Tống Triết Tông rằng một người cao quý nên chú ý đến: “ Hàm dưỡng tính cách và tu dưỡng đạo đức của mình ”. Ông thích gần gũi với những người có phẩm hạnh cao quý và dám đưa ra lời khuyên cho Hoàng đế.


Tất cả những điều đó cho thấy rằng hai anh em Trình Hạo và Trình Di không quan tâm đến sự nghèo khó hay chức vị của bản thân, cũng không buồn khổ hay chán nản vì điều đó. Về sau, cải hai vì không được lòng những người quyền cao chức trọng mà đã treo ấn từ quan trở về quê nhà.


Ở cả phương diện học tập, làm việc và làm người…, Trình Hạo và Trình Di đều đã thể hiện ra một phong thái đạo đức cao thượng. Họ cho rằng mục đích quan trọng của giáo dục là làm cho người được giáo dục tuân theo Thiên lý, trở thành những con người thiện lương, yêu thương người và tuân thủ nghiêm ngặt cương thường . Mặc dù cả hai sống cuộc sống rau dưa, thường xuyên không đủ ăn nhưng họ không bao giờ ngừng việc dạy học.


Đức tính cao quý, danh tiếng và tiết tháo của Trình Hạo và Trình Di đã được lưu truyền rộng rãi. Nhiều người vì thế đều tới xin làm học trò, thậm chí từ ngàn dặm xa xôi cũng không ngại đến. Điển cố “ Trình Môn Lập Tuyết ” kể rằng học trò đến xin học, vì không dám làm kinh động, cứ đứng ngoài cửa đợi cho đến khi Trình Di thức giấc, tuyết rơi dày cả xích. Điển cố “ Như Mộc Xuân Phong ” lại truyền lưu việc các học trò của Trình Hạo nghe thầy giảng mà cảm thấy như được tắm trong một làn gió mùa xuân.


Hai anh em họ Trình đã sáng tác rất nhiều tác phẩm. Họ từng kể lại: “Trước đây, chúng tôi theo học thầy Chu Đôn Di. Thầy thường xuyên dạy tìm kiếm điều mà Khổng Tử và Nhan Hồi đã bằng lòng, tìm kiếm điều gì khiến họ cảm thấy hạnh phúc ”. Anh em họ Trình cho rằng tâm linh đắc đạo và cảnh giới thiên nhân hợp nhất chính là điều khiến tinh thần vui vẻ nhất.


Trình Di viết rằng: “ Thiên đạo và Thiên lý là cội nguồn sáng tạo ra tất cả mọi sự vật trên thế gian. Chúng ở trong mọi sự vật và cũng bao hàm mọi sự vật. Vạn sự vạn vật đều có quy luật của nó. Tại sao bầu trời lại ở trên cao, tại sao đất lại ở dưới thấp, tại sao mọi sự vật lại tồn tại một cách tự nhiên, tất cả đều có lý của nó .” “ Bậc thánh nhân tuân theo Thiên lý và mong muốn tất cả sự sống đều đi theo như vậy ”.


Trình Hạo viết trong bài thơ “Thu nhật ngẫu hành” của mình như vậy:


Vạn vật tĩnh quan giai tự đắc,
Tứ thì giai hưng dữ nhân đồng.
Đạo thông thiên đích hữu hình ngoại,
Tư nhập phong vân biến thái trung.

Dịch nghĩa:


Tĩnh lặng mà nhìn thì thấy vạn vật đều vui vẻ với phận của mình.
Bốn mùa thay đổi cũng như người.
Đạo khi đã thông thiên địa thì không còn hình nữa.
Tâm linh hòa vào với gió mây thì sẽ thấy được sự biến hóa trong hình thái vạn vật.

Bài thơ thể hiện Trình Hạo đã hiểu rõ được sự trang nghiêm và siêu thường của Đạo. Niềm vui của ông nằm trong sự hiểu biết liên thông với tinh thần của Trời và Đất, thậm chí là liên thông với cái tâm của vô lượng chúng sinh, thông với vạn sự vạn vật của vũ trụ.


Trình Hạo cũng viết trong bài thơ “Thu nguyệt” :


Cách đoạn hồng trần tam thập lí,
Bạch vân hồng diệp lưỡng du du.

Tạm dịch:


Cách xa hồng trần ba mươi dặm,
Mây trắng lá đỏ thong thả bay.


Hay trong bài “Du nguyệt pha” , ông viết:


Thủy tâm vân ảnh nhàn tương chiếu,
Lâm hạ tuyền thanh tĩnh tự lai.

Tạm dịch:


Sâu trong lòng nước áng mây chiếu,
Suối trong rừng sâu tĩnh lặng trôi.

Những câu thơ này đều diễn tả sự tĩnh lặng trong tâm, sự thờ ơ với danh lợi, và sự ung dung tự tại của Trình Hạo.


Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Vì sao cổ nhân sống an bần mà vẫn khoái hoạt?


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook