Trí tuệ cổ nhân: Giàu có càng cần giữ gìn lễ nghĩa

Chia sẻ Facebook
04/07/2022 18:20:37

Những điển cố lịch sử nêu trên đều cho thấy hiệu quả phi thường lớn của việc thi hành lễ nghĩa. Người giàu có nên gìn giữ nó, đừng đánh mất nó. Bởi vì giàu có mà bất nhân bất nghĩa thì sẽ tự rước lấy tai họa, còn giàu có mà nhân nghĩa lễ độ thì sẽ gìn giữ được cơ nghiệp, bản thân và gia đình đều an ổn dài lâu.


Người xưa dạy rằng, nhân nghĩa đủ đầy giúp tăng phúc phận và tiêu trừ tai họa, lễ nghĩa vẹn toàn sẽ vun đắp cho sự thành công và ngăn ngừa suy bại. Bởi vậy, một cá nhân, một gia đình hay một đất nước muốn duy trì sự hưng thịnh, sung túc lâu dài thì nhất định phải giữ gìn lễ nghĩa.

(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan, Public Domain)


Trong cuốn ‘Khuyến nhẫn bách châm’ , tác giả Hứa Danh Khuê triều nhà Nguyên viết rằng: “Phú nhi hảo lễ, Khổng Tử sở hối; vi phú bất nhân, Mạnh Tử sở giới” . Ý nói rằng, giàu có cũng cần phải giữ gìn lễ nghĩa, đây là điều Khổng Tử răn dạy. Còn giàu có mà bất nhân bất nghĩa là điều mà Mạnh Tử cảnh tỉnh con người không nên làm.

Xã hội hiện đại có không ít người cho rằng tiền tài giàu có là đại biểu cho sức mạnh, có thể sở hữu được cả thế giới này, thậm chí còn có thể sai khiến được ma quỷ. Kỳ thực không phải như vậy. Giàu có mà không có nhân đức và lễ nghĩa thì tiền bạc của họ sẽ trở thành mồi dẫn lửa tự thiêu thân, tự chuốc lấy tai họa. Hơn nữa, Phật gia cho rằng tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, khi sinh không mang theo đến, khi chết không mang theo đi, do đó cần phải xem nhẹ một chút. Người xem trọng tiền bạc cứ nghĩ rằng mình sở hữu tiền tài, mà không nghĩ rằng bản thân đã trở thành nô lệ cho nó.


Trong sách “Luận ngữ” chép chuyện Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Như thế nào mới có thể giàu có mà không ngang ngược kiêu ngạo?” Khổng Tử trả lời: “Vậy thì khi giàu có cần phải yêu thích lễ nghĩa”.

Một người trở nên giàu có mà không ngang ngược tự phụ là tốt, nhưng vẫn không bằng người giàu có mà ưa thích lễ nghĩa.


Mạnh Tử trích lời của Dương Hổ, thuộc hạ của nhà Quý Thị nước Lỗ nói với Đằng Văn Công rằng: “Làm giàu thì không thể hành nhân, hành nhân thì không thể giàu có” . Ý của Mạnh Tử là thực hành lòng nhân từ sẽ thuận theo thiên lý, còn đại đa số người muốn giàu có sẽ phóng túng dục vọng của bản thân. Thiên lý và dục vọng của con người, hai phương diện này là không thể song hành. Mạnh Tử lo lắng Đằng Văn Công sẽ phóng túng dục vọng của bản thân mà đánh mất thiên lý, nên đã trích dẫn những lời này để cảnh tỉnh.


Nhân nghĩa đầy đủ sẽ giúp một người có thêm phúc phận và tiêu trừ tai họa. Trong “Tân tự tạp sự tứ” của tác giả Lưu Hương có chép lại chuyện Tống Cảnh Công kéo dài dương thọ nhờ lòng nhân nghĩa của mình.


Vào thời Xuân Thu, khi Tống Cảnh Công làm vua nước Tống, năm thứ 37 xuất hiện thiên tượng báo điềm bất thường.  Tống Cảnh Công lo sợ đã gọi Tử Vi tới hỏi 3 lần, lần nào ông cũng tự trách về những lỗi lầm của mình, không muốn hoán đổi cái đau khổ của mình cho bách tính hay cho vị quan đại thần nào khác. Cuối cùng, Tử Vi nói: “Ngài đã nói lời nhân từ 3 lần, Trời cao nhất định sẽ khen thưởng ngài 3 lần. Ngôi sao trên bầu trời đêm nhất định sẽ chuyển đổi vị trí 3 lần và tuổi thọ của ngài có thể tăng lên 21 năm” .

Đêm hôm đó, tinh tượng quả nhiên đã dịch chuyển ba lần đúng như Tử Vi nói. Mọi người cho rằng Tống Cảnh Công vì sinh thiện niệm, đức hạnh cảm động Trời cao mà tránh được đại nạn.


Trong cuốn “Luận hành. Phi hàn” của Vương Sung có viết rằng: “Một quốc gia có thể tồn tại được là nhờ vào lễ nghĩa.” Ví như chuyện của Ngụy Văn Hầu vậy.

Bấy giờ có một người tên là Đoàn Kiền Mộc dù có tài nhưng không tham quyền lực và tiền bạc. Ngụy Văn Hầu rất kính trọng ông ta. Mỗi khi ngồi xe đi qua nơi Đoàn Kiền Mộc ở thì Ngụy Văn Hầu đều cúi đầu để tỏ lòng kính trọng ông. Đội quân nước Tần nghe được câu chuyện lễ nghĩa này của Ngụy Văn Hầu thì liền không dám đánh vào nước Ngụy.


Người xưa còn nói: “Đức hạnh của Nho sĩ là tôn trọng lễ nghĩa”. Ngụy Văn Hầu ngồi xe qua nhà Đoàn Kiến Mộc cũng hành lễ, nhờ vậy mà đã đẩy lui được quân đội hùng mạnh của nước Tần, bảo toàn vùng đất của nước Ngụy. Đạt được điều này là bởi Đoàn Kiến Mộc tài đức, còn Ngụy Văn Hầu có lễ nghĩa cao thượng.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Người thiếu lễ nghĩa sẽ ngang ngược, xã hội thiếu lễ nghi sẽ rối ren


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook