Trí tuệ cổ nhân: Ghen ghét đố kỵ là ác tâm phải bỏ

Chia sẻ Facebook
17/05/2023 09:27:37

Tâm đố kỵ ghen ghét thực sự là hại người hại mình. Người có tâm này khi sống cùng người khác mà thấy người khác hơn mình thì canh cánh...


Cổ ngữ có câu: “Thấy người khác được thì giống như mình được, thấy người khác mất thì giống như bản thân mình mất, người mà trong tâm có ý niệm này thì Trời tất sẽ bảo hộ”. Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những người có tâm ghen ghét đố kỵ rất lớn. Những người này khi thấy người khác được gì thì buồn rầu, phiền não giống như bản thân mất đi thứ gì, còn khi thấy người khác mất mát thì lại vui mừng như chính bản thân mình được vậy. Kỳ thực, cách suy nghĩ này là một trong những ác tâm xấu nhất, cần phải buông bỏ, vì hậu quả mà nó đem lại rất có thể chính là “hại người hại mình”.

Tâm đố kỵ ghen ghét thực sự là hại người hại mình. Người có tâm này khi sống cùng người khác mà thấy người khác hơn mình thì canh cánh trong tâm, tâm lý mất đi sự cân bằng. Một số người đố kỵ đến mức luôn tìm cách để gây trở ngại, làm tổn hại cho người khác. Thậm chí, có người bởi vì thế mà sinh ra ác niệm, ác sự, mưu hại người khác. Khi tật đố không chịu được thì người đó sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, hại người, đồng thời định sẵn kết cục thảm hại cho bản thân mình.

Một người chỉ biết ghen ghét đố kỵ với thành công của người khác, khi người khác gặp họa thì mừng thầm trong lòng, vậy làm sao có thể sống hòa thuận cùng người khác, huống chi đến hợp tác, cộng sự đây?


Trong cuốn “Đình huấn cách ngôn” , Hoàng đế Khang Hy triều nhà Thanh viết: “Trong đối nhân xử thế, người ta cần phải thấy người khác đắc được gì thì nên sinh tâm vui mừng, khi thấy người khác bị mất mát gì thì nên sinh tâm thương cảm. Đây đều là điều tốt nên làm. Ghen ghét đố kỵ trước những thứ người khác đạt được, vui mừng trước thất bại của người khác, đều là những tâm xấu, tâm ác.”


Cổ nhân thường nói: “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lí vô thì mạc cường cầu” , tức là trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu. Khi thấy người khác được một điều gì đó mà bản thân không có, đừng bởi vậy mà bất bình tức giận. Một người cần cố gắng tu dưỡng tâm tính, hành thiện tích đức tất sẽ có thiện báo. Vì được mất của bản thân mà sinh tâm bất bình, làm việc ác, như vậy có đáng không?


Cổ nhân thường khuyên bảo con người khi đối nhân xử thế phải có tấm lòng khoan dung. “Vui với niềm vui của người khác, buồn với nỗi buồn của người khác” , xem được mất của người như được mất của mình, đó mới là điều mà cổ nhân khuyên nên làm. Tinh lực của con người là có giới hạn, thay vì ghen tị với người khác, hãy dùng chút tinh lực hữu hạn của mình tập trung làm những điều bản thân mong muốn. Như vậy vừa mở ra một bầu trời mới cho bản thân, vừa sống được thản đãng, tự tại.

Trong lịch sử nước ta cũng có rất nhiều bài học về tâm đố kỵ, ví như câu chuyện Kiều Công Tiễn ghen tức với Ngô Quyền.

(Tranh dân gian: Chiến thắng sông Bạch Đằng lần thứ nhất)

Năm 923, Dương Đình Nghệ được nhà Nam Hán cho giữ chức Thứ sử Giao Châu, nhưng ông vẫn muốn khởi nghĩa nhằm giữ quyền tự chủ cho dân tộc mình. Ông chọn tìm được 3.000 hào trưởng cũng như các bậc tuấn kiệt đứng dưới cờ nghĩa của mình và gọi họ là giả tử, tức con nuôi.

Trong những người dưới trướng Dương Đình Nghệ thì nổi bật nhất là Kiều Công Tiễn và Ngô Quyền. Kiều Công Tiễn là hào trưởng đất Phong Châu, tức Phú Thọ ngày nay. Còn Ngô Quyền thì là con của ông Ngô Mân – Hào Trưởng đất Đường Lâm, tức Ba Vì ngày nay.

Dù cả Kiều Công Tiễn và Ngô Quyền đều là nhân tài, nhưng tính cách của họ lại rất trái ngược nhau. Trong khi Ngô Quyền là người hiền, thì Kiều Công Tiễn lại thiếu lòng nhân, cũng có tâm đố kỵ ghen ghét mạnh mẽ.

Ngô Quyền được coi là người Dương Đình Nghệ tin yêu nhất. Nên dù biết Ngô Quyền đã có vợ, Dương Đình Nghệ vẫn gả con gái yêu là Dương Như Ngọc cho Ngô Quyền.

Năm 931, Dương Đình Nghệ kéo quân tiến đánh thành Đại La, quân Nam Hán thua to phải chạy về nước. Dương Đình Nghệ xưng là Tiết độ sứ, giao cho các tướng lĩnh trấn giữ cai quản các nơi. Ngô Quyền được giao cai quản Ái Châu, còn Kiều Công Tiễn ở lại bên Dương Đình Nghệ.

Kiều Công Tiễn cảm thấy mình không được tin dùng bằng Ngô Quyền, tâm đố kỵ và ghen ghét nổi lên. Vào tháng 3/937, Kiều Công Tiễn đã ra tay sát hại bố nuôi Dương Đình Nghệ nhằm cướp đoạt quyền lực. Kiều Công Tiễn chiếm thành Đại La, nhiều công thần phản đối liền bị Công Tiễn giết hại.

Từ Ái Châu, Ngô Quyền cùng vợ để tang cha, rồi cùng em vợ là Dương Tam Kha tiến quân đến Đại La hỏi tội nghịch tặc Công Tiễn. Quân đi đến đâu hào trưởng ở các nơi đều ủng hộ đến đó, khiến quân của Ngô Quyền ngày càng đông và mạnh hơn.

Kiều Công Tiễn ở Đại La nghe tin thì vô cùng hoảng sợ, biết mình không thể chống được Ngô Quyền, bèn sai người mang vàng bạc, châu báu sang nhờ quân Nam Hán cứu viện.

Tháng 11 năm 938, Ngô Quyền tập hợp quân các nơi được 5 vạn binh, thần tốc tiến đến bao vây thành Đại La, cho người kêu gọi Kiều Công Tiễn đầu hàng. Nhận được tin tức tiếp ứng, nhiều võ quan và binh sĩ nổi loạn, Ngô Quyền đột phá cổng thành, bắt Kiều Công Tiễn. Quân Nam Hán chưa kịp tới thì Công Tiễn đã bị xử tử, kết thúc số phận của kẻ luôn ganh tỵ với người khác, dùng thủ đoạn để chiếm đoạt quyền lực.


Dẹp xong phản loạn, Ngô Quyền lãnh đạo ba quân đón đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cho quân tiếp chiến với quân Nam Hán rồi giả thua rút chạy. Quân Nam Hán thừa thắng đuổi theo rồi rơi vào bãi cọc nhọn cắm sẵn trên sông, các thuyền lớn bị đâm vào cọc nhọn đều tan vỡ. Lúc này phục binh của quân Việt cũng tiến đánh khiến quân Nam Hán thiệt hại vô số, hoàng tử Hoằng Thao cũng bị chết trong trận này .


Từ câu chuyện của Kiều Công Tiễn, có thể thấy được sự đáng sợ của tâm ghen ghét đố kỵ. Kiều Công Tiễn vì tật đố mà giết Dương Đình Nghệ, rồi lại “rước giặc vào nhà” , khiến đất nước đứng trước nguy cơ tiếp tục bị phương Bắc xâm chiếm. Đây chính là “hại người hại mình” , lại suýt chút nữa thì hại cả Giang Sơn vậy.


An Hòa biên tập

“Xã Tắc” trong “Giang Sơn Xã Tắc” mang hàm ý gì?

Mời xem video: Vì sao hành thiện nhưng không được phúc báo?

Chia sẻ Facebook