Trí tuệ cổ nhân: Đức không xứng với địa vị, tất có tai ương

Chia sẻ Facebook
30/10/2022 08:13:45

Cổ nhân giảng, luân thường mà đảo lộn lập tức sẽ thấy tiêu vong. Đức mà không tưng xứng với địa vị tất sẽ có tai ương ngay trước mắt.


Nhiều người thời nay theo đuổi danh lợi mà chẳng tiếc mọi giá, vì để kiếm tiền mà chẳng tiếc mọi thủ đoạn, hoàn toàn không để tâm gì về đạo đức, kết quả là như thế nào? Chính là như lời cổ nhân dạy: Làm trái với luân thường đại đạo thì sẽ nhanh chóng nhìn thấy sự tiêu vong; đức chẳng tương xứng với địa vị của mình thì chắc chắn sẽ có tai ương.

(Ảnh: Joshua Davenport, Shutterstock)


“Làm trái với luân thường đại đạo thì sẽ nhanh chóng nhìn thấy sự tiêu vong; đức chẳng tương xứng với địa vị của mình thì chắc chắn sẽ có tai ương.” là câu nói được ghi chép trong “Chu Tử trị gia cách ngôn”. Nguyên văn là: “Luân thường quai suyễn, lập kiến tiêu vong. Đức bất phối vị, tất hữu tai ương”.


“Đức bất phối vị, tất hữu tai ương” ý nói một người có địa vị xã hội và đãi ngộ phải tương xứng với đức hạnh, phúc báo của bản thân. Nếu một người làm việc vi phạm quy luật này thì sẽ gặp báo ứng. Câu châm ngôn muốn khuyên răn mọi người phải lấy các giá trị phổ quát làm đầu, phải làm người trước, làm việc sau: Giữa người với người, người với xã hội là có nghĩa; Giữa con cái với cha mẹ là có hiếu; Giữa vợ chồng là có ân tình; Giữa lớn bé là có thứ tự; Giữa bạn bè là có thành tín.


Hết thảy mọi thứ, tài phú của cải, trí tuệ… của chúng ta, cổ nhân gọi chung là “vật”. Mà “hậu đức tải vật” , một người phải có đức dày mới có thể nâng đỡ được vật. Ví như, một cái bàn có thể gánh chịu được khối lượng nặng 10 kg mà chúng ta nhất định muốn đem trọng lượng 15, 20, 50 kg đặt lên nó, vậy thì chúng ta hãy xem cái bàn này sẽ ra sao? Nó sẽ bắt đầu run lên, bắt đầu biến dạng, xuất hiện điềm báo trước khi bị đổ sập nứt vỡ. Bởi vậy trong cuộc sống có một số loại tai ương ập đến có nguyên nhân xuất phát từ bốn chữ “đức bất xứng vị” này.

Tiền bạc, quyền lực, danh vọng đều là những phúc báo của bản thân, cũng đều là những vật đè áp lên bản thân chúng ta. Vì vậy khi có được chúng, chúng ta hãy tự hỏi liệu bản thân mình có thể gánh đỡ nổi chúng không? Dựa vào cái gì để gánh đỡ chúng?


Quá khứ có câu: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” , người quân tử quý trọng của cải nhưng phải phù hợp với đạo nghĩa thì mới nhận lấy. Có những người dùng thủ đoạn bất nghĩa đi giành những thứ mà trong mệnh của mình chứa không nổi, đó chẳng phải là chuốc họa hay sao? Chẳng hạn chính quyền bất kể hiểm họa môi trường, tàn phá tự nhiên để tham nhũng. Chẳng hạn thương nhân bất kể người tiêu dùng, bán hàng hóa kém chất lượng để thu về nhiều tiền hơn. Chẳng hạn người nông dân bất kể tính mạng con người, chỉ muốn thu lợi nhanh nhất từ mảnh đất của mình… Hậu quả nhãn tiền của những hành động ấy, kỳ thực là bày ra trước mắt chúng ta, chỉ là chúng ta bị lòng tham che mắt.


Ngay cả con trẻ ngày nay cũng đều như vậy. Chúng không kể thân phận của mình ra sao, luôn muốn những thứ tốt nhất, điện thoại tốt nhất, xe tốt nhất, máy tính tốt nhất… Những người già trong quá khứ thường giảng: “Con cái có phúc phận của con cái”. Cổ nhân không cho con cái hưởng thụ nhiều, người có đức hạnh đều dạy con sống thanh bần, tiết kiệm. Bởi vì một người không có đức hạnh lớn mà đã muốn hưởng thụ thì chính là đang tiêu hao phúc báo của mình.

Về phương diện dưỡng sinh,  thọ mệnh và phúc báo đều là năng lượng sống. Về phương diện khoa học, vạn sự vạn vật đều cấu tạo từ các hạt, mà bản thân hạt là mang năng lượng nhất định. Do đó có thể nói con người chính là một thể năng lượng. Nhiều người sở dĩ mất đi lúc tuổi đời còn rất trẻ là do phước báo, năng lượng của họ đã nhanh chóng bị tiêu hao hết rồi. Bởi vậy mà người xưa thường giảng rằng, ăn và sống một cách giản dị là có lợi ích nhất.


Một người khi hiểu rõ đạo lý “đức dày tải vật” , mới dám lượng sức mà hưởng thụ. Đồng thời người đó mới hiểu được rằng, một người có đức hạnh và phúc báo như thế nào mới có thể ngồi ở vị trí như thế ấy, mới có thể ngồi yên vững được lâu dài. Cũng từ đó mà con người trở nên khiêm cung, không có tâm so đo, đố kỵ.


Trong “Chu Dịch” viết rằng: “Nhà tích thiện, niềm vui có thừa; nhà tích ác, tai ương có thừa” . Khi nhìn thấy người khác thành công, khi nhìn thấy người khác giàu có… nhiều người trong lòng sinh ra tâm bất bình, nhưng bạn có từng nghĩ qua rằng tổ tiên của họ có đức hạnh lớn biết bao nhiêu chưa?

Trong cuộc đời hãy nhớ rằng, một người cho đi điều gì thì sẽ nhận được điều ấy: Thường hay phó xuất, phúc báo sẽ càng lúc càng nhiều. Thường hay cảm ơn, thuận lợi sẽ càng lúc càng nhiều. Thường hay trợ giúp người, quý nhân sẽ càng lúc càng nhiều. Thường hay oán trách, phiền não sẽ càng lúc càng nhiều. Thường hay biết đủ, niềm vui sẽ càng lúc càng nhiều. Thường hay trốn tránh, thất bại sẽ càng lúc càng nhiều. Thường hay chia sẻ, bạn bè sẽ càng lúc càng nhiều. Thường hay nổi giận, bệnh tật sẽ càng lúc càng nhiều. Thường hay trục lợi, nghèo khổ sẽ càng lúc càng nhiều. Thường hay bố thí, phú quý sẽ càng lúc càng nhiều.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Lão Tử: Chiếm cứ càng nhiều thì họa càng lớn


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook