Trí tuệ cổ nhân: Coi trọng khuôn phép, lễ nghi, phép tắc

Chia sẻ Facebook
07/05/2023 09:10:41

Đối với rất nhiều người hiện đại mà nói, những lễ nghi phép tắc của cổ nhân thật khó mà có thể thực hành và tiếp thu. Người xưa coi trọng phép tắc lễ nghi, thậm chí từ những điều nhỏ nhất cũng không thể hàm hồ. Vì sao lại như vậy?

(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Có một chuyện nhỏ thú vị thế này. Thời cổ đại, khách đến nhà hoặc người ở bên ngoài vào phòng thì cần gõ cửa. Gõ cửa cũng phải theo phép tắc: trước tiên gõ một tiếng rồi dừng lại một chút để người bên trong nghe thấy, nếu không có ai mở cửa thì gõ tiếp hai tiếng rồi dừng lại chờ, sau đó lại tiếp tục gõ. Người xưa quy định không gõ quá ba tiếng liên tục, ngoài ra cũng có thể dùng lời nói nhẹ nhàng để gọi. Đây đều là những quy định, phép tắc mà người xưa định ra.

Không gõ quá ba tiếng là có nguyên nhân. Nếu như gõ liên tục nhiều tiếng thì biểu hiện ra sự gấp gáp, có việc rất quan trọng. Nếu gõ không ngừng thì đó không phải là gõ cửa mà là đập cửa. Thời xưa, đập cửa là để báo tang có người mất. Cho nên nếu không phải là báo tang thì sẽ không được gõ cửa liên hồi. Không gõ nhiều mà gõ hai tiếng, ba tiếng rồi dừng lại còn giúp cho người gõ cửa có thể nghe thấy tiếng đi lại bên trong để dừng không gõ nữa và chuẩn bị chào hỏi. Phép tắc này đã biểu hiện ra rằng người gõ cửa có suy xét cho người mở cửa không, có quan tâm đến cảm xúc của người mở cửa hay không. Là người mở cửa thì chắc chắn không ai muốn nghe tiếng gõ cửa liên hồi.

Kỳ thực phép tắc lễ nghi không chỉ là sự quan tâm, mà còn có rất nhiều hàm nghĩa.

Phép tắc là tôn trọng


Cổ ngữ nói: “Lễ giả, kính nhân dã” , ý nói người có lễ thì kính trọng người. Tuân thủ phép tắc lễ nghi là thể hiện của lòng tôn kính phát ra từ nội tâm. Khi một người không biết lễ tiết thì tự nhiên sẽ mất đi dáng vẻ trang trọng và tâm kính sợ. Nếu một gia đình đánh mất phép tắc, ai cũng không giữ lễ tiết thì gia đình sẽ loạn.

Trong Tam Quốc Chí có chép một chuyện thế này. Mã Siêu cùng đường muốn góp sức với Lưu Bị, Lưu Bị phong Mã Siêu làm Bình Tây tướng quân, Đô Đình hầu. Mã Siêu có chiến công, đắc ý sinh tâm cao ngạo, khi nói chuyện với Lưu Bị thì gọi thẳng tên thật. Quan Vũ và Trương Phi thấy vậy trong lòng rất tức giận.

Ngày hôm sau, Lưu Bị hội kiến Mã Siêu, Quan Vũ và Trương Phi bèn nhân dịp đó cầm vũ khí đứng hai bên Lưu Bị rất trang nghiêm. Mã Siêu một mình tiến vào, ngồi xuống mới phát hiện Quan Vũ và Trương Phi đứng bên cạnh. Mã Siêu nhất thời hiểu ra, từ đó về sau không dám thất lễ đối với Lưu Bị nữa.


Gia Cát Lượng nói: “Bất khả kiêu, kiêu tắc thất lễ, thất lễ tắc nhân li, nhân li tắc chúng bạn” , không thể kiêu ngạo, kiêu ngạo thì sẽ thất lễ, thất lễ thì dân sẽ rời xa, dân chúng rời xa thì tất sẽ loạn.

Thất lễ là biểu hiện của sự ngạo mạn, của việc không tôn trọng người khác. Một người biết giữ lễ tiết phép tắc thì trong tâm ắt sẽ khiêm tốn, nhún nhường.

Giữ phép tắc là công chính

Trong cuộc sống, rất nhiều sự tình chỉ cần chúng ta tuân thủ theo phép tắc thì sẽ dễ làm và có thể đạt được thành công. Cũng có những sự tình nếu chúng ta không tuân theo phép tắc thì sẽ bị rối loạn, thậm chí bị phá hỏng. Đó là bởi vì phép tắc giữ gìn sự công chính.

Triều nhà Minh có một viên quan tên là Từ Giai từng giám sát việc thi cử ở Chiết Giang. Có hai thư sinh vì muốn đạt được vị trí cống sinh mà ở công đường tranh cãi. Từ Giai ở trên công đường một mực chuyên tâm xem xét bài, không để ý đến hai người họ. Một lúc sau, lại có hai thư sinh vì muốn nhường lại vị trí cống sinh mà tranh cãi với nhau. Từ Giai vẫn như cũ, không để ý đến họ.


Sau khi xem xét bài vở xong, Từ Giai gọi mấy thư sinh kia lại và nói: “Ta không hy vọng có người tranh đoạt, cũng không hy vọng có người nhượng bộ. Điều này được ghi rõ ràng trong nội quy. Tất cả việc tuyển sinh được xác định bằng điểm và ta không có quyền thay đổi điều đó. Tất cả mọi người chỉ cần tuân theo các quy tắc là được rồi.” Thế là việc tranh cãi kia tự nhiên dừng lại.


Lúc Hán Quang Đế Lưu Tú còn làm Đại tư mã, một người hầu của ông đã phạm pháp và đã bị Tế Tuân xử trảm theo pháp luật. Lưu Tú không những không trừng trị Tế Tuân mà còn để ông ta phụ trách quân pháp. Ông còn nói với các hạ thần: “Ngay cả người nhà của ta, Tế Tuân cũng dám giết, các ngươi nhất định nên cẩn thận!”

Chính nhờ điều này, quân đội của Lưu Tú mới có kỷ luật nghiêm minh, luôn giành được nhiều chiến thắng, cuối cùng giúp Lưu Tú bình định được thiên hạ, khởi đầu nhà Đông Hán.

Giữ phép tắc là tu dưỡng


Cổ nhân thường nói: “Nghiêm vu luật kỷ, khoan dĩ đãi nhân” , nghiêm khắc với bản thân, khoan dung với người khác. Phép tắc là những ràng buộc bên ngoài nhưng cũng giúp người ta tu dưỡng bên trong. Lúc đầu quy tắc bên ngoài hình thành ràng buộc quy phạm đạo đức. Khi đạo đức đã thành khuôn phép rồi thì lại từ bên trong mà chế ước lễ nghi phép tắc bên ngoài. Đây chính là một quá trình tu dưỡng.

Diệp Tồn Nhân là vị quan triều Thanh, làm quan hơn ba mươi năm, luôn đạm bạc, tiết kiệm, chưa từng tham của công. Lúc ông nghỉ hưu về quê, đồng nghiệp tặng ông lễ vật, vì để tránh ánh mắt của mọi người, ảnh hưởng đến danh dự của Diệp Tồn Nhân, nên họ đến tặng ông vào ban đêm.


Diệp Tồn Nhân đã trả lại nguyên những lễ vật ấy. Ông nói: “Không sợ người biết, sợ mình biết”.


Cổ ngữ có câu: “Người quân tử, bên trong không lừa dối mình, bên ngoài không lừa dối người, bên trên không lừa dối Trời, ngay cả khi ở một mình cũng thận trọng. Tiểu nhân thì trái lại.” Người quân tử bất luận là ở hoàn cảnh nào cũng đều có thể giữ được mình. Họ ngẩng đầu không hổ thẹn với trời, cúi đầu không hổ thẹn với người, luôn tuân thủ phép tắc đạo đức cao thượng.

Giữ phép tắc là nhân phẩm

Khi cần tìm người để tin tưởng, để giao phó cho trách nhiệm thì cổ nhân thường mong muốn người đó có một nhân cách tốt đẹp.


Thời Tống Nhân Tông trị vì, Trần Chấp Trung được phong làm Tể tướng. Con rể của ông đã tìm đến, mong muốn được giúp cho một chức quan. Trần Chấp Trung nói: “Quan chức của quốc gia không phải thư họa trong phòng, sao có thể tùy tiện cấp cho ngươi được?” Con rể của Trần Chấp Trung nhiều lần xin nhưng Trần Chấp Trung trước sau đều không đồng ý.


Một số gián quan lúc bấy giờ cho rằng Trần Chấp Trung không xứng làm Tể tướng nên đã đề nghị Hoàng đế thay đổi. Nhưng Tông Nhân Tông nói: “Những người khác cố nhiên là thông minh, nhưng Trần Chấp Trung lại giữ được phép tắc nên ta để ông ta làm Tể tướng.”

Lại có câu chuyện kể rằng lúc Triệu Khuông Dận làm tướng lĩnh thời Hậu Chu đã từng yêu cầu Tào Bân, người bưng trà và rượu bên cạnh Hoàng đế mời rượu ông.


Tào Bân nói: “Rượu này là của công, không thể cấp cho ngài được” . Thế rồi Tào Bân đã tự bỏ tiền ra mua rượu khác và mời Triệu Khuông Dận uống. Sau này, Triệu Khuông Dận lên làm Hoàng đế đã nói: “Quan lại trong triều, Tào Bân là người giữ phép tắc nhất.”

Triệu Khuông Dận cũng coi Tào Bân như tâm phúc để trọng dụng. Tào Bân giữ mình, quân pháp nghiêm minh, lập được công lao lớn trong các cuộc chiến thời Bắc Tống. Nhờ phẩm hạnh của mình, Tào Bân từ một viên quan nhỏ cai quản việc trà rượu, cuối cùng được thăng chức làm Bắc Tống xu mật sứ.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Người không có lễ tiết, chức vị càng cao càng dễ gây họa


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook