Trí tuệ cổ nhân: Chính trực thanh liêm, được Trời trợ giúp
Trong lịch sử không thiếu những tấm gương và câu chuyện về các vị quan thanh liêm chính trực minh chứng cho luật nhân quả...
Người xưa tin tưởng vào luật nhân quả, coi trọng đạo nghĩa mà xem thường lợi ích. Cổ ngữ nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói đạo Trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với chúng sinh, nhưng làm việc thiện là phù hợp với đạo Trời, cho nên đạo Trời đối với những người lương thiện đều có sự quan tâm chiếu cố, giúp đỡ người thiện lương, khiến cho quá trình làm việc của họ luôn thuận lợi giống như có Thần trợ giúp. Trong lịch sử không thiếu những tấm gương và câu chuyện về các vị quan thanh liêm chính trực minh chứng cho điều này.
Lưu An Thế là danh nhân thời Bắc Tông, từng đảm nhiệm các chức Sử quan, Gián quan, Tể tướng, một đời cương trực không a dua, chính trực nghiêm trang, duy trì công lý. Ông có đức tính cần mẫn, dù sau khi đỗ tiến sĩ vẫn không ngừng học tập, không mệt mỏi, không trễ nải. Có người thắc mắc, ông nói: “Ẩn cư cầu chí hướng, làm việc nghĩa đạt được đạo lý, vốn là cùng một việc. Tôi may mắn sớm có công danh, nhưng không có chút tri thức nào.”
Khi Tư Mã Quang lên làm Tể tướng thì Lưu An Thế cũng được tiến cử chức vị quan trọng trong Quốc sử quán. Tư Mã Quang từng giải thích việc tiến cử với Lưu An Thế như vậy:
“Khi tôi khiến giới quyền quý nổi giận và bị giáng chức, không quyền không thế, ông thường xuyên đến hỏi tôi, an ủi tôi, khích lệ tôi. Chúng ta cùng nhau đàm luận về văn học, lịch sử, ai nấy nói ý kiến mình, có lúc vì thế còn tranh luận. Sau khi tôi làm Tể tướng, những người quen biết xưa kia, đều tấp nập gửi thư đến, lấy danh nghĩa ôn lại chuyện xưa, thực tế là muốn cầu quan. Chỉ có ông là không gửi thư. Không vì tôi ở ngôi vị cao mà ông có tâm nhờ vả, không có bất kỳ cầu cạnh gì đối với tôi. Ông vẫn đọc sách trau dồi học vấn như xưa, giữ gìn tiết tháo, đạm bạc không tranh đua. Đó chính là nhân phẩm và thái độ đối nhân xử thế của ông, cũng là chỗ khác biệt nhất so với những người khác.”
Lưu An Thế thường nói: “Thành thật là Đạo của Trời, suy nghĩ thành thật là Đạo của người. Đạo đối nhân xử thế, lấy thành thật làm gốc”. Bình thường, ông rất chú trọng tu dưỡng phẩm đức. Tư Mã Quang ca ngợi Lưu An Thế rằng: “Lưu An Thế có được công phu tận tâm thực hành, là vì ông ấy cả đời dốc sức thành thật, thực hiện đến mức không gì phá vỡ lay chuyển nổi. Ông ấy chưa bao giờ nói lời cuồng vọng, biểu hiện bên ngoài và nội tâm là như nhau”.
Sau khi nhậm chức gián quan (quan phụ trách can gián Hoàng đế), Lưu An Thế với thái độ nghiêm chính, có trách nhiệm, trung trực dám nói, nhiều lần can gián, trực ngôn nói rõ chính lệnh thành công hay thất bại.
Chương Đôn là người gian trá, cậy thế chuyên quyền. Lưu An Thế nhiều lần dâng tấu luận phẩm hạnh bất chính của Chương Đôn, không thể trọng dụng. Mọi người đều lo lắng cho Lưu An Thế. Sau này Chương Đông làm Tể tướng, sát hại hoặc giáng chức những triều thần chính trực, muốn đẩy Lưu An Thế vào chỗ chết, đưa ông đi đày nơi biên giới. Khi đó, vùng lưỡng Việt là hoang sơ nguy hiểm nhất, mọi người thường nói: “Xuân Châu, Tuần Châu, Mai Châu, Tân Châu làm láng giềng với cái chết. Cao Châu, Lôi Châu, Liêm Châu, Hóa Châu, nói đến liền sợ hãi”. 8 châu này, Lưu An Thế trải qua 7 châu, tuy ngày hè nóng nực, đi biển nguy hiểm, nhưng ông vẫn bình yên vô sự.
Sau khi biết chuyện, Chương Đôn lại phái sứ giả đi để hại Lưu An Thế, nhưng sứ giả không nỡ hạ thủ, khiến âm mưu của Chương Đôn thất bại. Có một tiểu nhân muốn mua chức quan, biết Chương Đôn muốn giết Lưu An Thế, bèn tự tìm đến. Chương Đôn lập tức thăng cho làm Phán quan Lôi Châu, lệnh cho giết chết Lưu An Thế. Viên phán quan này phi ngựa đến nơi Lưu An Thế đi đày, những người tùy tùng sợ thế lực, không dám trái lệnh. Nhưng khi người này đến cách chỗ Lưu An Thế lưu đày 20 dặm, bỗng nhiên nghe thấy tiếng chuông chùa vang lên trong đêm tối, như bị vật nặng giáng vào đầu, ngã lăn ra chết. Chương Đôn thấy sự việc lại thất bại, lại ngụy tạo ra tội danh, muốn vu cáo Lưu An Thế vào tội chết. Nhưng còn chưa kịp tấu lên thì sự việc của ông ta bị bại lộ. Hoàng đế nhớ đến những lời can gián chính trực của Ngự tiền Lưu An Thế khi xưa, lập tức triệu Lưu An Thế về triều, bổ nhiệm chức Tể tướng.
Lưu An Thế chính trực trung lương, cả đời cung kính thanh liêm, được Trời bảo hộ, mấy phen hóa nguy thành an, sau này phúc lộc khang ninh, gia đạo hưng thịnh. Mọi người đều nói đây rõ ràng là sự ứng nghiệm của câu nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”. Đời người cơ ngộ vô thường, nhưng sự truy cầu đối với vận mệnh là bình đẳng. Trau dồi đạo đức là có trách nhiệm đối với sinh mệnh. Chân tâm hành thiện mới là quan trọng nhất, bởi vì nhà tích thiện ắt có dư phúc lành, nhà tích bất thiện ắt có thừa tai ương, báo ứng chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Có thơ khen rằng:
Thiên Đạo tòng lai hựu thiện nhân
Lưu Công kháng sớ xúc đan thần
Kỷ phiên tân tử giai vô dạng
Gian tướng không lao thiết kế tần
Tạm dịch:
Đạo Trời xưa nay giúp người nhân
Lưu Công chính trực động quyền thần
Mấy phen suýt chết đều vô sự
Gian thần kế hiểm mãi uổng công.
Lại có thơ rằng:
Thiên vận tòng lai tổng tuần hoàn
Báo ứng chiêu chương thiện ác gian
Tín thị minh minh nguyên hữu chủ
Nhân sinh hà tất dụng cơ quan
Tạm dịch:
Vận Trời xưa nay vốn tuần hoàn
Thiện ác báo ứng hiện rõ ràng
Trong cõi vô hình Thần làm chủ
Đời người hà tất dùng mưu gian
Đăng lại có chỉnh sửa từ “ Văn hóa Thần truyền: Chính trực liêm khiết, người tốt được Trời trợ giúp “
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Trí Chân
Đạo làm quan thời xưa: Xử chặt chân người, người vẫn cảm ân
Mời xem video :