Trí tuệ cổ nhân: “Chính danh”, không tùy tiện quản việc của người khác

Chia sẻ Facebook
12/10/2022 13:37:28

Một trong những câu nổi tiếng trong sách Luận Ngữ là: “Bất tại kì vị, bất mưu kì chính”, không ở vị trí đó thì không tham dự vào công việc đó. Câu nói này đã khái quát tư tưởng “chính danh” của Nho gia. Đạo lý “chính danh” này có thể hiểu đơn giản thông qua một câu chuyện xưa giữa Khổng Tử và học trò Tử Lộ được ghi trong cuốn “Thuyết uyển” của tác giả Lưu Hướng thời Tây Hán.

(Tranh minh họa: Thời Thanh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Chuyện kể rằng khi Tử Lộ đảm nhiệm chức trưởng quan ở đất Bồ, vì để phòng ngừa thiên tai lũ lụt, vào mùa xuân Tử Lộ đã ra lệnh cho dân chúng tu sửa hệ thống thủy lợi. Tử Lộ nhìn thấy dân chúng vất vả nên đã dùng tài sản của mình để mua và phát cơm nước cho họ.

Khổng Tử nghe nói việc làm này của Tử Lộ liền phái Tử Cống đến ngăn chặn. Tử Lộ không hiểu nên đã đến chất vấn thầy:

Con yêu cầu dân chúng tu sửa thủy lợi để phòng bị lũ lụt. Trong số ấy có nhiều người không có cơm ăn cho nên con đã cho họ cơm và nước. Thầy lấy nhân nghĩa dạy người nhưng lại phái người đến ngăn cản con làm việc nhân nghĩa là duyên cớ gì?


Khổng Tử đáp đại ý rằng Tử Lộ thân chỉ là trưởng quan, thấy dân chúng không có cơm ăn lại không báo lên trên xử lý, cho là bản thân tuyên dương lòng nhân nghĩa nhưng lại vượt quá quyền hạn của mình, chỉ biết biểu dương bản thân mà không nghĩ tới phép tắc lễ nghĩa. Trong trường hợp hạn hán lũ lụt khẩn cấp liên quan tới tính mạng dân chúng thì là một nhẽ, nhưng ở lúc bình thường, chưa làm theo phép tắc của triều đình mà đã tự ý thực thi thì không thể là điều đúng đắn được. Đây gọi là “vi lễ”, “xâm quyền” .

Thời cổ đại, trung thần sẽ không thay thế quốc quân và triều đình trong việc ban ơn cho bách tính, bởi vì việc làm ấy có thể đem lại rất nhiều hậu quả về sau. Từ lịch sử các triều đại mà xét, có rất nhiều trường hợp người ban ơn lấy lòng dân chúng chính là vì muốn tạo phản, muốn thay triều đổi đại; cũng có rất nhiều trường hợp lấn quyền vượt quyền người khác mà bị ghét hận, khiến cho gia bại thân vong.


Bởi thế Nho gia giảng rằng “Bất tại kì vị, bất mưu kì chính” , khuyên răn mọi người nên làm tròn chức trách và bổn phận của mình, không nên đi quá giới hạn của bản thân. Có đôi khi chúng ta cho rằng việc mình làm là tốt nhưng sẽ lại vô tình xúc phạm đến người khác, khiến cho đôi bên xảy ra mâu thuẫn. Quân vương có trách nhiệm của quân vương, quan lại có trách nhiệm của quan lại, và dân thường cũng có trách nhiệm của dân thường. Mỗi người ở một địa vị sẽ cố gắng quản tốt bản thân mình, đảm nhận việc gì thì làm tốt việc ấy, như thế thiên hạ tự nhiên sẽ được thái bình, dân chúng an ổn. Nếu từ Thiên tử đến dân thường đều tuân thủ tốt phép tắc này thì những chế độ pháp luật hay số lượng nhân viên quan lại cũng sẽ được giản hóa đi, thậm chí không cần nữa.


“Bất tại kì vị, bất mưu kì chính” cũng mang ý nghĩa chỉ “danh chính ngôn thuận” , nghĩa là khi có chức vị thỏa đáng phù hợp thì đạo lý mới nói được thông, có danh phận thì sẽ có đầy đủ lý do cho những hành động của mình. Ngoài ra nó cũng có ý nghĩa là một người mang trách nhiệm thì cần phải hoàn thành trách nhiệm đó. Trong “Chiến Quốc sách” có giải thích điều này thông qua một câu chuyện.


Thời kỳ Chiến Quốc, Sử Tật là đại thần của nước Hàn đi sứ nước Sở. Sở Vương hỏi ông: “Ngài nghiên cứu học vấn gì?”


Sử Tật đáp: “Tôi nghiên cứu học vấn của Liệt Ngự Khấu” (một nhân vật tiêu biểu của Đạo gia thời Chiến Quốc).


Sở Vương lại hỏi: “Liệt Ngự Khấu chủ trương điều gì?”


Sử Tật đáp: “Chủ trương chính danh.”


Sở Vương hỏi: “Điều này có thể dùng để thống trị quốc gia không?”


Sử Tật đáp: “Đương nhiên là có thể!”


Sở Vương lại hỏi: “Sở quốc có rất nhiều đạo tặc, dùng nó có thể phòng ngừa được đạo tặc không?”


Sử Tật trả lời: “Đương nhiên là có!”


Sở Vương lại hỏi tiếp: “Dùng chính danh như thế nào để phòng ngừa được đạo tặc?”


Vừa hay lúc ấy có con chim khách từ đâu bay tới đậu trên nóc nhà, Sử Tật nói: “Xin hỏi, người nước Sở các ngài gọi con chim này là gì?”


Sở Vương đáp: “Gọi là chim khách”


Sử Tật lại hỏi: “Gọi nó là quạ đen được không?”


Sở Vương đáp: “Không được.”


Sử Tật lại nói: “Hiện giờ quốc gia của Đại vương có các chức quan Trụ quốc, Lệnh doãn, Ti mã, Điển lệnh… Khi quan lại nhậm chức nhất định phải yêu cầu họ liêm khiết phụng sự việc công, có thể đảm nhiệm được chức vị này. Hiện giờ đạo tặc công nhiên hoành hành, không ngăn chặn được là bởi vì các quan viên đã không thể đảm nhiệm được chức vị của họ. Đây chính là quạ đen không được gọi là quạ đen, chim khách không được gọi là chim khách.”

Làm tốt phận sự của mình cũng là điều mà những người tu luyện thời xưa rất coi trọng. Chỉ trừ khi chuyện có liên quan đến tính mệnh của người khác, liên quan đến lương tri đạo đức, còn không thì các hòa thượng hay đạo sĩ sẽ không tùy tiện quản sự tình trong xã hội. Phật gia giảng nhân quả luân hồi, mọi sự việc đều có nguyên do, cũng đều có nhân duyên. Một sự việc xem ra là việc xấu, nhưng từ lẽ nhân quả mà xét thì lại là quả báo luân hồi, không dễ dàng thay đổi vận mệnh. Chuyện thế gian tranh tranh đấu đấu, duyên duyên nợ nợ, nhà Phật chỉ giảng từ bi thiện giải, dẫn lối cho chúng sinh, mục đích là để người ta bước vào tu luyện, từ đó cứu độ sinh mệnh, không phải là để giải quyết ân oán trong nhân thế.


Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Đạo quân thần của người xưa không như ta nghĩ


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook