Trí tuệ cổ nhân: Bốn điểm khác biệt của bậc “thượng sĩ”
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử có nhắc đến ba loại người là “thượng sĩ”, “trung sĩ” và “hạ sĩ”, cũng chính là cách cổ nhân nhìn người, tu dưỡng và lựa chọn đồ đệ. Tất nhiên, việc phân chia cao thấp này không phải dựa vào giàu nghèo, xuất thân, địa vị, mà chủ yếu là dựa vào cách một người đối nhân xử thế, tu dưỡng bản thân.
Cách sống
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Ngũ sắc làm người ta mờ mắt, ngũ âm làm người ta điếc tai, ngũ vị làm người ta tê miệng lưỡi; rong ruổi săn bắn sẽ khiến lòng người phát cuồng, của cải khó được khiến người ta không từ thủ đoạn nào”. Sự hưởng thụ quá mức vật chất, dù là thứ hữu hình như của cải, sắc đẹp hay là thứ vô hình như âm thanh, hương vị, thú vui thì đều khiến con người rơi vào vực thẳm của dục vọng. Cho nên bậc thượng sĩ lựa chọn cách sống đơn giản, thanh đạm nhằm loại bỏ sự dính mắc vào vật chất.
Người có cách sống đơn giản thì dễ chuyên tâm, ý chí và chính nghĩa của họ cũng mạnh mẽ. Trái lại, người phức tạp thường nghĩ nhiều, so đo tính toán, họ không chỉ sống mệt mỏi hơn, ít hạnh phúc hơn, mà còn dễ đánh mất lương tri của chính mình. Trong xã hội phức tạp, sống đơn giản là cảnh giới cao của nhân sinh, cũng là cách sống của bậc thượng sĩ.
Cách xử thế
Đạo Đức Kinh viết: “Thượng thiện nhược thủy” , cái thiện cao thượng là giống như nước. Con người mang đức tính của nước thì mềm mại mà bao dung được hết thảy.
Đặc tính của nước là chân thành giúp đỡ, không kiêu căng tự cho mình là hiểu biết, lại không khoe khoang bản thân. Nước không chỗ nào không chảy đến, vạn vật đều dựa vào nước để sinh tồn. Nước cũng không chối từ trách nhiệm, đem mình kính dâng cho tự nhiên mà không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào. Đại đạo rộng lớn duy trì vạn sự vạn vật trong vũ trụ này cũng lại như vậy. Con người cũng lại nên như thế, làm vì người mà không vì mình, do đó mà tự nhiên bao la rộng lớn hơn.
Bậc thượng sĩ lúc nào cũng ôn hòa, bảo trì được tâm thái thản nhiên, luôn khiêm nhường trước người khác. Trái lại, người hạ sĩ kiêu căng ngạo mạn, làm việc dựa vào sức mạnh, dễ dàng làm tổn hại người khác, từ đó gây cho người khác tâm oán thù.
Cách tu dưỡng
Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên chép rằng: “Có lẽ Lão Tử trên 160 tuổi, có người nói trên 200 tuổi, do ông tu Đạo mà trường thọ như vậy”. Ngày nay rất nhiều người quan tâm đến vấn đề dưỡng sinh và mong muốn được trường sinh. Nhưng thông thường sự quan tâm và hiểu biết này đều dừng ở việc ăn uống và rèn luyện thân thể mà không biết rằng đó chỉ là ngưỡng cửa thấp nhất của “tu luyện”.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử giảng: “Giữ được cực hư, cực tĩnh, xem vạn vật sinh trưởng ta thấy được quy luật phản phục. Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng. Trở về căn nguyên thì tĩnh, tĩnh là bản tính của mọi vật, cho nên trở về căn nguyên gọi là trở về mệnh”. Đây là thế giới quan của người tu Đạo.
Kỳ thực trong văn hóa nhân loại, dù khác biệt về hình thức, điều các bậc Giác giả xa xưa để lại cho nhân thế chính là câu trả lời cho những câu hỏi được coi là chỗ mê vĩnh hằng như: nguồn gốc con người, mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, ý nghĩa của sự tồn tại. Đồng thời, thông qua các hình thức tu luyện khác nhau như tu tâm, tu Thiện, tu thân, tu Chân, đức tin, cứu rỗi, v.v., các giác giả đã định hình nên khái niệm về tu luyện trong văn hóa nhân loại.
Do vậy “dưỡng sinh” không phải là cách tu dưỡng của bậc “thượng sĩ”.
Cách đối xử với mâu thuẫn
Lão Tử giảng: “Bậc thánh nhân chỉ làm việc chứ không tranh giành lợi ích. Vì không tranh giành lợi ích, cho nên thiên hạ không ai tranh giành với mình”.
Rất nhiều khi người không tranh giành không phải là người thua cuộc, cũng không phải là người nhu nhược hèn yếu, mà là người hiểu được đạo lý, biết tiến biết lui, “lùi một bước biển rộng trời cao”. Đây là một loại nhân cách, một loại trí tuệ cao và cũng là một loại hàm dưỡng.
Người luôn tranh giành, cãi lý thì tâm tình sẽ càng ngày càng trở nên phiền muộn, khó chịu. Trái lại, người không tranh hơn thua, tự nhiên tâm tình thanh sạch, tĩnh tại, thậm chí thể xác và tinh thần đều an vui, tường hòa. Trên đường đời không thiếu những việc chẳng thể nói rõ ràng ngay được, đặc biệt là lúc người đối diện không giữ được bình tĩnh, không có lý tính, thì muốn giải thích chỉ là điều vọng tưởng mà thôi.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Bức tượng Đức Phật và chuyện đời của một nhà điêu khắc
Mời xem video :