Trí tuệ cổ nhân: 3 điều cần thủ giữ để nhân sinh an định
Một người nếu có thể thủ giữ lương tri thì có thể giảm được rất nhiều bi thương và suy sụp, nhân sinh tất cũng sẽ trở nên khoái hoạt.
Đường đời của bất kỳ ai đều có lúc thuận buồm xuôi gió, có lúc gập ghềnh nhấp nhô, có được và cũng có mất. Có rất nhiều chuyện được mất trong cuộc đời là không thể tránh khỏi, nhưng cũng có những lúc số phận cho phép con người lựa chọn ngã rẽ của nhân sinh. Một người nếu có thể thủ giữ lương tri và tâm thái bình thản, thì có thể giảm được rất nhiều cảm xúc bi thương và suy sụp, nhân sinh của họ tất cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng và khoái hoạt.
An thủ bổn phận
Khổng Tử giảng: “Bất tại kì vị, bất mưu kì chính” , tức là không ở vị trí ấy thì không nên xem xét việc ở vị trí ấy. Tằng Tử cũng giảng: “Quân tử tư bất xuất kì vị” , tức là người quân tử không suy nghĩ những gì vượt quá bổn phận của mình. Nếu suy nghĩ việc vượt quá địa vị thì chính là không hiểu Lễ, nhẹ thì phạm phải những việc không nên làm, nặng thì mưu tính tranh đoạt cao thấp hơn thua. Đặc biệt thời xưa, người dưới nếu suy tính việc của người trên thì tất sẽ làm những việc phạm thượng, thậm chí nguy hại đến quốc gia xã tắc.
Người có đức hạnh, khiêm hạ trước thiên mệnh, chăm chỉ làm tròn phận sự, nỗ lực làm tốt mỗi việc mình đảm trách, năng lực sẽ không ngừng đề cao lên, dần mài giũa biến mình trở thành vàng ròng, vàng ròng ắt sẽ có ngày tỏa sáng. Chỉ cần làm tròn chức trách, phúc phận của nhân sinh tự đã được nuôi dưỡng trong đó. Còn tranh đoạt cao thấp hơn thua thì không chỉ nhọc tâm tổn trí mà còn hại người hại mình.
Có câu: “Tài lai sinh ngã dị, ngã khứ sinh tài nan” , tài vận đến thành tựu ta thì dễ, ta đi tìm cửa sinh tiền tài thì khó. Còn Đạo Đức Kinh lại nói: “Hoạ không gì bằng không biết đủ, lỗi không gì bằng tham dục đạt được, cho nên biết đủ thường sẽ đủ”.
Trong “Phá diêu phú” , Lữ Mông Chính viết: “Trời chưa gặp thời, thì mặt trời mặt trăng không tỏa sáng, Đất chưa gặp thời, thì cây cỏ không sinh sôi. Nước không gặp thời, thì sóng gió sẽ nổi lên. Con người không gặp thời thì vận may không đến. Phúc và lộc của con người, trong số mạng đã được an bài định sẵn, giàu sang phú quý có ai mà chẳng muốn? Người ta nếu không theo căn cơ, có thể nào làm quan làm tướng được không?”
An thủ sự bình thản
Trong Đạo Đức Kinh có cách nói: “Tam tri tam thủ” , là ba điều biết mà vẫn thủ giữ được. Ấy là “Tri kỳ hùng, thủ kỳ thư” , tức là biết mình dũng mãnh mà lại luôn nhu hòa, như thể là yếu đuối, không để lộ tài năng. “Tri kỳ bạch, thủ kỳ hắc” , tức là biết mình thông minh sáng suốt nhưng vẫn khiêm cung như là ngốc vậy, có thể nhìn rõ mọi việc nhưng lại không lấy cái nhìn của mình để áp đặt lên người khác. “Tri kỳ vinh, thủ kỳ nhục” , nghĩa là biết mình có địa vị cao, vinh hoa phú quý nhiều nhưng lại bảo trì được cách sống bình thường giản dị… Những người có thể cư xử được như vậy thì là đã giữ được “thường đức” , phối kết với Đạo, trở về với bản tính chất phác, trong tâm luôn bình thản, đức hạnh tròn đầy.
Xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người cảm thấy sống rất mệt mỏi, không chịu nổi sức ép của cuộc sống. Rất nhiều người cũng suy nghĩ, tại sao xã hội không ngừng phát triển, mà gánh nặng của người ta lại càng nặng thêm, tinh thần ngày càng trống rỗng, tư tưởng thì nông nổi, không thể có được trạng thái bình thản, an nhiên, tự tại. Thực ra, xã hội không ngừng phát triển, có vẻ là văn mình hơn xưa, nhưng có lẽ chính sự “phát triển” đã khiến người ta đã rơi vào vũng lầy không cách nào tự thoát ra được.
Sự hấp dẫn của tiền bạc, sự tranh giành quyền lực, sự chìm nổi của nhân sinh khiến người ta hao tâm kiệt sức. Những chuyện tranh chấp thị phi, thành bại, được mất khiến người ta vui, buồn, lo, sợ. Một khi điều thèm muốn khó có thể thực hiện hoặc suy tính khó đem lại thành công, hy vọng tan vỡ thành ảo ảnh thì họ cảm thấy lạc lối, u uất, có người thậm chí vì vậy mà trả giá bằng cả mạng sống của mình. Khi người ta sống mà chạy theo sự tôn sùng vật chất thì dần dần sẽ không còn biết phân biệt tốt xấu đúng sai nữa. Quả thực là cái được không bù nổi cho cái mất, hối hận không thể vãn hồi.
“Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn. Đi hay ở vạn sự tùy duyên, nhìn khung trời mây tụ mây tan” . Một người có thể coi lợi danh, vinh nhục như đóa phù dung sớm nở tối tàn, mới có thể giữ cho mình một nội tâm tĩnh tại, bình thản, nhìn cuộc đời đến rồi đi thất thường tựa mây khói, mới có thể giữ được sự vô vi thanh tịnh trong tâm cảnh.
An thủ lương tri
Nếu lương tri của con người thanh tịnh, không vấy bẩn, thì dẫu thân lâm vào cảnh khốn cùng, trong lòng cũng chẳng ưu phiền. Trái lại, khi lương tri của một người bất an, lo lắng, thì dẫu mỗi ngày tĩnh tu nơi rừng sâu núi thẳm, cái tâm kia cũng sục sôi như đang ở giữa chốn phố xá sầm uất, chẳng thể an yên. Bởi vậy, cảm thấy vui vẻ, may mắn hay không, phúc khí có đến hay không, là do tâm của mình quyết định.
Người thiện lương khi xưa, không bởi vì lâm vào nghịch cảnh, không bởi vì đối mặt với sinh tử, không bởi vì cám dỗ trước công danh lợi lộc, mà vứt bỏ tiết tháo, phẩm chất của mình. Những câu chuyện mà họ để lại, tín niệm kiên định phi thường mà họ thể hiện ra, khiến kẻ ngu ngoan cũng trở nên lý trí, kẻ liệt nhược cũng hóa ra cương cường.
Trong xã hội coi trọng của cải tiền bạc ngày nay, để tìm được một người thắp sáng lương tri thực sự là khó. Nhưng chính trong xã hội hỗn loạn này, trong nguy nan khốn khó, trong hoàn cảnh “trắng đen lẫn lộn” , nếu như ai có thể vượt qua được những cám dỗ của danh lợi, không đánh mất bản tính chân thật, lương thiện, vẫn bảo vệ cái thiện, chống lại cái ác, thì người ấy chính là người có phẩm chất cao quý. Cho dù họ có phải chịu thiệt thòi trước mắt thì cuối cùng cũng sẽ nhận được phúc báo lâu dài.
Cổ ngữ nói: “Người thiện lương cho dù chưa nhận được phúc nhưng họa thì đã rời xa”. Bởi vậy, thế gian có thể hỗn loạn nhưng nội tâm không thể dơ bẩn. Trong thời điểm nhiễu nhương, thiện lương thường hay bị chê cười, nhưng rốt cuộc nó lại là thứ duy nhất có thể bảo tồn lương tri, ban cho con người hy vọng, đưa con người vượt thoát tuyệt cảnh.
Lịch sử nhân loại cho thấy khi đại nạn xảy ra, chỉ những ai còn tồn lưu thiện niệm, còn bảo hộ lương tri, mới là những người đứng vững. Họ chính là hy vọng của đất nước, là tương lai của dân tộc.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Cao Trí Thịnh – Kỳ 1: Từ anh nông dân đến vị luật sư hàng đầu Trung Quốc
Mời xem video: Vì sao người khác không tôn trọng bạn? Đọc 5 câu này trong Tăng Quảng Hiền Văn