Trí tuệ cổ nhân: 3 điểm nhìn ra một người có thành tựu hay không

Chia sẻ Facebook
24/07/2022 13:36:15

Nhìn vào cách đối mặt với việc lớn, thuận cảnh hay nghịch cảnh, mừng hay giận có thể nhận biết được một người có hay không có thành tựu.


Nhìn vào cách một người đối diện với việc lớn, với thuận cảnh hay nghịch cảnh, cũng như lúc mừng hay giận, người ta sẽ thấy được năng lực, trí tuệ và mức độ tu dưỡng cũng như khả năng thành tựu của người ấy, từ đó quyết định việc kết giao hay dùng người.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)


“Đại sự nan sự khán đảm đương, nghịch cảnh thuận cảnh khán khâm độ, lâm hỉ lâm nộ khán hàm dưỡng, quần hành quần chỉ khán thức kiế n” là câu nói nổi tiếng được ghi trong tác phẩm “Tiểu song u ký” do tác giả Trần Kế Nho biên soạn. Câu này ý nói rằng, từ sự biểu hiện của một người khi gặp phải việc lớn và việc khó, có thể thấy được dũng khí gánh vác trách nhiệm của họ. Từ sự biểu hiện của một người khi họ đối mặt với nghịch cảnh hoặc thuận cảnh, có thể thấy được tấm lòng và khí độ của họ. Từ cách phản ứng của một người khi họ đối mặt với vui buồn mừng giận, có thể thấy được sự tu dưỡng của họ. Từ những hành vi và cử chỉ của một người thể hiện ra khi họ giao tiếp với mọi người, có thể thấy được nhận thức và kiến giải của họ.

Từ việc lớn nhìn ra dũng khí gánh vác


Xưa kia, Hán Cao Tổ Lưu Bang từng nói: “Hoạch định kế sách, quyết thắng nơi xa ngàn dặm thì ta không bằng Trương Lương. Vỗ yên bách tính, trù tập quân lương thì ta không bằng Tiêu Hà. Thống lĩnh bách vạn đại quân, chiến tất thắng, công tất được thì ta không bằng Hàn Tín. Ba người đó đều là nhân kiệt.” Vậy vì sao Lưu Bang lại được ở ngôi vị cao nhất? Chính là vì Lưu Bang giỏi nhận biết người. Một người khi gặp phải việc lớn hoặc việc khó, nếu có dũng khí gánh vách thì chính là tài năng có thể dùng được.


Tục ngữ nói: “Gió mạnh mới biết cỏ cứng, lửa thử vàng gian nan thử sức”. Con người sống trên đời, ít nhiều đều sẽ phải đối diện với một số việc lớn, việc khó. Nói việc khó là khó ở chỗ chúng ta chưa từng trải qua, chưa có kinh nghiệm xử lý. Thậm chí, có những việc lớn việc khó mà chúng ta không đủ năng lực để giải quyết thỏa đáng. Nhưng càng là việc lớn, việc khó thì lại càng là cơ hội khảo nghiệm một người.

Nếu đứng trước khó khăn, chúng ta dễ dàng lựa chọn buông tay từ bỏ thì sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội thành công. Nếu chúng ta kiên trì, dũng cảm đối mặt một cách đúng đắn, một lần không được lại tiếp tục lần sau, thì sẽ dần dần khiến bản thân trưởng thành, dần dần tăng cường năng lực của bản thân và sớm muộn gì cuối cùng cũng sẽ vượt qua.


Muốn có được thành tựu thì nhất định phải có dũng khí đối mặt với những sóng gió trong cuộc đời. Sợ khổ, sợ mệt không phải lý do để chúng ta lùi bước, trách nhiệm và gánh vác mới là thái độ nhân sinh mỗi người cần có. Tục ngữ nói: “Sau cơn mưa là có cầu vồng”, “khổ tận cam lai” . Khi đường đời của một người đã chịu đủ những khổ cực rồi thì vận khí tốt sẽ tới, thành tựu sẽ đến.

Từ thuận cảnh, nghịch cảnh nhìn ra trí tuệ

Một người khi đối mặt với nghịch cảnh hoặc thuận cảnh, không oán trời không trách người, mà thản nhiên tiếp nhận thì có thể biết được tấm lòng và khí độ của họ.


Nghịch cảnh là khảo nghiệm, vì sao thuận cảnh cũng là khảo nghiệm? Bởi vì một người khi ở vào thuận cảnh thì thường sẽ phóng túng, hưởng lạc, kiêu căng ngạo mạn. Nhưng một người khi ở vào thuận cảnh phải luôn nghĩ đến những ngày gian nan, không tự mãn thì mới có thể bảo trì được “thuận cảnh” dài lâu.


Vào giai đoạn trung kỳ của niên hiệu Trinh Quán, Hoàng đế Đường Thái Tông bắt đầu lơ là, có thái độ chưa chuẩn mực. Vì thế, đại phu Ngụy Trưng mới viết “Gián Thái Tông tập thư sơ” để can gián và hy vọng Hoàng đế có thể sống yên ổn nghĩ đến ngày gian nguy, phải cảnh giác với xa hoa, nên cần kiệm. Đường Thái Tông sau khi xem xong thì bừng tỉnh ngộ, đem đặt lên bàn xem như lời răn.


Khi đối mặt với nghịch cảnh mà buồn chán, thất sắc thì chính là biểu hiện của không có năng lực chống đỡ. Một người chỉ có bình tĩnh, thản nhiên thì mới có thể bảo trì được tâm thái tốt đẹp, gặp nghịch cảnh mà không sợ hãi. Giống như Tô Đông Pha dù bị hãm hại, bị cách chức nhưng vẫn giữ tâm thái “cứ mặc tiếng lá rừng rơi, ngâm nga chậm bước mà đi”. Khi sóng gió qua đi, ông lại thản nhiên ngâm nga “ngoảnh đầu nhìn lại những nơi hiu quạnh trước, cũng không mưa gió, cũng không hanh”.


Oán trời trách đất không giúp một người làm nên chuyện, cam chịu lại là chìm đắm trong lưu lạc. Xưa nay những người có thành tựu đều là tự vực dậy tinh thần, hăm hở phấn chấn khi gặp nghịch cảnh. Giống như thi nhân Khuất Nguyên nước Sở khi bị lưu đày đã viết nên bài “Ly Tao” nổi danh, thời Chiến Quốc Tôn Tẫn dù bị hãm hại chặt chân tàn phế vẫn trở thành danh tướng, quân sự gia nổi tiếng, để lại cho hậu nhân cuốn binh thư “Binh pháp Tôn Tẫn”


Cổ nhân có câu: “Vô luận là đêm tối dài đến mức nào thì buổi sáng rốt cuộc cũng sẽ đến” , hay “vật cực tất phản“ . Vậy nên, một người khi ở vào tuyệt cảnh, chỉ cần có đủ kiên nhẫn thì sớm hay muộn tình thế cũng sẽ có cải biến tốt hơn lên.

Từ mừng giận nhìn ra tu dưỡng


Vui buồn mừng giận là thường tình của con người, vui mà không đắc ý vênh váo, giận mà có thể làm rõ trắng đen, thì có thể thấy được sự tu dưỡng của họ. Bởi vì, mừng và giận là hai trạng thái dễ dàng nhất kiến con người mất đi lý trí, đến nỗi hành động không thỏa đáng và cuối cùng là thu nhận hậu quả xấu.


Trong “Yến Tử Xuân Thu” viết rằng: “Hỉ nhạc vô tiện thưởng, phẫn nộ vô tiện hình” , nghĩa là không thể bởi vì mừng giận nhất thời mà thưởng phạt, cần phải kiểm soát tốt cảm xúc của mình để đưa ra thưởng phạt phải phân minh. Chỉ tiếc rằng thời cổ đại, một số gian thần lợi dụng những lời lẽ xảo ngôn của mình mà chiếm được mừng vui của bậc Quân vương và giành được “tưởng thưởng không đáng”. Trái lại, một số trung thần vì mạo phạm can gián thẳng thắn mà chuốc lấy tức giận của bậc Quân vương mà bị “hình phạt không đáng”.


Trong sách “Luận Ngữ” viết rằng: “Bất thiên nộ” (không trút giận sang người khác, không giận lây). Điều này nhìn như đơn giản nhưng lại rất khó làm. Trong “Trung dung” viết: “Phát nhi giai trung tiết” , hỉ, nộ, ai, lạc của một người mà được phát tiết ra phù hợp với lễ thì mới là người chân chính có hàm dưỡng.


Một người có thể tự mình phán đoán chính xác, không gặp sao hay vậy, không để mặc nước chảy bèo trôi, thì có thể thấy được nhận thức và lí giải độc đáo của họ đối với sự vật. Cho nên, thông qua những biểu hiện nêu trên, có thể nhìn ra một người nào đó có hay không có được thành tựu trong đời.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Cổ nhân nhìn người: Vật họp theo loài, người phân theo nhóm


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook