Tri thức sông Sài Gòn: Hành trình trăm năm, hành trình cuộc đời

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 18:02:36

Khi khai thác tiềm năng của sông Sài Gòn, trước hết cần hiểu về dòng sông, trên phương diện sinh thái tự nhiên, và cả "hành trình chảy" trăm năm của dòng sông qua thành phố, như hành trình của một "cuộc đời".

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua Bình Thạnh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ứng xử với dòng sông không chỉ như với một dòng nước đơn thuần hay một nguồn lợi từ thiên nhiên, mà còn như là một "người bản xứ" của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM.


Xây dựng và sử dụng tri thức sông Sài Gòn có thể là một lối đi để bảo vệ, khai thác tiềm năng của một con sông nhiệt đới trong mối quan hệ tương hỗ.


Mô hình nhân văn sinh thái

Công cụ phân tích nguồn dữ liệu xây dựng tri thức sông Sài Gòn dựa trên Mô hình nhân văn sinh thái - Human Ecosystem Model (HEM).

Mô hình HEM được đề xuất tại Đại học Idaho và Đại học Yale của Hoa Kỳ năm 1995. HEM đã được các chuyên gia khoa học ứng dụng trong các dự án nghiên cứu, quản lý tài nguyên thiên nhiên, khắc phục hậu quả tai nạn môi trường và hồi sinh các cộng đồng ô nhiễm.

Theo mô hình HEM, có ba nhóm dữ liệu quan trọng để hiểu về một vùng sinh thái nhân văn như lưu vực sông Sài Gòn: tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên xã hội kinh tế và tài nguyên văn hóa. Hình ảnh một con sông nhiệt đới với sắc vóc sinh thái tự nhiên và văn hóa là biểu tượng độc đáo để xây dựng tri thức sông Sài Gòn.

Về mảng tài nguyên thiên nhiên bao gồm các dữ liệu thuần thiên nhiên như dòng chảy, nguồn tài nguyên nước, nguồn tài nguyên đất, yếu tố địa hình của từng đoạn dòng chảy, thảm thực vật, động vật sinh tồn trong lưu vực sông, và các dữ liệu nguồn dinh dưỡng, chuỗi thức ăn (nguồn sản vật tự nhiên, hoa lợi từ trồng trọt, chăn nuôi) gắn liền với dòng chảy của sông Sài Gòn.

Tri thức về "tài nguyên thiên nhiên" của sông không chỉ dừng lại ở nguồn lợi mà phải được thu thập cả những "biến đổi quan ngại" đe dọa sự bền vững sinh thái của sông Sài Gòn, ví dụ như ô nhiễm vi nhựa, ô nhiễm kim loại nặng trong trầm tích sông, sự biến đổi của thảm thực vật phù du, những nguồn nước ô nhiễm chảy vào lòng sông…

Về mảng tài nguyên xã hội kinh tế, bao gồm tài nguyên "thông tin" về sông Sài Gòn chứa trong các tư liệu, công trình nghiên cứu, truyền miệng, văn bản pháp luật, tài nguyên "dân cư", và "lực lượng lao động" làm việc trong lưu vực sông Sài Gòn, và tài nguyên về vốn như dòng đầu tư, nguồn lợi từ tài nguyên sông.

Dữ liệu khai thác còn quan tâm đến những yếu tố "xâm lấn" lưu vực sông như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, khai thác tài nguyên cát, nước, thủy sản, và các công trình hình thành do sự phát triển đô thị của TP.HCM.

Về mảng tài nguyên văn hóa, bao gồm tài nguyên về các tổ chức chính phủ, xã hội và phi chính phủ có hoạt động liên quan đến sông Sài Gòn, tài nguyên "huyền thoại văn hóa", những tác phẩm văn học, nghệ thuật về sông Sài Gòn.

Kết quả nghiên cứu khoa học và tri thức địa phương (bản địa) là hai nguồn dữ liệu quan trọng nhất trong quá trình thu thập dữ liệu xây dựng tri thức sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn từ lâu đã trở thành một "bối cảnh" nghiên cứu của nhiều ngành khoa học và các đơn vị quản lý tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa lịch sử.

Các nghiên cứu được tiến hành chuyên nghiệp cả về góc nhìn tiềm năng lẫn góc nhìn về những nguy cơ làm suy yếu sức sống sinh thái, sức sống văn hóa của dòng sông. Tri thức địa phương là những tri thức về sông Sài Gòn tồn tại trong các cộng đồng sống gắn bó với dòng sông từ bao đời.

Đó là tri thức về dòng chảy, về thủy triều sông, về sinh vật sông, về mưu sinh trên sông, về văn hóa sông, về màu nước sông, về mùi nước sông, về cách "ứng xử" với dòng sông, được hình thành tự nhiên theo từng bước chân của người địa phương.

Một cuộc vận động chia sẻ thông tin về sông Sài Gòn từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và người địa phương sẻ mở ra con đường rộng để xây dựng tri thức sông Sài Gòn.

Tư liệu của trung tâm trưng bày và giáo dục môi trường thành phố

Tri thức sông Sài Gòn không chỉ được sử dụng như nguồn thông tin nền cho các dự án khai thác tiềm năng sông cho các nhà hoạch định đô thị và nhà đầu tư, mà còn có thể vận dụng trực tiếp cho ý tưởng xây dựng trung tâm trưng bày về tri thức Sài Gòn và giáo dục môi trường thành phố cho người trẻ.

Trong chuỗi phát triển du lịch dựa trên tiềm năng sông Sài Gòn, việc xây dựng một nhà trưng bày "Tri thức sông Sài Gòn" là một ý tưởng cần được cân nhắc. Phòng trưng bày chính là nơi lưu giữa những tri thức hay nhất, khoa học nhất và thi vị nhất về dòng sông Sài Gòn.

Không chỉ các thông tin văn hóa lịch sử mới tạo ra những sản phẩm du lịch, chính thông tin về sinh thái tự nhiên cũng đủ mang "tâm hồn" kể chuyện về dòng sông Sài Gòn.

Thành phố sẽ có thêm một không gian "tri thức", tuyến du lịch sông sẽ có thêm một điểm đến mang sắc thái một con sông nhiệt đới.

Tri thức sông Sài Gòn cũng có thể chuyển tải thành tài liệu dạy học, và tư liệu giáo dục môi trường cho người trẻ thành phố. Dòng sông Sài Gòn chính là hình ảnh môi trường thiên nhiên tiêu biểu mà người trẻ của khu vực siêu đô thị như TP.HCM có thể cảm nhận về hình hài môi trường sinh thái.

Tri thức sông Sài Gòn được sử dụng tinh tế trong giáo dục môi trường sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người trẻ thành phố và dòng sông. Kích hoạt sự nhạy cảm, bồi đắp tình yêu với dòng sông như với như một "người thân" của thành phố.

Người trẻ hiểu biết tri thức về dòng sông sẽ hình thành ý niệm bảo vệ dòng sông trong những hoạt động nghề nghiệp và hành trình sống trong tương lai.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Để sông Sài Gòn tiếp tục 'ban phúc lành cho trăm họ' Sông Sài Gòn là tặng vật của thiên nhiên dành cho TP.HCM và khu vực. Nhưng suốt một thời gian dài, dòng sông đang 'ngủ quên'.

Chia sẻ Facebook