Trị bách bệnh bằng detox trái cây (Kỳ 2): Chân dung "thánh y" tôn sùng thụt tháo và sự thật phía sau

Chia sẻ Facebook
22/04/2022 19:21:43

'Thầy' tôi tự giới thiệu đã hành nghề y được 20 năm. Phương pháp chữa bệnh của 'thầy' được quảng cáo là môn Y tướng sức khỏe, chỉ nhìn bằng mắt thường, không dùng máy, KHÔNG PHẢI VỌNG CHẨN, không phải hỏi bệnh nhân, nhìn là biết trước khi bệnh, sau khi bệnh và trong thời kỳ phát bệnh...

Theo lời người giới thiệu, tôi đến gặp "thánh y" được quảng cáo là trị được bách bệnh bằng detox trái cây. Trụ sở của "thầy" nằm trong một con hẻm nhỏ ở quận Gò Vấp.

Sau một hồi loằng ngoằng các thủ tục bao gồm nghe cô phụ tá 30 tuổi thao thao rồi đo huyết áp bằng máy, tôi cũng được diện kiến "thầy". "Thầy" tôi tự giới thiệu đã hành nghề y được 20 năm.

Cuộc khám bệnh diễn ra khá chóng vánh, trong khoảng 20 phút. Sau đó tôi tìm cách ngồi lại nói chuyện nhiều hơn với “thầy”.

Tôi ghi lại nguyên văn cuộc nói chuyện của tôi với "thầy" và những người liên quan (kéo dài khoảng 3 tiếng) để bạn đọc tự nhận xét. Trong toàn bộ quá trình này, tôi giới thiệu nghề nghiệp của mình là nhân viên văn phòng. Tôi cũng xin số điện thoại của thầy và được cho trang Zalo.

Trong đó, "thầy" quảng cáo rất nhiều về các biện pháp mình dùng để chữa bệnh cùng sự hâm mộ, tin tưởng của người bệnh ở khắp nơi trong nước, nhưng không hề thấy một văn bằng nào liên quan đến ngành y.

Phần chữ in đậm là tóm tắt nội dung câu hỏi của người viết. Tôi xin gọi là "thầy" C.

- Tôi khám bệnh 20 năm nay, không bao giờ cần cho thuốc bệnh nhân nào. Cơ thể con người là một bệnh viện đa khoa, nó tự chữa lành nếu mình ăn uống sạch. Cách đây 20 năm chưa làm y, lúc 20 tuổi tôi bị béo phì nhưng ở Việt Nam chữa không hết nên đi sang Nhật tìm thầy chữa, sau đó sang Malaysia rồi mới về Việt Nam hai năm nay thôi. Tôi được học nghề từ 20 vị thầy giỏi nhất thế giới.

Để giảm cân thì bớt ăn uống và tập luyện thể lực nhiều hơn cũng có hiệu quả. Tại sao thầy phải đi tận sang Nhật?

- Vì môi trường Việt Nam ai cũng ăn nhiều và ăn sai, ăn quá nhiều thịt. Mình có thể từ chối 99 lần nhưng lần thứ 100 thì không giữ được. Sang Nhật thì ai cũng ăn đúng nên mình không ăn sai được. Mỗi ngày chỉ ăn một miếng thịt nhỏ thế này (giơ khoảng 2 đốt ngón tay) thì cơ thể mới phân hủy, tiêu hóa hết được. Ăn nhiều thịt quá thì đi phân ra rất thối do nó đi xuống ruột non và lên men thối ở ruột già. Thế cho nên

thụt tháo đại tràng

rất là tốt.

Trong cuốn tài liệu làm cơ sở cho phương pháp thải độc trái cây hay thụt tháo đại tràng mà nhóm “lương y” tôn sùng và giới thiệu, có rất nhiều những hình ảnh như thế này, được quảng cáo là bệnh nhân đã khỏi bệnh nhờ áp dụng thụt tháo. Ảnh: TM

Vì sao phải thụt tháo? Mình cứ đi đại tiện bình thường tự nhiên đều đặn thì có tốt hơn không?

- Đi đại tiện tự nhiên không thải được độc. Các nhà nghiên cứu trên thế giới nghiên cứu hàng 15 nghìn, mấy chục nghìn tử thi đều thấy bệnh là (xuất phát) từ đường ruột. Do vậy phải thải độc đường ruột, cộng với dinh dưỡng thì sẽ hết bệnh.

Ruột có ba động mạch. Động mạch thứ nhất liên quan đến não, nên ruột nhiễm độc thì não bị nhiễm độc, mắt bị mờ, hay quên. Động mạch thứ 2 liên quan đến máu, nên ruột nhiễm độc thì dễ bị hở van tim, suy tim. Động mạch thứ 3 liên quan đến gan. Ruột nhiễm độc thì gan cũng yếu. Tim cũng thế, con người có ba trái tim: một ở lồng ngực, hai trái tim ở gan bàn tay và gan bàn chân.

Thầy chẩn bệnh, nói tôi bị đủ thứ bệnh: thiếu máu cơ tim, hụt hơi nhẹ, thiếu máu lên não, nóng trong, men gan hơi tăng, máu nhiễm mỡ, nguy cơ nhân xơ tử cung, suy giảm tĩnh mạch, xương lưng 4 đốt (không ghi thêm gì), sa nhẹ dây thanh quản (cô nhân viên viết "xa" nhẹ), tắc tuyến lệ, đốt sống L4, L5 bị chèn nhẹ, cuối cùng là bị khí lạnh xâm nhập vào tử cung.

Tôi tỏ vẻ nghi ngờ và cho thầy biết đã đi khám bệnh tổng quát ở bệnh viện trước đó ba ngày, kết quả mạnh khỏe bình thường.

- Phụ nữ bây giờ bị khí lạnh xâm nhập nhiều lắm. Đấy là do làm việc ở văn phòng dùng máy lạnh, về nhà cũng dùng máy lạnh.

Thưa thầy, nếu nói khí lạnh xâm nhập tử cung thì phụ nữ sống ở châu u đều bị khí lạnh xâm nhập hết ạ?

- Khí lạnh này không phải là khí lạnh thông thường mà đông y dùng từ này nó là khí âm, có trong chùa, trong nghĩa trang… Đừng đi chùa với đám tang nhá! Khí lạnh này nó xâm nhập từ nhiều năm, lâu dài, xấu, có nguy cơ nhân xơ và nếu không chữa kịp thì có nguy cơ ung thư. Về nhà chị dùng khăn luộc lên đắp vào bụng dưới để làm ấm tử cung nhá!

Thầy không kê thuốc mà bảo tôi hỏi người phụ nữ đã tiếp điện thoại tôi ban đầu để được chỉ cách chữa.

Khi tôi thắc mắc về cái giá 2 triệu đồng/ngày thải độc, cô nhân viên cười, nói:

- Nếu chị tham gia rồi thì thấy giá 2 triệu đồng/lần là quá rẻ. Cả ngày hôm đó chị không ăn gì, chỉ uống nước ép. Mỗi người uống nước ép của 2,5 kg nho; 1,5 kg táo cơ (cô liệt kê ra nhiều loại trái cây nữa mà tôi không kịp nhớ - NV).

“Tụi em làm cái này là (muốn phụng sự) cho cộng đồng nên không có lợi nhuận gì cả. Làm cả ngày từ sáng đến chiều mà 4 người chỉ được tổng cộng 700.000 đ chị tin không?”

“Thải độc trong một ngày đấy hiệu quả rõ ràng luôn, nhưng chị muốn duy trì (hiệu quả thải độc và giảm cân) thì sau đó phải uống viên dinh dưỡng”

Viên dinh dưỡng được nhắc đến chính là các sản phẩm của hãng A. Đó là một nhãn hàng bán theo phương thức đa cấp rất nổi tiếng.

Trên trang web chính thức của hãng, các sản phẩm được giới thiệu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Chúng được chia ra nhiều loại như thực phẩm hỗ trợ chức năng, dinh dưỡng thiết yếu hàng ngày hỗ trợ quản lý cân nặng. Hầu hết được đóng thành viên nén giống viên thuốc, đóng trong các hộp nhỏ cũng giống hộp thuốc. Giá khá cao, từ khoảng 300.000 đ đến nhiều triệu đồng, dùng trong khoảng 1 tháng - 4 tháng. Các hộp trắng bừa bộn trên bàn và trong tủ kính chính là thực phẩm dinh dưỡng mà cô giới thiệu.

“Bài nói” cùng các thao tác nhúng giấy quỳ vào nước rồi chỉ màu nước thay đổi rồi kết luận là nước thông thường từ nhà máy nước đều chứa nhiều acid, sẽ không tốt cho sức khỏe, tôi cũng từng chứng kiến những người bán hàng đa cấp của hãng này giới thiệu ở khắp nơi.

Nhưng thực tế, trên trang web chính thức, hãng A không có dòng nào nói các sản phẩm của họ là "thuốc" hay có tác dụng chữa bách bệnh. Chỉ có một số người tham gia mạng lưới đa cấp tùy tiện và nhìn mặt khách hàng để tha hồ quảng cáo lên mây.

Tôi hỏi tiếp:


Đấy có phải là thực phẩm chức năng không?

- Không, thực phẩm chức năng là (hỗ trợ) từng chức năng một, như chức năng gan, chức năng thận, còn đây là thực phẩm dinh dưỡng, hỗ trợ tất cả các chức năng.

Khoan, dừng khoảng chừng 2 giây!

Đến đây thì tôi hiểu ra vì sao "thầy" cho biết đã xa nhà suốt mấy tháng trời để đi khắp các tỉnh thành khám bệnh nhưng lại không thu đồng tiền khám nào. Lợi nhuận cũng không nằm ở các buổi thực hành detox trái cây kia, mà từ việc bán các loại thực phẩm chức năng đang được cộng sự của "thầy" quảng cáo là "viên dinh dưỡng chữa bách bệnh" (hiện tại, trên trang cá nhân của "thầy" chỉ còn tập trung quảng cáo và bán đông trùng hạ thảo, cũng với lời ca tụng như thần dược chữa bách bệnh).

Khi cô nhân viên đang thuyết phục tôi mua "viên dinh dưỡng" thì có một người đàn ông khoảng hơn 30 tuổi vào hỏi mua cà phê để thụt tháo đại tràng. Chúng tôi cũng chuyển câu chuyện qua đề tài này.

Tôi hỏi cô nhân viên:

Tại sao phải dùng cà phê để thụt tháo đại tràng? Có thể thay cà phê bằng nước lọc, nước trà hay nước muối không?

- Nước lọc không có tác dụng bóc tách chất độc bám dính trên lông nhung của thành ruột. Còn trà bây giờ độc hại lắm do trồng không hữu cơ, có phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu bám vào, đưa vào cơ thể rất nguy hiểm chết người.

Bóc tách chất độc là bóc tách những chất gì? Bóc theo cách nào?

Đến đây thì cô nhân viên lúng túng và thầy C. vào thay thế. Thầy giảng nhiệt tình:

- Cà phê có chất coffein nhưng đã được tách các chất có hại ra khỏi, chỉ giữ các chất có lợi để bổ sung lợi khuẩn và tách bóc chất độc bám dính trên thành ruột. Nhưng mà ở Việt Nam nhé, không một cà phê nào quảng cáo để thụt tháo đúng hết chị nhé.

Có một người tên Nguyễn Bình, từng rất nổi trên facebook, quảng cáo dùng cà phê thụt tháo đại tràng và tả lại cả kết quả (màu phân, tình trạng) sau mỗi lần thụt tháo, từng được rất nhiều người tin tưởng làm theo và khoe sức khỏe tốt sau khi thụt tháo. Thậm chí còn hết cả một số bệnh mãn tính. Người này cho biết là có rẫy cà phê hữu cơ ở Tây Nguyên, tự tay hái từng trái cà phê chín, sau đó rang xay để làm cà phê thụt tháo. Sao thầy lại bảo ở Việt Nam không có loại cà phê nào để thụt tháo?

- Nó lừa dân mình đấy! Cà phê rang xay mà bảo là để thụt tháo thì toàn chất độc!

Thầy cầm các hộp giấy như dưới đây ra cho tôi xem và nói tiếp:

Hộp cà phê bán với giá 999.000 đ để cho người bệnh thụt tháo đại tràng trong vòng 15 ngày. “Thầy” quảng cáo ở Việt Nam chỉ có mình thầy được ông chủ của hãng cà phê này nhận làm đối tác chính thức và duy nhất. Ảnh: TM

- Làm gì có ai nhập cái máy ngàn tỷ trăm tỷ để tách bóc chất có lợi ra bán như thế này. (Cà phê rang xay) lại còn phải pha, có bã! Còn gói cà phê này chỉ việc hòa nước thụt tháo. Một hộp 999.000 đ, 15 gói, mỗi gói làm một lần. Đây là cà phê làm ở nước ngoài, cả thế giới biết. Ở Việt Nam chỉ có duy nhất tôi được chính tổng giám đốc hãng này tin tưởng cho làm đối tác thôi chị nhé.

Đừng có bao giờ đi mua cái cà phê (rang xay) ấy về thụt tháo! Thương dân mình quá, toàn bị lừa thôi.

Thầy tỏ vẻ rất căm phẫn.

Nếu bệnh nhân không mua được cà phê này để thụt tháo, nhưng đi khám bệnh và dùng thuốc tại các bệnh viện đông y, ví dụ TP HCM có bệnh viện Y học dân tộc và bệnh viện Y học cổ truyền thì thế nào?

- Việt Nam làm gì đã có phương pháp này. Còn bệnh viện Đông y ý, nói thì không ai tin, thuốc đấy toàn là rác. Cái lá của mình nhá, để 3 ngày là nó đã mốc lên rồi, thế mà thuốc trong ấy để hàng tháng! (cười, lắc đầu). Đông y có hàng ngàn năm nay, Tây y chỉ mấy chục năm, hiệu quả bằng thế nào được. Con người là loài ăn cỏ nên mới có 4 răng nanh và nhiều răng hàm. Ăn thịt nhiều thì chỉ bệnh thôi chứ khỏe thế nào được.

Tại sao người phương Tây ăn thịt nhiều hơn mình mà cao to, khỏe mạnh hơn?

- Cao to thôi chứ toàn là bệnh tim mạch, 50 tuổi là yếu lắm rồi.

Nhưng con người chỉ có một dạ dày và không có men tiêu hóa cỏ như bò? Các nhà khoa học đều khuyên ăn cân bằng, đủ dinh dưỡng đạm-rau-tinh bột... chứ không nên ăn uống thiên lệch mà?

- Đấy là quan điểm, là góc nhìn (của cá nhân thôi). Chị phải thay đổi quan điểm nếu không sẽ thấy hậu quả.

Đến đây thầy không thanh tĩnh như nước nữa mà gần như cáu rồi. Tôi cũng xin phép đi về.

(Xin cảm ơn TS.BS. Phạm Nguyên Quý, Đồng sáng lập dự án Y học cộng đồng và hiện đang làm bác sĩ điều trị ngành Ung thư Nội khoa tại Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản)

Theo TS.BS Phạm Nguyên Quý, câu chuyện trên có ít nhất 3 điểm cần lưu ý làm rõ.

Thứ nhất, việc tổ chức khám bệnh tại nơi không có bảng hiệu, không có giấy phép khám chữa bệnh là hoàn toàn trái pháp luật.

Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là văn bản chính thống do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho các cơ sở y tế. Theo Điều 43 chương 4 của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, cơ sở khám chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

b) Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;

c) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng.

Theo mô tả chi tiết trong bài báo, không gian nơi "khám bệnh" diễn ra không đáp ứng các quy chuẩn về cơ sở khám bệnh do Bộ Y tế ban hành. Người tự xưng là "ông thầy" cũng vi phạm luật hành nghề Y vì cách tư vấn, nói chuyện với bệnh nhân không hề giống những người đã qua trường lớp đào tạo chính quy và không đúng với quan điểm Tây y.

Đơn cử là kiến thức về "ba loại động mạch trong ruột" nghe rất phi lý và không hề được chấp nhận bởi các trường phái Y khoa hiện hành. Câu chuyện "phân tích mấy chục nghìn tử thi đều thấy bệnh là từ đường ruột" cũng không chính xác và tôi cho rằng đây chỉ là lý thuyết đặt ra để cổ súy cho liệu pháp thụt tháo đại tràng.

Thật ra, liệu pháp thải độc hay chữa bệnh bằng thụt tháo đại tràng hoàn toàn không phải là kiến thức đúng đang được dạy cho các bác sĩ chính quy.

Thứ hai, những điều ông "thầy" nói là không có cơ sở.

Mặc dù Đông y và Tây y đều chú trọng những kỹ năng thăm khám như nhìn, sờ, gõ, nghe, kết hợp với óc phân tích kỹ lưỡng tình huống của người bệnh, nhưng để chẩn đoán các rối loạn mỡ máu hay các u xơ trong tử cung... vẫn cần phải làm những xét nghiệm máu hay siêu âm.

Chính vì thế, chỉ qua bắt mạch sơ sài thì hầu hết không thể chẩn bệnh chính xác, nhất là trong giai đoạn mới mắc bệnh. Điểm mâu thuẫn ở đây là mặc dù nhân vật cho biết đã đi khám ở bệnh viện với kết quả BÌNH THƯỜNG trước đó chỉ ba ngày, nhưng "ông thầy" vẫn kết luận các bệnh "thiếu máu cơ tim", "thiếu máu lên não", "men gan hơi tăng", "máu nhiễm mỡ" mà không cần làm bất cứ xét nghiệm nào!

Tương tự, chẩn đoán các bệnh "nhân xơ tử cung", "suy giảm tĩnh mạch", "xương lưng 4 đốt (không hiểu là gì)…" thường phải được hỗ trợ bằng khảo sát hình ảnh (như siêu âm, chụp X quang) chứ ít khi được bác sĩ "phán cú một" mà không hề thăm khám vào bụng, lưng hoặc chân của người bệnh. Nực cười hơn, ông "thầy" cổ súy Y tướng, hạ bệ Tây y nhưng lại sử dụng hàng loạt tên bệnh trong Tây y để khoe chữ và dọa dẫm người nhẹ dạ.

Liên quan tới hàng loạt "tên bệnh khủng" mà ông "thầy" đã thao thao bất tuyệt, tôi nghĩ cần đánh dấu hỏi với kế hoạch điều trị đơn giản của ông là "gặp nhân viên mua hàng" và "nghe lời khuyên giải độc" từ một người khác cũng không có chuyên môn y tế.

Chúng ta nên tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim hoặc có nguy cơ đột quỵ thật nhưng chậm trễ chữa trị do tin lời ông lang băm này đi theo phương pháp bậy bạ? Việc này còn liên quan tới trách nhiệm pháp lý: Liệu có thể khởi kiện "ông thầy" này vì tư vấn sai dẫn tới hậu quả nghiêm trọng không?

Cuối cùng, cần nhìn ra chiêu trò tinh vi của mạng lưới kinh doanh "đồ thải độc".

Đó là "đầu vào miễn phí nhưng đầu ra tốn tiền từ từ". Chắc hẳn những người nhẹ dạ, thiếu kiến thức y khoa sẽ hoang mang khi nghe "thầy" nói mình bị "hàn khí thâm nhập" như kiểu "âm vượng dương suy". Chính tâm lý sợ hãi này sẽ khiến nhiều người tin rằng phương pháp mà "thầy" hướng tới là cách chữa trị tốt nhất cho mình. Họ sẽ vô tình rơi vào bẫy do nhóm kinh doanh đặt sẵn.

Hiện tượng này rất giống với câu chuyện thầy bói phán điều gì đó rất kinh hãi rồi yêu cầu "khổ chủ" phải qua chỗ nọ chỗ kia cúng giải hạn định kỳ. Đương nhiên, sẽ có một số người từ đầu đã không tin, nhưng cũng sẽ có người "yếu bóng vía", dù bán tín bán nghi nhưng vẫn làm theo vì nghĩ là không còn cách nào khác.

Khi nghĩ về hiện trạng nhiều hoạt động mê tín dị đoan còn phổ biến ở Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng đang có người tiêu dùng nhẹ dạ và thiếu hiểu biết, đủ để nuôi sống những mạng lưới bán hàng có tên "đa cấp".

Là một nhà khoa học, tôi cũng tò mò muốn biết tỉ lệ "thành công" khi theo thử phương pháp này, với định nghĩa "thành công" khách quan rõ ràng và phương pháp đánh giá hợp lý. Rất tiếc, chưa hề có những thông tin được kiểm chứng như vậy trong y văn mà chỉ toàn lời đồn miệng trong dân gian như "Tôi thấy có bà chị kia dùng rất tốt!".

Việc đưa ra tuyên bố chắc nịch "Làm gì có ai nhập cái máy ngàn tỷ trăm tỷ để tách bóc chất có lợi ra bán như thế này" hay "Đông y có hàng ngàn năm nay, Tây y chỉ mấy chục năm, hiệu quả bằng thế nào được" là rất đáng ngờ vì chúng có "mùi" phóng đại, định kiến để cổ súy một chiều cho sản phẩm/phương pháp đang tiếp thị.

Tôi đặc biệt quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực của hình thức kinh doanh này tại Việt Nam, nơi mà dân trí y tế còn chưa cao và còn nhiều người dân vẫn chưa được y bác sĩ tư vấn kịp thời.

"Liệu pháp thải độc trái cây" này đáng được cảnh báo với góc nhìn đa chiều, nhất là với tiếng nói khoa học và quản lý y tế. Như những phong trào cực đoan mù quáng khác, tôi nghĩ rằng người dân cần tỉnh táo trước những "phòng khám ma" và "ông thầy cúng" như thế này để không bị lừa vào đường dây bán hàng đa cấp trá hình.

Thể theo những gì mà ngành y tế đã vào cuộc cảnh báo trong thời gian qua, tôi nghĩ rằng có 3 lời khuyên có thể giúp bệnh nhân không bị lừa:

- Tránh xa những nơi không có giấy phép hành nghề và những người gạ gẫm mua bán ở nơi vắng vẻ.

- Tránh xa những thông tin một chiều, những người chỉ toàn dùng mỹ từ để tâng bốc phương pháp của mình.

- Kiểm chứng lại thông tin bằng cách hỏi thêm ý kiến thứ hai, nhất là lắng nghe những bác sĩ không có quan hệ/ràng buộc lợi ích với liệu pháp đó.

Cuối cùng, nếu có thể, hãy ghi chép kỹ lưỡng thông tin đã được cung cấp, lưu lại liên lạc của người trong đường dây mua bán đó để có thể báo công an hoặc kiện ra tòa khi cần thiết.


Theo Hoàng Xuân

Nhịp Sống Việt

Chia sẻ Facebook