Trend 10 năm: Top những giàu nhất Việt Nam đã thay đổi ra sao sau một thập kỷ?

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 15:27:54

Tài sản trung bình của top 1% giàu nhất Việt Nam đã tăng hơn 84% từ 442.139 USD lên tới 814.776 USD sau 10 năm.

Theo dữ liệu được thu thập từ Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới, năm 2021, top 1% người giàu nhất Việt Nam chiếm tới 26,5% tài sản của cả nước, trong khi cách đây 10 năm, những người giàu nhất chỉ chiếm 25,5% tài sản.

Con số này cũng tương tự ở mọi nơi trên khắp thế giới, tỷ lệ tài sản của 1% những người giàu nhất trong tài sản toàn cầu đã tăng lên sau 10 năm. Đặc biệt, bất bình đẳng đã tăng vọt ở các nước đang phát triển. Theo nghiên cứu, sự chênh lệch giàu nghèo ở các quốc gia này hiện chiếm hơn 2/3 tỷ lệ bất bình đẳng toàn cầu.

Cũng trong 10 năm đó, tỷ lệ tài sản trong tài sản quốc gia của 50% dân số nghèo nhất chỉ tăng 0.1%, từ 5,5% lên 5,6%.

Để lọt vào top 1% dân số có tài sản lớn nhất Việt Nam cách đây 10 năm, bạn chỉ cần có tài sản tối thiểu là 151.166 USD (gần 3,5 tỷ VND). Nhưng đến năm 2021, để lọt top này, bạn cần có tài sản tối thiểu là 259.149 USD (gần 6 tỷ VND), và để lọt vào top 10% thì bạn cần có tài sản tối thiểu 61.313 USD (gần 1,4 tỷ VND).


Tuy nhiên, những con số này có thể sẽ chưa hoàn toàn bao quát hết mọi khía cạnh, trong bối cảnh tài sản của rất nhiều người Việt Nam tồn tại chủ yếu dưới dạng bất động sản.

Tại các quốc gia phát triển, điển hình như Mỹ hay Úc, cơ sở dữ liệu về giá trị bất động sản theo giá trị trường sẽ được đưa vào thống kê vì họ đánh thuế trên giá trị bất động sản theo giá thị trường. Do đó khi đánh giá về tổng tài sản, các hãng thống kê sẽ dễ dàng tính toán những giá trị tài sản rất sát với giá thị trường. Ở các quốc gia khác, việc giá nhà tăng lên sẽ được quy vào thu nhập bất thường và người dân phải chịu thuế cho phần thu nhập bất thường đó. Trong khi tại Việt Nam, chưa bộ phận nào cập nhật thông tin nhanh chóng về mức tăng của giá nhà.

Chia sẻ Facebook